KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Tận dụng nguồn lực từ hợp tác quốc tế cho sự phát triển ĐHQG-HCM

Năm 2022 ghi nhận thành quả của ĐHQG-HCM trong việc triển khai trên 80 dự án quốc tế. Các dự án này mang lại cho ĐHQG-HCM nguồn lực đáng kể, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2021-2025.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ các dự án quốc tế, ĐHQG-HCM có thêm điều kiện nâng cao năng lực đội ngũ, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở vật chất. Các dự án trọng tâm có thể kể đến như: 

  1. Dự án Phát triển các Đại học quốc gia Việt Nam – Tiểu dự án ĐHQG-HCM (kinh phí ~100 triệu USD từ ngân hàng thế giới);

  2. Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục đại học (kinh phí ~15,62 triệu USD do USAID tài trợ);

  3. Dự án Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á – Chương trình lãnh đạo trẻ Mê Kông (kinh phí ~05 triệu USD do USAID tài trợ);

  4. Dự án Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo (SRP) nông hộ nhỏ bền vững ở đồng bằng song Cửu Long (kinh phí ~4,3 triệu AUD do Chính phủ Úc tài trợ);

  5. Dự án Tăng cường Giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại ĐHQG-HCM (kinh phí ~9,09 triệu USD do KOICA, Hàn Quốc tài trợ).

Dự án “Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại ĐHQG-HCM” do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ, khởi động vào tháng 4/2022.

Cùng với các dự án tập trung phát triển nội lực, ĐHQG-HCM cũng triển khai nhiều dự án quốc tế gắn kết với các địa phương, đóng góp trong việc chuyển giao tri thức cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Một số dự án điển hình như: Dự án “Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long” (tài trợ từ ACIAR, Úc), Dự án “Ứng dụng AI/IoT trong quản lý môi trường tại Vườn Quốc gia Tràm Chim” (tài trợ từ AUS4Innovation), Dự án “Hỗ trợ củng cố hệ thống pháp lý của Việt Nam trong việc đánh bắt cá trên biển bền vững” (tài trợ từ Vùng Wallonie-Bruxelles).

Các nhà khoa học Trường ĐH An Giang cùng các chuyên gia của Úc triển khai hoạt động dự án tại Việt Nam trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở đ ồng bằng sông Cửu Long”.

Bên cạnh đó, một số dự án quốc tế đã bắt đầu có các hợp phần về kết nối đại học – doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác đại học – doanh nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐHQG-HCM. Song hành với các dự án quốc tế, ĐHQG-HCM sẽ được hỗ trợ để tăng cường năng lực kết nối, xây dựng chương trình, mô hình hợp tác hiệu quả giữa đại học – doanh nghiệp trong tương lai.

Vùng Wallonie-Bruxelles tài trợ kinh phí thực hiện Dự án “Hướng tới hoạt động chuyển giao tri thức về luật biển quốc tế cho Việt Nam”.

Hoạt động hợp tác quốc tế tạo điều kiện triển khai những chương trình, dự án thiết thực, đóng góp cho sự phát triển của hệ thống ĐHQG-HCM. Đây là nguồn lực bổ sung đáng kể trong bối cảnh ngân sách đầu tư từ Nhà nước ngày càng hạn hẹp. Để phát huy hiệu quả công tác phát triển dự án, thu hút nguồn lực quốc tế, ĐHQG-HCM sẽ tích cực mở rộng quan hệ với nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới, đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn tài trợ/viện trợ quốc tế. Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng sẽ chú trọng đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của các dự án đang triển khai để củng cố, bồi đắp sự tín nhiệm của các nhà tài trợ và đối tác quốc tế, tạo tiền đề tốt để phát triển thêm nhiều dự án mới.

Hội nghị thường niên 2022

Scroll to Top