KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Nghiệm thu đề tài cấp ĐHQG-HCM của Viện Công nghệ Nano: Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi tôm để tái tạo thành giá thể phân bón và điện năng

1.

Tên đề tài: Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi tôm để tái tạo thành giá thể phân bón và điện năng
2. Mã số DS2021-32-01
3. Chủ nhiệm đề tài:

PGS.TS Đoàn Đức Chánh Tín

4. Đơn vị: Viện Công nghệ Nano, ĐHQG-HCM
5. Lĩnh vực: Khoa học và Công nghệ vật liệu, Năng lượng
6. Loại hình : Nghiên cứu ứng dụng
7. Thời gian thực hiện:

24 tháng (2021-2023)

8. Kinh phí nghiên cứu: 1.500 triệu đồng
9 Thời gian nghiệm thu Ngày 17 tháng 03 năm 2025
10 Chủ tịch Hội đồng và quyết định thành lập HĐ

GS.TSKH Lưu Cẩm Lộc (Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP. HCM) theo Quyết định 210/QĐ-DHQG ngày 28/02/2025 của Giám đốc ĐHQG-HCM.

11. Nội dung thực hiện 

– Nội dung 1: Chế tạo thiết bị hút chất thải đáy ao, đánh giá lượng chất thải và thành phần chất thải trong ao nuôi tôm

– Nội dung 2: Nghiên cứu quy trình tạo khí sinh học sử dụng chất thải nuôi tôm. Đánh giá thành phần khí sinh học và tối ưu lượng nguyên liệu đầu vào cho quá trình ủ kỵ khí

– Nội dung 3: Nghiên cứu quy trình chế tạo bùn xốp làm giá thể từ bùn thải sau khi ủ khí sinh học. Đánh giá thành phần bùn xốp sau khi chế tạo

– Nội dung 4: Nghiên cứu chế tạo vật liệu nano composit và đánh giá vật liệu sau khi chế tạo

– Nội dung 5: Nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị lọc khí sinh học và đánh giá khả năng xử lý khí của thiết bị chế tạo

– Nội dung 6: Thử nghiệm chạy máy phát điện bằng khí sinh học đã được lọc tại trang trại

– Nội dung 7: Chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho đơn vị ứng dụng mô hình

12. Kết quả
  • Xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi có hiệu quả thành nguồn nguyên liệu sinh khối là một hướng đi bền vững sẽ giúp giải quyết đồng thời các vấn đề về môi trường và năng lượng. Vì vậy, cần phải tìm cách sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sinh khối và chất thải bằng cách nghiên cứu và áp dụng những công nghệ mới và kỹ thuật tiên tiến trong việc sản xuất nhiên liệu sinh học cũng như phát triển thiết bị chuyển đổi năng lượng mới một cách hiệu quả và thân thiện môi trường.
    Đề tài này đã xây dựng thành công quy trình xử lý chất thải trong ao nuôi tôm, ủ thành khí sinh học và lọc khí để chạy máy phát điện cung cấp năng lượng cho các thiết bị phục vụ nuôi tôm.
    Nhóm nghiên cứu đã chế tạo thiết bị hút chất thải đáy ao bằng phương pháp ly tâm để lấy được chất thải đặc, loại bỏ nước; đánh giá lượng chất thải và thành phần chất thải trong ao nuôi tôm. Nhóm cũng đã đưa ra quy trình tạo khí sinh học sử dụng chất thải nuôi tôm, đánh giá thành phần khí sinh học và tối ưu lượng nguyên liệu đầu vào cho quá trình ủ kỵ khí. Phần thải rắn xử lý làm giá thể phân bón cho cây trồng. Nhóm đã xây dựng quy trình chế tạo giá thể từ bùn thải sau khi ủ khí sinh học, đánh giá thành phần giá thể sau khi chế tạo.
    Để lọc thô và tinh (loại bỏ thành phần H2S) khí sinh học, nhóm nghiên cứu đã chế tạo vật liệu nano oxit kim loại Fe2O3, V2O5 và V2O5 pha tạp sắt hình dạng cấu trúc bông hoa kích thước micro, chế tạo vật liệu composit trên cơ sở vật liệu nano Fe2O3 phối trộn với bentonite, oxit đồng, than hoạt tính, xơ dừa. Nhóm cũng đã thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị lọc khí sinh học, sử dụng vật liệu nano composit có thể lọc sạch tạp chất trong khí sinh học. Nồng độ H2S khoảng dưới 10 ppm, không còn hơi nước và khí NH3. Khí sinh học được lọc sạch dùng để chạy máy phát điện.
    Hệ thống các thiết bị có thể ứng dụng tại trang trại nuôi tôm thâm canh/siêu thâm canh dạng công nghiệp. Đây là mô hình theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy hải sản tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
  • Kết quả đề tài đã được công bố trên 3 bài báo tạp chí quốc tế, 1 Bằng độc quyền sáng chế, 05 đăng ký sáng chế và 03 đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Đã đào tạo 01 ThS và 02 SV đại học.
13. Hình ảnh giới thiệu kết quả
14. Thông tin liên hệ CNĐT

Email: ddctin@vnuhcm.edu.vn

15. Liên hệ ĐHQG-HCM Ban Khoa học và Công nghệ (Phòng 307, NĐH) và Trang điện tử thông tin về hoạt động KH&CN (https://research.vnuhcm.edu.vn/)

Đơn vị đăng tin: Viện Công nghệ Nano, ĐHQG-HCM

 

Lên đầu trang