Hằng năm, ĐHQG-HCM có hơn 4.000 công trình, kết quả NCKH được công bố trên tạp chí, hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Rất nhiều kết quả nghiên cứu được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao. Hoạt động đăng ký SHTT trong nước từ các kết quả nghiên cứu cũng được các nhà khoa học trong ĐHQG-HCM quan tâm và tham gia thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động đăng ký SHTT quốc tế vẫn chưa được thực hiện, hầu hết kết quả chỉ được đăng ký ở trong nước qua Cục SHTT (NOIP).
Trong giai đoạn hiện nay và sắp đến, trong tiến trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế của đất nước, hoạt động NCKH cũng phải phát triển theo chiều hướng hội nhập, ngoài việc thực hiện nghiêm các điều ước quốc tế về SHTT trên thế giới, các sản phẩm từ hoạt động NCKH trong nước cần phải được bảo hộ theo thông luật SHTT quốc tế, đặc biệt là các trung tâm khoa học lớn như ĐHQG-HCM cần phải đi đầu trong hoạt động này. Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu từng bước nâng cao vị thế xếp hạng của ĐHQG-HCM trong khu vực và quốc tế, hoạt động đăng ký IP quốc tế cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Xác định được vai trò quan trọng của việc xác lập quyền SHTT với các kết quả NCKH của toàn hệ thống, từ đầu năm 2018, đề án thí điểm đăng ký sáng chế đã được xây dựng và phê duyệt với mục tiêu tổng quát là đưa hoạt động đăng ký sáng chế quốc tế từ kết quả NCKH thành hoạt động thường xuyên và thường niên của ĐHQG-HCM trong công bố NCKH, qua đó tăng cường vị thế của ĐHQG-HCM trong tiêu chí xếp hạng trường ĐH trên thế giới. Tính đền thời điểm hiện tại, đã tuyển chọn được 05 kết quả nghiên cứu để tiến hành đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ (USPTO), trong đó có 03 đơn đang chờ thẩm định nội dung.