KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Giới thiệu về đăng ký bảo hộ sáng chế quốc tế và Việt Nam

Sự phát triển của con người luôn gắn liền với sự đổi mới và sáng tạo. Để đạt được tới trình độ sáng tạo như ngày nay, khi mà trí tuệ nhân tạo có thể học hỏi và tiến bộ mỗi ngày.  Để tạo ra sự ghi nhận và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, việc bảo vệ tài sản trí tuệ được đặt ra ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Đối với mỗi đơn vị tổ chức hầu hết tồn tại hai loại tài sản, tài sản hữu hình và tài sản vô hình, tài sản hữu hình là tài sản có thể nhìn thấy được, cầm nắm được và định giá một cách dễ dàng như: nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, nguồn vốn… tuy nhiên, tài sản vô hình là tài sản không thể nhìn thấy, không thể cầm nắm được và khó định giá như các sáng chế, giải pháp hữu ích, thương hiệu, uy tín doanh nghiêp…. hầu như các tài sản vô hình đều có giá trị lớn hơn tài sản hữu hình rất nhiều. Một trong số tài sản vô hình đó là các tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, thương hiệu, uy tín, giá trị niền tin…

1. Hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ trên thế giới

Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” “chỉ những sáng tạo của trí óc, chẳng hạn như phát minh; tác phẩm văn học nghệ thuật; kiểu dáng; và các biểu tượng, tên và hình ảnh được sử dụng trong thương mại.” Tại Hoa Kỳ, có một số loại tài sản trí tuệ, bao gồm bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại, bản quyền và bí mật thương mại. Bằng sáng chế cho phép chủ sở hữu của họ xác định ai có thể tạo, sử dụng hoặc bán một phát minh. Nhãn hiệu cho phép chủ sở hữu của họ truyền đạt nguồn hoặc xuất xứ của sản phẩm hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng. Bản quyền cung cấp cho chủ sở hữu khả năng xác định ai có thể sao chép hoặc phân phối tác phẩm, trình diễn và hiển thị công khai tác phẩm hoặc chuẩn bị tác phẩm phái sinh. Bí mật thương mại bảo vệ thông tin kinh doanh bí mật. Một số loại cây trồng, kiểu dáng công nghiệp và dữ liệu quy định cũng có thể được bảo hộ ở Hoa Kỳ.

Bằng sáng chế tiện ích bảo vệ một quy trình, máy móc, vật phẩm sản xuất hoặc thành phần vật chất mới và hữu ích hoặc bất kỳ cải tiến mới và hữu ích nào của chúng. Để có được bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, nhà phát minh phải nộp đơn đăng ký bằng sáng chế cho Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Hoa Kỳ (USPTO), trong đó bao gồm (1) một tài liệu bằng văn bản bao gồm mô tả và tuyên bố, (2) bản vẽ khi cần thiết, (3 ) lời tuyên thệ hoặc tuyên bố, và (4) lệ phí nộp đơn, tra cứu và kiểm tra. Thời hạn bảo hộ bằng sáng chế kéo dài 20 năm kể từ ngày nộp đơn.

Có ba loại bằng sáng chế:

  1. Bằng sáng chế tiện ích có thể được cấp cho bất kỳ ai phát minh hoặc phát hiện ra bất kỳ quy trình, máy móc, sản phẩm hoặc thành phần vật chất mới và hữu ích nào, hoặc bất kỳ cải tiến mới và hữu ích nào của chúng;

  2. Bằng sáng chế thiết kế có thể được cấp cho bất kỳ ai phát minh ra một thiết kế mới, nguyên bản và trang trí cho một sản phẩm sản xuất;

  3. Bằng sáng chế thực vật có thể được cấp cho bất kỳ ai phát minh hoặc khám phá và nhân giống vô tính bất kỳ giống cây trồng mới và khác biệt nào.

Patent life cycle. Nguồn: https://www.uspto.gov/patents/basics

Từ năm 1474, lần đầu tiên có khái niệm về bằng độc quyền sáng chế tại Venice. Bằng độc quyền sáng chế ghi nhận sự sáng tạo của cá nhân là người tạo ra giải pháp kỹ thuật. Năm 1642 nước Anh đã ban hành Đạo luật về Đặc quyền, là văn bản pháp luật đầu tiên quy định điều kiện cấp bằng độc quyền cho giải pháp kỹ thuật đạt tiêu chuẩn là sáng chế và việc bảo hộ bằng độc quyền sáng chế trong một thời hạn nhất định. Đến năm 1710 một đạo luật có tên là Anne đã được Quốc hội nước này thông qua, quyền tác giả được thừa nhân theo đạo luật này. Năm 1792 Pháp có quy định bằng độc quyền sáng chế, quy định quyền của người sáng chế được bảo hộ. Năm 1788 tại Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa Kỳ đã quy định bằng độc quyền sáng chế, điều kiện cấp Bằng bảo hộ cho người tạo ra sản phẩm trí tuệ là sáng chế. Năm 1877 Đức, luật quy định về bằng độc quyền sáng chế được ban hành.

Với những hiệu quả mà bằng sáng chế mang đến cho các quốc gia, đó là sự phát triển sản xuất, nhiều sản phẩm được tạo ra, thúc đẩy phát triển kinh tế, hàng hóa, hàng loạt các quốc gia có luật bảo hộ bằng sáng chế ra đời như: Italia năm 1859, Tây Ban Nha năm 1878, Thụy Điển năm 1884, Bồ Đào Nha năm 1896, Canada năm 1886, Brazin năm 1882, Mexico năm 1890, Nam Phi năm 1896; Ấn Độ và Nhật Bản là hai nước Châu Á ban hành Luật Bảo hộ sáng chế độc quyền vào năm 1888…

Ở thời điểm ban đầu phát triển hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ, số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ còn thấp trình độ kỹ thuật, sáng tạo ở mức nền tảng, các cơ chế, chính sách về bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa hoàn chỉnh, các nước đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện các văn bản về luật pháp. Hoạt động đăng ký bảo hộ sáng chế bắt đầu có nhiều thay đổi và phát triển mạnh mẽ từ thế ký 19 với sự hoàn thiện về các quy định, văn bản pháp luật, ban hành các đạo luật, cùng với đó là sự ra đời của rất nhiều sáng chế làm thay đổi thế giới, trong nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ…

Từ khi hình thành Luật Sở hữu trí tuệ đến nay đã phát huy được hiệu quả cao trong sự phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ và phát triển vượt trội về kinh tế, nhiều sản phẩm hàng hóa được ra đời, đáp ứng nhu cầu phát triển của thế giới. Trước đây, có thể tính từ 2015 trở về trước Hoa Kỳ và các nước Châu Âu là các quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nộp đơn cũng như sở hữu bằng sáng chế, các sáng chế hầu như được nộp nhiều tại Hoa Kỳ và các nước Châu Âu, nơi đây cũng là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ phát triển nhất thế giới, vài năm trở lại đây tính thừ 2016, đặc biệt là năm từ 2020 Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu không còn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng nộp đơn sáng và số lượng bằng sáng chế sở hữu. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia nổi lên với vị trí dẫn đầu số lượng nộp đơn sáng chế và số lượng bằng sáng chế sở hữu trên thế giới, trước đây Hoa Kỳ luôn là quốc gia giữ vị trí số 1 thế giới trong hơn 4 thập niên, điều đó cho thấy sự thay đổi và dịch chuyển về sự phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ trên thế giới, đang dịch chuyển dần từ Châu Âu sáng Châu Á, sự dịch chuyển này có sự tác động không nhỏ của các yếu tố về sở hữu tài sản trí tuệ của các quốc gia Châu Á. Theo số liệu thống kê về số lượng nộp đơn của các quốc gia do WIPO công bố, bảng số liệu dưới đây thể hiện số lượng đơn được nộp trên thế giới, dẫn đầu là Trung Quốc và các nước Châu Á, tiếp sau đó là Hoa Kỳ và các nước Châu Âu.

Số lượng nộp đơn các quốc gia dẫn đầu thế giới

Với số lượng đơn dẫn đầu thế giới, các doanh nghiệp của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nộp đơn và sở hữu số lượng lớn bằng độc quyền sáng chế. Theo số liệu của WIPO, hầu hết các sáng chế tập trung tại các tập đoàn lớn của Trung Quốc và các sáng chế này có giá trị thương mại cao, theo biểu đồ dưới đây các sáng chế chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghệ, điều đó cho thấy xu hướng phát triển công nghệ hiện tại của thế giới. Từ số liệu nộp đơn sáng chế trong các lĩnh vực và các khu vực trên thế giới được nộp đơn, cũng có thể đánh giá được xu hướng phát triển của thế giới đang dịch chuyển về khu vực địa lý cụ thể trên thế giới, biểu đồ dưới đây thể hiện phần nào các nội dung này.

Lĩnh vực nào được thế giới tập trung nộp đơn và quốc gia nào được nộp đơn đăng ký lớn là những quốc gia đang rất phát triển, lĩnh vực đó đang được quan tâm đầu tư, theo dữ liều từ WIPO hiện nay Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang là quốc gia có số lượng đơn nộp lớn nhất và lĩnh vực được nộp nhiều nhất là công nghệ thông tin, điều đó cho thấy sự phát triển đang có xu hướng dịch chuyển về Trung Quốc và các nước Châu Á.

Dựa trên dữ liệu số lượng đơn đăng ký sáng chế trong các lĩnh vực khác nhau để đưa ra đánh giá xu hướng. Biểu đồ dưới đây thể hiện số lượng sáng chế được nộp theo các lĩnh vực khác nhau.

Lĩnh vực sáng chế được tập trung nộp trên thế giới

Dựa vào số lượng đơn được nộp trong các lĩnh vực để biết thế giới đang tập trung nghiên cứu vào đâu. Theo biểu đồ dưới, số lượng đơn tập trung vào lĩnh vực công nghệ máy tính với màu đỏ đậm, tỉ lệ giảm dần theo màu sắc.

2. Tình hình đăng ký SHTT trong nước

Theo báo cáo thường niên của Cục Sở hữu trí tuệ, hoạt động đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ tại Việt Nam được triển khai từ 1982 với sự ra đời của Cục Sở hữu trí tuệ, trong thời gian dài tỷ lệ nộp đơn sáng chế ở Việt Nam chưa cao, hoạt động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam chỉ bắt đầu phát triển từ năm 2010 trở đi, với số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ tăng vượt trội, điều đó thể hiện sự phát triển về kinh tế, khoa học, kỹ thuật công nghệ trong nước, hoạt động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được quan tâm, các doanh nghiệp đã chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ, đã tận dụng, khai thác các lợi thế mà quyền sở hữu trí tuệ mang lại, sự phát triển đó được thể hiện qua bảng số liệu sau:

Số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của Việt Nam

Số lượng nộp đơn sáng chế tại Việt Nam chủ yếu là người nước ngoài, các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ do tổ chức, cá nhân trong nước còn thấp, đối với số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích số lượng tổ chức, cá nhân trong nước nộp đơn cao hơn nước ngoài, điều đó thể hiện trình độ nghiên cứu của nước ta còn cấp. Hoạt động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế có sự khác biệt, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp, các nghiên cứu chưa đáp ứng các yêu cầu về đăng ký bảo hộ sáng chế (tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng công nghiệp), để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế, Nhà nước đã bổ sung thêm bằng giải pháp hữu ích, với các tiêu chí thấp hơn so với đăng ký bảo hộ sáng chế (tính sáng tạo, khả năng ứng dụng công nghiệp) để cấp bằng cho các chủ thể, nhằm thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, thể hiện qua hai biểu đồ sau:

So sánh về đăng ký sáng chế giữa người Việt Nam và người nước ngoài
So sánh về đăng ký giải pháp hữu ích giữa người Việt Nam và người nước ngoài

Tỷ lệ đăng ký sáng chế giữa các chủ thể cũng có sự khác biệt, số lượng đăng ký sáng chế thuộc các chủ thể là cá nhân và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là viện nghiên cứu, trường đại học và các chủ thể khác, được thể hiện qua biểu đồ sau:

Tỷ lệ đăng ký sáng chế tại Việt Nam theo các chủ thể

Theo biểu đồ trên các viện nghiên cứu, trường đại học là nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu nhiều nhất nhưng đang sở hữu số lượng đơn thấp, sở dĩ như vậy vì các viện nghiên cứu, trường đại học thường chú ý đến việc công bố các bài báo khoa học mà chưa chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong khi các bài báo khoa học không có giá trị thương mại hóa và không tạo ra giá trị tài sản như các tài sản trí tuệ mạng đến.

Các đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như hóa học, kỹ thuật điện, dụng cụ, kỹ thuật cơ khí…cũng giống như các nước trên thế giới, Việt Nam đã tiếp cận với sự phát triển trung của thế giới, thể hiện ở số lượng các sáng chế được nộp vào từng lĩnh vực, theo biểu đồ dưới đây thể hiện số lượng đơn sáng chế được nộp vào các lĩnh vực khác nhau.

Số lượng đơn sáng chế được nộp vào các lĩnh vực khác nhau

TT. SHTT&GCN ĐHQG-HCM (tổng hợp)

Scroll to Top