KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Một số kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ quốc tế và mô hình Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu với tốc độ ngày càng nhanh và được cho rằng nó sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng này thực tế đã mang lại cơ hội cũng như thách cho các quốc gia, cơ hội chính là các quốc sẽ có điều kiện tiếp cận để phát triển về trình độ khoa học và công nghệ và hòa nhập với thế giới nhưng thách thức là nếu không theo kịp thì sẽ bị tụt hậu ngày càng xa. Vì thế, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 được cho là cơ hội quý giá để các nước đang phát triển nắm bắt cơ hội và vươn lên. Điều kiện để nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng này chính là phải chuẩn bị nhân lực và cơ sở vật chất để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, chuyển giao công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học. Xu thế toàn cầu hiện nay đang đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong việc phát triển khoa học và công nghệ. Tại Việt Nam trong quá trình đất nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố trụ cột trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Chuyển giao công nghệ là một khái niệm mới xuất hiện trong vài thập niên gần đây và cũng là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là đối với quốc gia đang tiến hành quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá như Việt Nam. Về cơ bản, chuyển giao công nghệ là thực hiện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ, trong đó việc chuyển giao quyền sở hữu công nghệ là việc chủ sở hữu công nghệ thực hiện chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt công nghệ cho các tổ chức, cá nhân khác và chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là việc các tổ chức, cá nhân cho phép các tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ của mình. Chuyển giao công nghệ có vai trò rất quan trọng cho việc phát triển doanh nghiệp như bắt kịp xu hướng công nghệ trên thị trường sẽ không mất quá nhiều thời gian cho việc chuẩn bị các công đoạn sản xuất; đẩy mạnh quá trình đổi mới công nghệ nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa; hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh; có thể tùy biến sản phẩm đặc trưng dễ dàng nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng có tính cạnh tranh cao. Do đó, việc nghiên cứu cùng với hoạch định các chính sách, chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả trong việc tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nước ngoài vào sản xuất trong nước, đưa công nghệ trong nước vào thực tiễn sản xuất cho từng ngành, từng lĩnh vực được coi là khâu then chốt, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đồng thời cũng khuyến khích chuyển giao công nghệ từ trong nước ra nước ngoài nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu phát triển hiện đại.

Trên thế giới, các quốc gia phát triển và đang phát triển đều có những chính sách chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia. Hoa Kỳ là cường quốc đứng đầu thế giới về khoa học công nghệ và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế – xã hội nhờ có hệ sinh thái phong phú về con người, thể chế và chính sách phù hợp đã đẩy nhanh quá trình từ phòng thí nghiệm nghiên cứu đến các dự án phát triển và đến thị trường, tăng cường kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học với ngành công nghiệp. Cộng Hòa Liên Bang Đức rất quan tâm đến việc hỗ trợ các hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, khởi lập doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nội dung chuyển giao công nghệ theo quan niệm của quốc gia này là chuyển giao các tri thức, bí quyết kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào thực tiễn, kế cả việc hoàn thiện công nghệ và thành lập doanh nghiệp mới trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thông qua chuyển giao công nghệ gián tiếp và chuyển giao công nghệ trực tiếp. Tại Nhật Bản, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu công, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ. Hàn Quốc đã thực hiện linh hoạt các hình thức nhập khẩu và chuyển giao công nghệ qua nhiều giai đoạn khác nhau dựa trên nền tảng năng lực công nghệ trong nước. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng thu hút công nghệ nước ngoài thông qua việc hợp tác nghiên cứu với các đối tác lớn và đầu tư vào các công ty công nghệ cao ở nước ngoài, tăng cường nghiên cứu, lập các phòng thí nghiệm ở nước ngoài, thiết lập quan hệ chiến lược với các công ty đa quốc gia. Đài Loan lại có chiến lược, định hướng nhập khẩu công nghệ từ rất sớm và nhất quán thông qua việc nhập công nghệ qua kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài rồi chuyển sang hình thức chuyển nhượng cùng với việc chủ động nghiên cứu và phát triển, chủ động khai thác công nghệ, làm chủ và sáng tạo. Chính sách này ổn định và được duy trì đến hiện nay. Thái Lan cũng là quốc gia có chiến lược chuyển giao và nhập khẩu công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty và tập đoàn lớn của Nhật Bản và Mỹ. Đến nay, Thái Lan đã thành công trong một số lĩnh vực chủ đạo của nền công nghiệp như sản xuất. Qua đó cho thấy rằng việc chuyển giao công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa nghiên cứu khoa học và thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tạo ra sự phồn thịnh cho xã hội ở các nước trên thế giới.

Việt Nam rất coi trọng việc chuyển giao công nghệ như là một chìa khoá để phát triển kinh tế xã hội. Trong từng giai đoạn phát triển, hệ thống pháp luật nước ta về chuyển giao công nghệ luôn được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong thực tiễn, trong đó Pháp lệnh về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam được Hội đồng Nhà nước ban hành vào năm Năm 1988 và Quy định về chuyển giao công nghệ đã được đưa thành một chương trong Bộ Luật Dân sự (Phần thứ VI Chương III) năm 1995. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong việc hình thành chính sách nhập khẩu, chuyển giao công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ đầu hội nhập thế giới. Sau đó, Luật Chuyển giao công nghệ được Quốc hội thông qua năm 2006 và Luật Công nghệ cao vào năm 2008. Tại kỳ hợp thứ 3 ngày 19 tháng 6 năm 2017 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (thay thế cho Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006) quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, trong đó có nội dung cụ thể là “Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước”. Hiện nay, việc xúc tiến chuyển giao công nghệ ở nước ta cũng có những chính sách trong hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chẳng hạn như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế đất, giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ được quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 02 năm 2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ được sửa đổi từ Nghị định số 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19 tháng 5 năm 2007. Ngoài ra, trong Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 26 tháng 1 năm 2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ thông qua đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài hoặc mời chuyên gia nước ngoài làm việc và đào tạo tại Việt Nam. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ. Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động chuyển chuyển giao công nghệ ở nước ta.

Về tình hình chuyển giao công nghệ ở nước ta, các hoạt động chủ yếu thông qua dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do các nhà đầu tư đồng thời là bên giao công nghệ; đầu tư trong nước từ việc mua công nghệ, hoặc mua thiết bị kèm theo công nghệ từ nước ngoài; đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các hoạt động này chủ yếu là tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ bên ngoài trong khi hoạt chuyển giao công nghệ từ trong nước ra nước ngoài rất hạn chế. Thành tựu đạt được về chuyền giao công nghệ ở nước ta trong thời gian qua đã từng bước góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế bao gồm dịch vụ chuyển giao công nghệ tăng cao, chuyển giao kết quả nghiên cứu tại cơ sở nghiên cứu vào ứng dụng được đẩy mạnh và chuyển giao công nghệ thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức bình quân cao. Xu hướng rất rõ là việc chuyển giao công nghệ thường gắn với phương hướng kinh doanh và được định hướng theo cơ chế thị trường, trong đó hoạt động chuyển giao công nghệ đã trở thành hoạt động của chính và thuộc quyền chủ động của các doanh nghiệp mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những chương trình, đề án đổi mới và chuyển giao công nghệ nhưng các kế hoạch chuyển giao công nghệ cụ thể lại do các doanh nghiệp tự xây dựng và thực hiện một cách có trọng điểm, gắn với đầu tư chiều sâu và yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ được coi là công cụ nhằm để nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, trong đó các trường đại học, viện nghiên cứu chính là những nơi chủ yếu tạo ra công nghệ và tài sản trí tuệ thông qua việc nghiên cứu khoa học là nguồn chính để tạo ra các sáng chế có thể thương mại hóa. Thực tế cho thấy rằng việc sáng tạo, chuyển giao tri thức và thương mại hóa sản phẩm hình thành từ nghiên cứu khoa học của các trường đại học, viện nghiên nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu ra ngoài xã hội đã góp phần tạo nên sự phát triển bền vững và mạnh mẽ về kinh tế – xã hội. Hiện nay, việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam đang có chiều hướng phát triển rất tích cực và ngày càng gắn với thực tiễn nhiều hơn cùng với chính sách của Nhà nước ngày càng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để liên kết các trường đại học và doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Được thành lập từ năm 1995 theo mô hình đô thị đại học hiện đại, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam gồm 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc cùng 8 trường thành viên với hơn 400 giáo sư, phó giáo sư và hơn 1.300 tiến sĩ. Theo xếp hạng mới nhất thì ĐHQG-HCM là đại học đứng hàng đầu ở Việt Nam về thu nhập từ chuyển giao công nghệ và đứng thứ thứ hạng cao trên toàn cầu với doanh thu chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng hàng năm của ĐHQG-HCM đều đạt mức cao nhờ tính tự chủ trong hoạt động, đa dạng hóa trong nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh hai loại hình chuyển giao công nghệ thường áp dụng trong nước là chuyển giao về địa phương và dựa vào chương trình hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, ĐHQG-HCM cũng có những chương trình chuyển giao quốc tế những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Một số kết quả chuyển giao ra quốc tế của ĐHQG-HCM trong thời gian qua có thể kể đến như sau:

  • Dự án Nghiên cứu kỹ thuật và giám sát các công trình xây dựng Trung tâm thu hồi vỏ hạt điều ở Yamoussoukro thuộc Bờ Biển Ngà: Dự án bao gồm thiết kế và chỉ đạo thực hiện xây dựng và cung cấp thiết bị cho Trung tâm thí điểm khai thác giá trị vỏ hạt điều (CVC) ở Yamoussoukro với công suất thiết kế là 60.000 tấn vỏ hạt điều mỗi năm thay mặt chủ đầu tư (MO) và cũng hỗ trợ Chủ đầu tư triển khai và vận hành mô hình kinh tế kỹ thuật khai thác giá trị vỏ hạt điều nhằm góp phần nâng cao chuỗi giá trị hạt điều ở Youmoussoukro.

  • Dự án Chấn thương của người đi bộ trong tai nạn giao thông với xe ô tô với Tập đoàn sản xuất xe ô tô Toyota: Mục tiêu nhằm thu được Chỉ số chấn thương đầu (HIC) và các tiêu chuẩn chấn thương của các bộ phận khác nhau trên cơ thể người. Từ những kết quả nghiên cứu này, cảnh báo về giới hạn vận tốc sẽ được đề xuất tại các khu vực đông dân cư hoặc trường học, trong đó mức độ nguy hiểm chấn thương người sẽ được cảnh báo với các vận tốc khác nhau.

  • Dự án Phát triển phương pháp dạy học tự động cho robot công nghiệp với Công ty AJINEXTEK, Hàn Quốc: Mục tiêu của dự án là phát triển các thành phần của phương pháp học tự động nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc sử dụng robot trong công nghiệp đồng thời cũng tận dụng các kết quả nghiên cứu này để áp dụng vào thực tế gồm 1) nhặt và đặt bàn chải đánh rang và 2) nhặt và đặt tôm đông lạnh.

  • Đề tài nghiên cứu Nền tảng thu thập dữ liệu dựa trên mô hình điện toán sương mù cho các dịch vụ IoT trong giao thông công cộng (hệ thống xe buýt) với Công ty TIS, Nhật Bản: Mục tiêu của nghiên cứu này là thiết kế một nền tảng thu thập dữ liệu dựa trên mô hình điện toán sương mù cho các dịch vụ IoT trong giao thông công cộng và áp dụng cho hệ thống xe buýt nhằm tạo ra một mô hình tính toán có cấu trúc tốt để hỗ trợ cho thế hệ kế tiếp ứng dụng vào giao thông công cộng của IoT.

  • Đề tài nghiên cứu Phát triển nền tảng dữ liệu dòng ứng dụng sử dụng trong đô thị và nông thôn với Công ty TIS, Nhật Bản: Mục tiêu chính của nghiên cứu là nghiên cứu một khuông khổ dựa trên IoT, AI, Dữ liệu lớn điện toán biên được hỗ trợ cho các ứng dụng nông nghiệp và giao thông.

  • Đề tài nghiên cứu Khung phần mềm điện toán biên cho nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối với Công ty TIS, Nhật Bản: Mục tiêu nghiên cứu của đề tài này là nghiên cứu một khung phần mềm dựa trên IoT, AI, Dữ liệu lớn và điện toán biên hỗ trợ cho việc ứng dụng trong nông nghiệp.

So với quy mô của ĐHQG-HCM thì quá trình chuyển giao công nghệ trong thời gian qua thực sự chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tuy vậy, việc triển khai công tác chuyển giao tại ĐHQG-HCM trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh và đây được xem là một trong những trụ cột trong phát triển khoa học và công nghệ trên cơ sở kiện toàn lại nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như tháo gỡ các vướng mắc về quy định. Qua các mô hình chuyển giao công nghệ quốc tế thành công tại ĐHQG-HCM, môt số bài học kinh nghiệm có được xem xét nhằm nâng cao khả năng và hiệu quả của việc chuyển giao công nghệ trong thời gian tới:

  • Để có chuyển giao công nghệ hiệu quả thì các viện nghiên cứu, trường đại học phải thực sự là chủ thể nghiên cứu mạnh để có thể chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp. Việc nghiên cần nên được thực hiện ở các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu nhằm tạo ra những kết quả mũi nhọn và đột phá tạo ra giá trị gia tăng cao từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường do hiện nay đa số các doanh nghiệp ở nước ta thuộc loại vừa và nhỏ nên khả năng nghiên cứu bị hạn chế cả về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Do vậy, có đơn vị nghiên nên tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu chuyên sâu vừa giúp nâng cao vị thế về khoa học và công nghệ vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

  • Việc kết hợp giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp cần nên được tang cường nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mặc dù đã có chủ trương về việc kết hợp giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp nhưng thực tế kết quả hoạt động cho thấy chưa đạt được kỳ vọng. Việc chuyển giao công nghệ thường xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và các nhà khoa học sẽ là người giải quyết các yêu cầu thực tiễn đó. Sự kết hợp này mang lại nhiều lợi ích quan trọng là doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ đáp ứng được nhu cầu thực tế với chi phí thấp và hiệu quả cao trong khi các nhà khoa học, trường đại học được đầu tư để phát triển nghiên cứu khoa học đồng thời cũng góp phần vào việc phát triển khoa học và công nghệ phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. 

  • Tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức có kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ với tiềm năng thương mại hóa có điều kiện tiếp cận, kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ với với các nhà đầu tư, tổ chức, quỹ tài chính. Qua thực tế cho thấy nhiều nhà khoa học có các sản phẩm bước đầu từ quá trình nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa rất cao nhưng lại thiếu kinh phí đầu tư để phát triển và hoàn thiện sản phẩm để đưa ra thị trường. Do đó, việc tạo điều kiện để các nhà khoa học có sản phẩm tiềm năng liên kết với các tổ chức đầu tư nhằm phát triển hoàn thiện sản phẩm là rất quan trọng và cần thiết cho việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học và cũng nâng cao giá trị sản phẩm đạt được, qua đó nâng cao vị thế khoa học và công nghệ cũng như ứng dụng thực tiễn, tránh lãng phí, thất tài sản trí tuệ.

  • Cần nên có sự mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tạo ra cơ hội liên kết và chuyển giao công nghệ ra bên ngoài cũng như nhận chuyển giao ngược lại. Hiện nay, thế giới đang trong quá trình thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trên cơ sở toàn cầu hóa, do vậy việc mở rộng hợp tác quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Qua quá trình thực tiễn hoạt động cho thấy việc mở rộng hợp tác trong thời gian qua có nhiều tiến triển với nhiều đề tài, dự án hợp tác quốc tế được ký kết thực hiện nhưng tiềm năng còn rất lớn chưa khai thác được như kỳ vọng.

  • Các nhà quản lý cũng cần có sự nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả trong việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ cũng như hỗ trợ cho các đơn vị nghiên cứu thực hiện việc nghiên cứu khoa học theo định hướng quốc gia đã ban hành. Thực tế là mặc dù có nhiều chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao khả năng phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ nhưng qua thực tiễn còn rất nhiều vướng mắc ngăn cản việc chuyển giao công nghệ dẫn đến sự lãng phí tài sản trí tuệ rất nhiều trong thời gian qua. Vì vậy, sự đồng bộ hóa cách chính sách hỗ trợ cho chuyển giao công nghệ sẽ thúc đẩy việc xây dựng mối liên kết về chuyển giao và đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, tổ chức, mạng lưới về khoa học và công nghệ ở trong nước và quốc tế.

Theo một số đánh giá thì hoạt động chuyển giao công nghệ ở nước ta trong thời gian qua tuy đạt được những thành tích đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc tìm kiếm các mô hình để xúc tiến chuyển giao công nghệ phù hợp nhằm thúc đẩy thị trường chuyển giao công nghệ phát triển là rất quan trọng và cần thiết. Trên thế giới, hình thức chuyển giao công nghệ được vận hành dưới nhiều cơ chế và mô hình tổ chức khác nhau. Trên cơ sở tham khảo một số mô hình chuyển giao công nghệ ở các nước phát triển, mô hình chuyển giao ở ĐHQG-HCM có thể tập trung vào việc phát triển tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ qua việc thể chế hóa bằng việc ban hành hệ thống các văn bản pháp quy trực tiếp và gián tiếp có liên quan. Theo các mô hình ở các nước phát triển thì tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ được sự hậu thuẩn của các văn bản pháp luật có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ nhằm chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ vào đời sống cho quốc gia. Hơn nữa, các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ cũng cần có sự đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung hoạt động nhằm tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm đầu tư, hoàn thiện sản phẩm đến việc quảng bá đầu ra bên cạnh sàn giao dịch về khoa học và công nghệ. Hơn nữa, để để hoạt động triển khai chuyển giao công nghệ được phát huy tính hiệu quả thì tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ cũng cần có mạng lưới liên kết chặt chẽ với các tổ chức khác nhau để hỗ trợ các hoạt động như Chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ, các tổ chức tài chính … Đồng thời, tổ chức này cũng cần đẩy mạnh xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức trong và ngoài nước để đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động mua, bán và đầu tư công nghệ. Một vấn đề không thể thiếu nữa là việc xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực và trình độ cao nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn. Tại Việt Nam, hoạt động chuyển giao công nghệ có thể được thực hiện qua các kênh chuyển giao chính thống thông qua các tổ chức trung gian đảm nhận nhiệm vụ xúc tiến chuyển giao công nghệ nằm trong các trường đại học mà mô hình Trung tâm Chuyển giao công nghệ (TTO) thuộc trường là một điển hình. Mô hình này có tính khả thi cao khi Luật Sở hữu trí tuệ cho phép các trường đại học có thể sở hữu các kết quả nghiên cứu đạt được có sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, từ đó hoạt động thương mại hóa các tài sản trí tuệ này được thực hiện bởi trường đại học. Tuy vậy, để các Trung tâm chuyển giao công nghệ hoạt động hiệu quả cần có sự chuẩn bị cho nội lực tốt cùng với hệ sinh thái mạnh sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ ở nước trong thời gian tới.

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang xảy ra, việc cạnh tranh giữa các quốc gia, doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực và tài sản trí tuệ là chính thì việc đầu tư cho nhân lực cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng chính là đầu tư cho phát triển bền vững và cũng là trực tiếp nâng tầm sức mạnh trí tuệ của dân tộc cho một quốc gia trong tương lai. Hiện nay, cái nôi để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các sản phẩm trí tuệ để chuyển giao phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội là chủ yếu từ các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi được đầu tư rất nhiều về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất với kỳ vọng là giải quyết các bài toán thực tiễn. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ hiện nay ở nước ta còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như chưa tương xứng với tiềm năng đang có do ảnh hưởng từ nhiều yếu tốt. Do đó, việc giải quyết các vấn đề vướng mắc và tìm kiếm mô hình để đầu tư và phát triển chuyển giao công nghệ trong thời gian tới là rất quan trọng ở nước ta trong tình hình kinh tế – xã hội trong nước và trên thế giới có nhiều biến động với nhiều thử thách và tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững. Dù vậy, với sự quan tâm của Nhà nước cùng cơ quan các cấp cũng như sự sẵn sàng từ các trường đại học cùng tháo gỡ những khó khăn và tìm kiếm các mô hình thích hợp sẽ góp phần thúc đẩy tích cực quá trình chuyển giao công nghệ ở nước ta lên một tầm cao mới trong thời gian tới.

Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM

Scroll to Top