KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Chia sẻ kinh nghiệm đăng ký đề tài NAFOSTED

Đề tài NAFOSTED được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Quỹ NAFOSTED) nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học quốc gia. Thông thường, đối với Nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật sẽ có 1-2 đợt đăng ký trong năm. Thời gian xét chọn và công bố kết quả tương ứng sẽ được Quỹ đề cập cụ thể trong thông báo tiếp nhận hồ sơ. Hồ sơ đăng ký hồ sơ đề tài phải được nộp online và in bản cứng từ hệ thống (đóng dấu cơ quan chủ quản) và được gửi đến văn phòng của Quỹ. Hồ sơ đăng ký đề tài bao gồm: Đơn đăng ký, thuyết minh đề tài, lý lịch khoa học của các thành viên tham gia đề tài và các hồ sơ minh chứng liên quan khác. 

Đường link hướng dẫn nộp đề tài của Quỹ.

1. Viết thuyết minh

Đối với thuyết minh, việc tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước là rất quan trọng. Thuyết minh cần làm rõ tính mới của nghiên cứu (điểm gì đặc biệt, khắc phục được những gì từ các nghiên cứu trước đó) và ý nghĩa của kết quả nghiên cứu. Chủ nhiệm đề tài cần làm rõ và cụ thể mục tiêu nghiên cứu, đảm bảo hướng nghiên cứu của đề tài phù hợp với định hướng nghiên cứu được Quỹ tài trợ. Qua đó, cần làm rõ kết quả đề tài sẽ đạt được những gì. Nội dung nghiên cứu cần bám sát với mục tiêu nghiên cứu và thể hiện rõ từng mục nội dung. Tránh trường hợp chỉ viết chung chung sẽ khiến đề tài không có định hướng rõ ràng và không thể hiện được tính khả thi của đề tài. Mỗi nội dung nghiên cứu cần làm rõ phương pháp nghiên cứu càng chi tiết càng tốt. Cụ thể, cần đưa ra được đối tượng nghiên cứu cụ thể, vật liệu sử dụng và phương pháp thực hiện với các thông số rõ ràng, chi tiết. Kế hoạch nghiên cứu phải thể hiện được công việc của từng thành viên với khối lượng tương ứng và thời gian thực hiện cụ thể.

Một số lưu ý đối với mỗi đề tài đó là:

  • Tính mới của nghiên cứu. Hướng nghiên cứu nên có tính mới, cập nhật với thế giới, vấn đề nghiên cứu đang “hot” trong nước và/hoặc quốc tế.

  • Sản phẩm công bố khoa học phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Quỹ theo thông tư 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 đối với nghiên cứu cơ bản. Cụ thể, sản phẩm đăng ký phải có ít nhất hai bài báo quốc tế uy tín (ISI) và ít nhất một bài báo quốc gia uy tín nằm trong danh mục mà Quỹ ban hành (Phụ lục 1, 2, 3 kèm theo Quyết định số 95/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia). Đối với nhóm nghiên cứu mạnh, sản phẩm đăng ký phải có ít nhất hai bài báo ISI uy tín và một bài báo quốc gia uy tín trong danh mục mà Quỹ ban hành. Lưu ý Do kinh phí được tài trợ bởi Quỹ NAFOSTED nên trong bài báo phải có lời cảm ơn Quỹ kèm theo mã số đề tài. Danh mục tạp chí uy tín của Quỹ.

  • Sản phẩm đào tạo: Thông thường, sản phẩm đào tạo sẽ là đào tạo thành công (ít nhất) một học viên cao học và/hoặc tham gia đào tạo/đào tạo nghiên cứu sinh. Sản phẩm đào tạo tuy không tuyệt đối bắt buộc theo ngành nhưng có là một lợi thế cạnh tranh giữa các đề tài.

2. Dự toán kinh phí

Về kinh phí đề xuất: dự trù kinh phí phải được tính toán cho phù hợp. Hiện nay, dự toán kinh phí được xây dựng dựa trên thông tư số 55/2015/TTLT/BTC-BKHCN (vui lòng theo dõi cập nhật thêm trên webiste của Quỹ, hiện nay đang đổi sang thông tư 03/2023/TT-BTC). Kinh phí nên được chi chủ yếu cho công lao động, các khoản còn lại nên được phân bổ hợp lý theo nhu cầu của nghiên cứu cũng như quy định của Quỹ. Cần chú ý sử dụng đúng mức lương cơ sở vì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự toán kinh phí.

3. Các yếu tố khác

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một đề tài đó là thành viên tham gia, đặc biệt là chủ nhiệm đề tài. Chủ nhiệm đề tài cần phải có hướng nghiên cứu phù hợp với hướng nghiên cứu hiện tại của đề tài. Có kinh nghiệm (tác giả chính) trong việc công bố sản phẩm ISI là điều kiện bắt buộc, tối thiểu là 01 bài/năm là một lợi thế. Các chủ nhiệm là Tiến sĩ trẻ có thành tích công bố tốt là một trong các đối tượng ưu tiên. Ngoài ra, thành viên nghiên cứu chủ chốt và thư ký khoa học phải có công bố ISI trong năm năm gần đây và phải liên quan đến hướng nghiên cứu của đề tài. Số lượng thành viên và kế hoach thực hiện phải được diễn giải chi tiết và hợp lý. LLKH của Chủ nhiệm và thành viên phải được cập nhật đầy đủ và có minh chứng trên hệ thống OMS của Quỹ. Ngoài ra đơn vị chủ trì có điều kiện/cơ sở vật chất phục vụ cho đề tài nghiên cứu.   

Nhìn chung, đề tài NAFOSTED là cơ hội quý giá để các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ/tiềm năng có cơ hội làm nghiên cứu, nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển nguồn năng lực khoa học và tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị. Tuy nhiên, đề tài của Quỹ NAFOSTED này có tính cạnh tranh rất cao (cả nước) nên việc tuân thủ các yêu cầu của Quỹ và hạn nộp hồ sơ là điều kiện rất quan trọng để hồ sơ đăng ký có xác xuất thành công cao. Nếu hồ sơ chưa may mắn lần này, các Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu nên đầu tư chỉnh sửa và hoàn thiện cho lần sau. Chúc các nhà khoa học may mắn và thành công.

PGS.TS. Bùi Xuân Thành
Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM

Scroll to Top