KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế hàng đầu Thế giới của Nhật Bản (World Premier International: WPI)

Ra mắt vào năm 2007, WPI đã có 04 sứ mệnh: Thúc đẩy nghiên cứu ở tiêu chuẩn cao nhất thế giới; Tạo ra những đột phá khoa học thông qua sự hợp nhất của các ngành nghiên cứu; Thiết lập môi trường nghiên cứu quốc tế mở; Cải cách hệ thống nghiên cứu và quản lý tại Nhật Bản. 

Các hoạt động mang tính đổi mới và thách thức cao do các trung tâm này thực hiện đã thu hút các nhà nghiên cứu tài ba với các nghiên cứu đầu ngành, tiên phong trong nhiều lĩnh vực từ khắp mọi nơi trên thế giới. Thành công trong việc xây dựng các trung tâm này đã góp phần đưa Chương trình WPI trở thành chương trình nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản, được đánh giá cao không chỉ ở Nhật Bản mà còn bởi nhiều quốc gia trên thế giới.

Vào tháng 12 năm 2020, Chương trình WPI đã thêm một sứ mệnh mới có tên “Giá trị cho tương lai”, đồng thời tiếp tục phát triển bốn sứ mệnh đang thực hiện. Nhiệm vụ mới được bổ sung nhấn mạnh việc nuôi dưỡng, phát triển các nhà nghiên cứu trẻ sẽ được thúc đẩy bằng cách liên kết các trung tâm với các cơ sở giáo dục bậc cao và thực hiện các chính sách giáo dục nhằm đảm bảo sự bền vững của các trung tâm sau khi kinh phí tài trợ của WPI kết thúc. Trung tâm đầu tiên được thành lập theo nhiệm vụ mới đã được chọn vào năm 2022, nâng tổng số trung tâm WPI lên 17.

Chương trình WPI mang đến cơ hội cách mạng hóa cách thức tiến hành nghiên cứu tại Nhật Bản. Thông qua chương trình này, chúng tôi hy vọng rằng những phát triển về cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được thực hiện để chuyển đổi các hoạt động nghiên cứu của Nhật Bản sáng các phương pháp và hình thức mới trong bối cảnh hậu COVID-19, bao gồm chuyển đổi kỹ thuật số (DX) của môi trường nghiên cứu. Trong quá trình nỗ lực không ngừng để nâng cao vai trò của WPI trong việc tăng cường năng lực nghiên cứu của Nhật Bản, chúng tôi vô cùng cảm kích sự chia sẻ, cảm thông và hợp tác bền vững từ phía đối tác.

1. Mục tiêu

WPI cung cấp sự hỗ trợ chuyên môn cho các dự án nghiên cứu nhằm thành lập và vận hành các trung tâm nghiên cứu có cốt lõi là một nhóm các nhà nghiên cứu trình độ cao. Các trung tâm này phải xây dựng một điều kiện nghiên cứu có tiêu chuẩn đủ cao để mang lại cho họ sự ảnh hưởng rõ ràng trong cộng đồng khoa học toàn cầu – qua đó, tạo ra một môi trường tiện nghi, đủ sức hấp dẫn để các nhà nghiên cứu đầu ngành tới và làm việc.

2. Nhiệm vụ

– Tiên phong trên thế giới trong giá trị khoa học và nghiên cứu

  • Tác động nghiên cứu ở mức độ cao nhất
  • Mở rộng biên giới tri thức thông qua liên ngành và đa dạng

– Cải cách hệ thống và môi trường nghiên cứu toàn cầu

  • Khai thác nhân tài thông qua trao đổi chất xám toàn cầu
  • Xây dựng năng lực liên ngành và liên tổ chức
  • Quy trình quản lý hiệu quả, chủ động và linh hoạt

– Giá trị cho Môi trường Nghiên cứu Tương lai

  • Giá trị xã hội của nghiên cứu cơ bản
  • Xây dựng nguồn nhân lực:

– Giáo dục Đại học và Phát triển Nghề nghiệp

  • Phát triển trung tâm tự túc và bền vững

3. Sứ mệnh và chức năng: WPI đã liên tục tạo ra những thành tựu dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu liên ngành, tiếp cận các thách thức trong việc tạo ra một môi trường đẳng cấp thế giới tuyệt vời nhằm thúc đẩy năng lực nghiên cứu. Các trung tâm WPI mang lại hiệu quả lan truyền giúp cải thiện hoạt động của các đơn vị chủ quản.

a. Sứ mệnh khoa học (nghiên cứu đỉnh cao thế giới)

– Kể từ khi thành lập, các trung tâm WPI đã đều đặn xuất bản các bài báo nghiên cứu ngang tầm với các tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới.

– 03 nhà nghiên cứu của trung tâm WPI đã đạt giải Nobel. Những người khác đã được quốc tế công nhận thông qua những giải thưởng danh giá như Giải thưởng Quốc tế Canada Gairdner. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu khác đã nhận được giải thưởng hàng đầu trong nước như Huân chương Văn hóa Nhật Bản.

– Mặc dù tập trung vào nghiên cứu cơ bản, các trung tâm WPI được xã hội đánh giá cao thông qua các khoản đóng góp và đầu tư lớn mà họ nhận được từ các quỹ, tập đoàn và các tổ chức tư nhân khác.

*Tiêu chuẩn tổ chức: Với mỗi đơn vị thuộc hệ thống WPI đều phải xác định những định hướng nghiên cứu đỉnh cao thế giới:

– Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản (Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology: MEXT) và Tổ chức xúc tiến khoa học Nhật Bản (Japan Society for the Promotion of Science: JSPS) sẽ quyết định số đơn vị của WPI khi phân tích dữ liệu từ Clarivate Analytics (thu thập vào tháng 5 năm 2019).

– Ảnh hưởng của nghiên cứu (RI): Tổng tất chỉ số ảnh hưởng của các tạp chí được xuất bản trong một năm, đáng giá chỉ số ảnh hưởng quốc tế và khả năng cạnh tranh của trung tâm.

– Tác động nghiên cứu tương đối: Tỷ lệ ảnh hưởng trung bình các nghiên cứu trung tâm đối xã hội do các tổ chức chức năng đánh giá.

– Trục OY là giá trị trung bình đánh giá đơn vị (benchmark institute) khi đánh giá các đơn vị trong WPI, bán kính của hình tròn và các con số màu xanh trong đó cho biết số lượng bài báo trung bình được xuất bản trong năm.

b. Hợp nhất (lĩnh vực nghiên cứu liên ngành)

– Bên cạnh việc thúc đẩy nghiên cứu trong từng lĩnh vực của mình, các trung tâm WPI còn góp phần tiên phong trong nhiều lĩnh vực liên ngành mới.

– Một loạt các thành tựu nghiên cứu liên ngành đang không ngừng được thực hiện. Các ví dụ bao gồm việc xây dựng cấu trúc của thủy tinh bằng cách kết hợp toán học và khoa học vật liệu, ngoài ra còn có thể kể đến việc khám phá ra phương pháp chống lại loài thực vật ký sinh Striga được tạo ra bằng cách kết hợp sinh học động vật/thực vật và hóa học tổng hợp.

– Một cấu trúc tổ chức “phẳng” không có rào cản giữa các lĩnh vực nghiên cứu, và kiến trúc tòa nhà mở không có bức tường giữa các phòng thí nghiệm tạo ra nguồn cảm hứng tri thức và bầu không khí hợp tác cạnh tranh thân thiện giữa các nhà nghiên cứu.

c. Toàn cầu hóa (Tạo môi trường nghiên cứu quốc tế)

– Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc tại các trung tâm WPI. Các nhà nghiên cứu nước ngoài chiếm khoảng 40% nhân viên nghiên cứu của trung tâm.

– Bằng cách tuyển dụng quốc tế các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ và thực hiện các biện pháp để thúc đẩy việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu nước ngoài, các trung tâm WPI đang thiết lập các hệ thống nghiên cứu có tính cạnh tranh cao, phù hợp với quốc tế. Bằng cách thiết lập các hệ thống hỗ trợ cuộc sống và công việc của họ tại Nhật Bản, các trung tâm đang tạo ra môi trường cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện công việc của họ một cách độc lập và thoải mái.

– Gần 50% bài báo do các trung tâm WPI xuất bản là từ nghiên cứu hợp tác quốc tế, chứng minh vị trí của các trung tâm trong mạng lưới nghiên cứu quốc tế.

Hình 1. Quá trình chuyển đổi hàng năm về tỷ lệ và số lượng bài báo có đồng tác giả quốc tế được xuất bản bởi 5 trung tâm WPI từ năm 2007.

Đồ thị trên được công bố bởi MEXT và JSPS dựa trên dữ liệu từ Clarivate Analytics (5 năm 2019). Bán kính của các vòng tròn và các số màu xanh lam bên trong thể hiện số bài báo quốc tế có đồng tác giả.
d. Cải cách (Đổi mới tổ chức nghiên cứu)
Các trung tâm WPI đóng vai trò là hạt nhân đổi mới hệ thống trong các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của họ. Những cải cách mà họ đạt được được chia sẻ và áp dụng cho các tổ chức chủ quản của họ, nâng cao tính quốc tế hóa trên toàn hệ thống và tăng cường năng lực nghiên cứu. Một số sáng kiến từ các cải cách mà trung tâm đem lại bao gồm:
– Hệ thống bổ nhiệm chéo và trả lương dựa trên thành tích cho các nhà nghiên cứu
– Hệ thống quản lý top-down xoay quanh giám đốc trung tâm.
– Phương pháp phát triển tầm quy mô của các quỹ đầu tư lớn.
Hiện nay, WPI có tổng cộng có 17 đơn vị, trung tâm của hệ thống WPI phân bố trên toàn Nhật Bản.

Hình 2. Các trung tâm thuộc WPI ở Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo
[1]. Giới thiệu về thành tựu khoa học và công nghệ Nhật Bản
https://www.mext.go.jp/en/policy/science_technology/researchpromotion/title01/detail01/1374076.htm
[2]. Hoạt động Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Nhật Bản
https://www.mext.go.jp/b_menu/hakusho/html/hpag200101/hpag200101_2_008.html

PGS.TS Nguyễn Văn Toàn (Tohoku University, Japan )
và PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu (Ban KH&CN, ĐHQG-HCM
(tổng hợp và lược dịch)

Scroll to Top