KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Các hệ thống đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế

Chủ đơn đăng ký sở hữu trí tuệ có thể lựa chọn hình thức đăng ký bảo hộ tại các nước ngoài lãnh thổ Việt Nam theo các con đường sau:

Trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO tại Thuỵ Sĩ

1. Theo đường quốc gia

Có thể lựa chọn việc bảo hộ ở từng quốc gia riêng biệt bằng cách đăng ký trực tiếp tại các cơ  quan sở hữu công nghiệp hoặc sở hữu trí tuệ của các quốc gia đó. Đơn có thể phải được dịch  sang ngôn ngữ quy  định,  thường  là  ngôn  ngữ chính  thức  của  quốc  gia  đó.  Bạn  sẽ phải  nộp các khoản phí nộp đơn quốc gia và, đặc biệt đối với sáng chế, bạn có thể phải ủy quyền cho người hoặc tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ để giúp bạn chắc chắn rằng đơn của mình đáp ứng các yêu cầu của quốc gia đó. Một số quốc gia cũng sẽ yêu cầu bạn sử dụng đại diện sở hữu trí  tuệ. Nếu bạn vẫn trong giai đoạn đánh giá khả năng thương mại của một sáng chế hoặc vẫn đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu hay đối tác li-xăng tiềm năng thì việc bảo hộ theo đường quốc gia sẽ rất tốn kém và phức tạp, đặc biệt khi đăng ký bảo hộ ở nhiều nước khác nhau. Trong trường hợp này, các dịch vụ của các hệ thống đăng ký và nộp đơn quốc tế đối với sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý có thể mang lại  một giải pháp đơn giản và ít tốn kém hơn.

2. Theo đường khu vực

Một số quốc gia đã thiết lập các thỏa thuận khu vực để có được sự bảo hộ sở hữu trí tuệ trong toàn bộ lãnh thổ khu vực với chỉ một đơn yêu cầu bảo hộ duy nhất. Các Cơ quan Sở  hữu trí tuệ khu vực bao gồm:

  • Cơ quan Sáng chế châu Âu (bảo hộ sáng chế toàn bộ 27 quốc gia là thành viên của Công ước Sáng chế châu Âu). Để biết thêm thông tin, xin xem tại  địa  chỉ: www.european-patent-office.org

  • Cơ quan Hài hòa hóa thị trường nội địa (bảo hộ Nhãn hiệu cộng đồng và Kiểu dáng cộng đồng, trao cho chủ sở hữu quyền thống nhất có hiệu lực ở tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu thông qua một thủ tục duy nhất). Để biết thêm thông tin, xin xem tại địa chỉ: http://oami.eu.int.

  • Tổ chức Sở hữu công nghiệp khu vực châu Phi (ARIPO – Cơ quan Sở hữu trí tuệ khu vực dành cho các nước châu Phi nói tiếng Anh, bảo hộ sáng chế, mẫu hữu ích, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp). Để biết thêm thông tin, xin xem tại địa chỉ: http://aripo.wipo.net.

  • Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI – Cơ quan Sở hữu trí tuệ khu vực dành cho các nước châu Phi nói tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, bảo hộ sáng chế, mẫu hữu ích, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí mạch tích hợp, trong tương lai). Để biết thêm thông tin, xin xem tại địa chỉ: http://oapi.wipo.net.

  • Cơ quan Sáng chế Á – Âu (bảo hộ sáng chế ở các quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập). Để biết thêm thông tin, xin xem tại địa chỉ: aepo.org.

  • Cơ quan Nhãn hiệu Benelux & Cơ quan Kiểu dáng Benelux (bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng ở Bỉ, Hà Lan và Lúc-xem-bua). Để biết thêm thông tin, xin xem tại địa chỉ: bmb-bbm.orgwww.bbtm-bbdm.org.

  • Cơ quan Sáng chế của Hội đồng hợp tác các quốc gia Ả-rập vùng Vịnh (bảo hộ sáng chế ở Bahrain, Cô-oét, Ô-man, Qua-ta, Ả rập Xê-út và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Để biết thêm thông tin, xin xem tại địa chỉ: gulf.patent-office.org.sa/.

3. Theo đường quốc tế

Các hệ thống đăng ký và nộp đơn quốc tế do WIPO  quản lý đơn giản hóa đáng kể thủ tục trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đồng thời ở nhiều quốc gia. Thay vì nộp nhiều đơn quốc gia bằng nhiều ngôn ngữ, hệ thống đăng ký và nộp đơn quốc tế cho phép bạn nộp một đơn duy nhất, bằng một ngôn ngữ và chỉ phải thanh toán một khoản phí nộp đơn. Các hệ  thống nộp đơn quốc tế này không chỉ hỗ trợ toàn bộ quá trình nộp đơn mà, đối với nhãn hiệu và kiểu dáng, giảm đáng kể chi phí khi đăng ký bảo hộ quốc tế (đối với sáng chế, Hệ thống PCT sẽ giúp doanh nghiệp của bạn có thời gian để đánh giá giá trị thương mại của sáng chế trước khi nộp các khoản phí ở giai đoạn quốc gia). Các hệ thống bảo hộ quốc tế do WIPO quản lý gồm ba cơ chế bảo hộ cho từng loại quyền sở hữu công nghiệp khác nhau.

  • Hệ thống nộp đơn quốc tế được thiết lập theo Hiệp ước về Hợp tác sáng chế (hay Hệ thống PCT) là Hệ thống có quy mô toàn thế giới có mục đích đơn giản hóa việc nộp đơn đăng ký sáng chế ở nhiều quốc gia.

  • Đăng ký quốc tế về nhãn hiệu được hỗ trợ bởi Hệ thống Madrid.

  • Nộp lưu quốc tế về kiểu dáng công nghiệp được quy định bởi Thỏa ước La Hay.

3.1. Hệ thống PCT

Bạn có muốn bảo hộ sáng chế của mình ở nhiều quốc gia không? Nếu có, bạn nên cân nhắc các lợi ích của việc nộp  đơn  quốc  tế theo  Hiệp  ước  Hợp  tác  về sáng  chế (PCT)  mang  lại. Bằng cách nộp một đơn quốc tế theo PCT, bạn có thể đồng thời đăng ký bảo hộ sáng chế ở tất cả các nước là các Bên tham gia PCT (123 quốc gia tính đến tháng 1 năm 2004).

Một ưu điểm quan trọng của Hệ thống PCT là việc quy định 18 tháng sau đó (trong một số trường hợp là 8 tháng) — có nghĩa là bạn có tất cả 30 tháng (hoặc trong một số trường hợp là 20 tháng) thay vì 12 tháng để sử dụng quyền ưu tiên — để quyết định bạn muốn đăng ký bảo hộ ở những quốc gia nào. Trong khoảng thời gian kéo dài đó, người nộp đơn có  thể đánh giá khả năng thương mại sản phẩm của mình ở nhiều quốc gia khác nhau và quyết định quốc gia nào là quan trọng hoặc thuận tiện để đăng ký bảo hộ. Vì thế, việc nộp phí nộp đơn quốc gia và chi phí dịch thuật sang các ngôn ngữ có liên  quan  được trì  hoãn  đối với  người nộp đơn trong khoảng thời gian là 30  tháng.  Chi  phí  dịch  thuật  sẽ được  thanh  toán  sau,  nhưng  chỉ sau thời gian 18 tháng (hoặc trong một số trường hợp là 8 tháng) nếu so với việc không đăng ký theo Hệ thống  PCT và chỉ ở những quốc gia mà người nộp đơn vẫn còn quan tâm. Nếu không, tất cả các chi phí này sẽ được tiết kiệm.

Hệ thống PCT được người nộp đơn sử dụng một cách rộng rãi nhằm duy trì tất cả các cơ hội bảo hộ sáng chế ở các quốc gia khác nhau trong khoảng thời gian càng dài càng tốt. Người nộp đơn có thể nộp đơn tại nước sở tại, hoặc nếu có thể, tại cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực, hoặc nộp qua Văn phòng quốc tế WIPO. Cơ quan Sáng chế quốc gia có thể cung cấp cho bạn các thông tin chi tiết về cách thức nộp đơn PCT.

Nếu người nộp đơn không sử dụng quy trình đăng ký quốc tế của Hệ thống PCT, việc chuẩn bị nộp đơn ở nước ngoài phải được bắt đầu từ ba đến sáu tháng trước khi kết thúc thời hạn ưu tiên. Bản dịch của đơn đăng ký bảo hộ phải được chuẩn bị và gửi kèm theo các đơn khác nhau của từng quốc gia. Mặt khác, nếu sử dụng Hệ thống PCT:

  • Người nộp đơn chỉ cần nộp một đơn duy nhất trong năm được hưởng quyền ưu tiên (nghĩa là trong vòng 12 tháng tính từ ngày nộp đơn quốc gia);

  • Đơn đăng ký có hiệu lực ở tất cả các quốc gia thành viên PCT;

  • Đơn đăng ký có thể giống cả về ngôn ngữ và tờ khai với đơn đăng ký quốc gia của người nộp đơn;

  • Người nộp đơn có thêm thời gian để đánh giá tiềm năng thương mại của sáng chế.

3.2. Hệ thống Madrid

Nếu bạn muốn nhãn hiệu của mình được  bảo  hộ ở nhiều  quốc  gia  nhưng  bạn  lại  thấy  rằng  việc nộp đơn riêng lẻ ở từng quốc gia là rất phức tạp và tốn kém, thì bạn có thể nộp đơn đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid được điều chỉnh bởi hai điều ước quốc tế là Thỏa ước Madrid liên quan đến việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu và Nghị định thư Madrid. Trong khi một số quốc gia có thể là thành viên của cả hai điều ước thì các quốc gia khác lại chỉ là thành viên của một trong số hai điều ước này. Hệ thống này do Văn phòng quốc tế của WIPO quản  lý nhằm duy trì việc đăng ký quốc tế và xuất bản Công báo của WIPO về nhãn hiệu quốc tế.

Đơn đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid có thể được nộp bởi thể nhân hoặc pháp nhân  có cơ sở thương mại hoặc công nghiệp thực thụ và có hiệu quả tại, hoặc cư trú tại, hoặc là công dân của một trong số các quốc gia thành viên Thỏa ước Madrid và/hoặc Nghị định thư.

Nhãn hiệu có thể là đối tượng của đơn đăng ký quốc tế chỉ khi nhãn hiệu đó đã được đăng  ký (hoặc, trong trường hợp đơn đăng ký theo Nghị định thư thì đơn đó đã được nộp) tại Cơ quan nhãn hiệu của quốc gia thành viên mà người nộp đơn có mối liên hệ cần thiết — được  gọi là Cơ quan xuất xứ.

Các ưu điểm chính của việc sử dụng Hệ thống Madrid là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể bảo hộ nhãn hiệu của mình ở nhiều quốc gia/thành viên khác nhau của Hệ thống Madrid bằng cách nộp một đơn duy nhất; bằng một ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc Tây Ban Nha, cho dù Cơ quan xuất xứ có thể giới hạn việc lựa chọn của người nộp đơn ở một trong số các ngôn ngữ này); chỉ phải đóng một khoản phí bằng một loại tiền. Tuy nhiên, những thay đổi  liên quan đến việc nộp đơn quốc tế và việc gia hạn đăng ký có thể được thực hiện theo một trình tự thủ tục duy nhất mà có hiệu lực ở tất cả các quốc gia thành viên được chỉ định.

Có thể bảo hộ nhãn hiệu ở quốc gia bất kỳ là thành  viên của  cùng  điều  ước  (Thỏa  ước  hoặc Nghị định thư) có  cơ quan  nhãn  hiệu  quốc  gia  là  Cơ quan  xuất  xứ. Việc  bảo  hộ ở các  quốc gia khác sẽ được thực hiện thông qua việc chỉ định trong đơn đăng ký quốc tế và việc bảo hộ ở các quốc gia tiếp theo có thể được thực hiện trên cơ sở sự chỉ định sau đó.

Cơ quan nhãn hiệu của quốc gia được chỉ định có quyền từ chối bảo hộ nhãn hiệu  trong lãnh thổ của mình. Việc từ chối có thể dựa trên cơ sở mà đơn đăng ký bảo hộ được nộp trực tiếp tại Cơ quan đó cũng có thể bị từ chối. Việc từ chối sẽ được thông báo cho Văn phòng Quốc tế và được lưu tại Đăng bạ quốc tế.

Về nguyên tắc, việc từ chối bất kỳ phải được đưa ra chậm nhất là 12  tháng kể từ ngày  cơ quan nhãn hiệu có liên quan nhận được thông báo về việc chỉ định. Tuy nhiên, nếu một quốc gia được chỉ định theo Nghị định thư thì thời hạn liên quan đến việc từ chối có thể được kéo dài đến 18 tháng. Một quốc gia cũng có thể tuyên bố rằng việc từ chối được dựa trên sự phản đối mà có thể được đưa ra sau khi thời hạn 18 tháng kết thúc, tuy nhiên, với điều kiện cơ quan nhãn hiệu có liên quan phải thông  báo  cho  Văn  phòng  Quốc  tế về khả năng  này trong vòng 18 tháng.

Vì vậy, khi kết thúc thời hạn nêu trên, người nộp đơn đăng ký bảo hộ quốc tế có thể biết được nhãn hiệu có được chấp nhận bảo hộ ở các quốc gia được chỉ định hay không, hay việc bảo hộ bị từ chối ở một quốc  gia  nhất  định  hay  không,  hay  vẫn  có  khả năng  từ chối  trên  cơ sở phản đối tại một quốc gia nhất định. Đơn đăng ký quốc tế có hiệu lực 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần với thời hạn 10 năm, với điều kiện phải nộp các khoản phí quy định.

3.3. Thỏa ước La Hay

Theo quy định chung, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bị giới hạn trong lãnh thổ của quốc  gia mà sự bảo hộ được yêu cầu và cấp văn bằng bảo hộ. Nếu muốn bảo hộ ở nhiều quốc gia, bạn phải nộp các đơn đăng ký riêng biệt và phải tuân theo các thủ tục khác nhau tại mỗi quốc gia.

Thỏa ước La Hay liên quan đến việc đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp là một điều ước quốc tế do WIPO quản lý, cung cấp một lựa chọn đơn giản liên quan đến việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước khác nhau. Thỏa ước cho phép công dân và cư dân, hoặc doanh nghiệp được  thành lập ở quốc gia thành viên của Thỏa ước, có được sự bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước theo các thủ tục sau:

  • Một bản đăng ký “quốc tế” duy nhất;

  • Một ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp);

  • Trả một khoản phí duy nhất;

  • Bằng một loại tiền tệ;

  • Nộp đơn tại một cơ quan (hoặc là trực tiếp tại Văn phòng Quốc tế của WIPO hoặc trong các trường hợp nhất định thông qua cơ quan của Quốc gia ký kết).

Kiểu dáng công nghiệp là đối tượng của đơn đăng ký quốc tế được hưởng sự bảo hộ, tại quốc gia thành viên có liên quan mà không từ chối bảo hộ, giống như sự bảo hộ mà pháp luật trao  cho kiểu dáng công nghiệp của quốc gia đó, trừ khi cơ quan kiểu dáng công nghiệp quốc gia từ chối bảo hộ theo các trường hợp được quy định. Do vậy, kiểu dáng đăng ký quốc tế có quyền giống như kiểu dáng quốc gia về phạm vi bảo hộ và thực thi. Đồng thời, kiểu dáng

đăng ký quốc tế hỗ trợ việc duy trì bảo hộ: chỉ có một khoản phí đăng ký duy nhất để gia hạn và thủ tục đơn giản để ghi nhận sự thay đổi bất kỳ, ví dụ, về quyền sở hữu hoặc địa chỉ.

Tham khảo:

  • Hiệp ước về Hợp tác sáng chế. WIPO. Tại địa chỉ wipo.int/pct/en. Thông tin về Hiệp ước PCT, quy chế thi hành và hướng dẫn dành cho người nộp đơn.

  • Hệ thống Madrid  về  đăng  ký  quốc  tế  nhãn  hiệu.    Trang  web  www.wipo.int/madrid/en.  Gồm  các  thông  tin  cơ bản liên quan đến Hệ thống Madid theo các đề mục Tổng quan.

  • Hướng dẫn về việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid. WIPO. Năm 2002. Trang web  wipo.int/madrid/en/guide. 

  • Thỏa ước La Hay: Mục tiêu, các đặc điểm chính, những ưu điểm. WIPO. Trang web wipo.int/hague.en/pub_419. Tổng quan về mục tiêu, đặc điểm và các ưu điểm khi sử dụng Hệ thống La Hay về việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

TT. SHTT&GCN ĐHQG-HCM (tổng hợp)

Scroll to Top