Sáng chế của ĐHQG-HCM tiếp tục được Hoa Kỳ cấp bằng bảo hộ độc quyền
Sáng chế thuộc quyền sở hữu của ĐHQG-HCM về lĩnh vực sinh học do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thực hiện mang tên “Hỗn hợp dịch chiết tế bào và phương pháp tạo dòng chuyên biệt vị trí” đã được Cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp bằng bảo hộ độc quyền.
Sáng chế của nhóm tác giả đến từ khoa Sinh học – công nghệ sinh học, Trường ĐH KHTN do ĐHQG-HCM làm chủ sở hữu.
Nhóm tác giả của sáng chế này gồm PGS.TS Đặng Thị Phương Thảo – Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học phân tử và môi trường, khoa Sinh học – công nghệ sinh học, GS.TS Trần Linh Thước – Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ – sinh học phân tử, TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh và ThS Nguyễn Hiếu Nghĩa.
Sáng chế của nhóm đề cập thuốc thử và phương pháp nhân bản DNA dựa trên sự tái tổ hợp tương đồng cho một vị trí nhân bản có hướng của đoạn DNA chèn vào một vectơ.
Theo nhóm nghiên cứu, tạo dòng gene (gene cloning) là kỹ thuật cơ bản và được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu ứng dụng liên quan sinh học và công nghệ sinh học hiện đại. Phương pháp này nhằm tăng cường hoặc giảm bớt sự biểu hiện của một gene cũng như đánh giá được chức năng của gene đó trong cơ chế phát sinh bệnh. Từ đó, tìm ra phương pháp chẩn đoán, điều trị phù hợp.
Tạo dòng gene cũng được ứng dụng trong việc sản xuất protein tái tổ hợp dùng làm thuốc, vaccine và phát triển các loài thực vật có khả năng chống chịu điều kiện khắc nghiệt tốt, cho năng suất cao.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, thế giới đã có nhiều nghiên cứu cùng các sản phẩm phục vụ việc tạo dòng gene. Tuy nhiên, sáng chế này đã tạo ra một hỗn hợp chiết xuất chứa các enzyme cần thiết cho quá trình tạo dòng gene với phương pháp tạo dòng chuyên biệt vị trí. Từ nghiên cứu này, nhóm tác giả đã làm ra sản phẩm kit tạo dòng gene. Đây là sản phẩm tiềm năng thương mại hoá và có tính cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường hiện nay.
Đối với các nghiên cứu về công nghệ gene tại Việt Nam, sản phẩm này giúp giải quyết vấn đề khó khăn về nguyên vật liệu phục vụ tạo dòng gene, thay thế các sản phẩm nhập từ nước ngoài. Điều này giúp giảm chi phí nghiên cứu khoảng 5-6 lần cho một bộ kit, từ 50-60 triệu xuống 10 triệu/100 phản ứng.
Đặc biệt, sự ra đời của một sản phẩm trong nước với hiệu quả tương đương sản phẩm nước ngoài còn giúp giảm được thời gian đặt hàng (thường là 6 đến 8 tuần), thúc đẩy nhanh các tiến trình nghiên cứu về công nghệ sinh học. Đây là một trong các yếu tố trở ngại làm giảm hiệu suất nghiên cứu và kìm hãm khả năng phát triển nghiên cứu tại Việt Nam.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
- Admin
- December 24, 2021
- 7:31 am