KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Hội thảo khoa học quốc gia: Cạnh tranh Mỹ – Trung và tác động đến khu vực Đông Nam Á

Sáng 5.7, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: Cạnh tranh Mỹ – Trung và tác động đến khu vực Đông Nam Á. Hội thảo đã làm rõ nhiều khía cạnh, nội dung cách thức triển khai và đánh giá tác động của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung đến khu vực Đông Nam Á trên các lĩnh vực cụ thể, do khoa Quan hệ quốc tế đăng cai thực hiện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Hoàng Khắc Nam – Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng, chủ đề cạnh tranh giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc luôn là một chủ đề rất quan trọng. Vì sự cạnh tranh giữa các siêu cường này luôn tác động đến đời sống chính trị toàn cầu trong đó có khu vực Đông Nam Á. Vì thế, việc nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và kịp thời về cuộc cạnh tranh này sẽ giúp Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách và đưa ra những dự báo về sự vận động phức tạp của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung.

Hội thảo lần này thu hút 44 bài nghiên cứu, có 33 bài được chọn lọc đưa vào kỷ yếu “Cạnh tranh Mỹ – Trung và tác động đến khu vực Đông Nam Á”. Trong khuôn khổ Hội thảo có 6 bài tham luận được trình bày, chia làm 2 phiên. Phiên thứ nhất có chủ đề Cạnh tranh Mỹ – Trung và những tác động đến Đông Nam Á do GS.TS Hoàng Khắc Nam và TS. Nguyễn Tăng Nghị – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế – chủ trì. Phiên thứ hai có chủ đề Cạnh tranh Mỹ – Trung và những phản ứng của các nước Đông Nam Á do PGS.TS Trần Nam Tiến – giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế và PGS.TS Võ Xuân Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – chủ trì.

Cụ thể, các bài tham luận được báo cáo tại phiên thảo luận thứ nhất lần lượt là: Cạnh tranh Mỹ – Trung: Trọng tâm và xu thế của TS. Hoàng Huệ Anh; Cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ – Trung Quốc ở Đông Nam Á của PGS.TS Võ Xuân Vinh và Cạnh tranh quyền lực mềm Hoa Kỳ – Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á của TS. Trần Nguyên Khang.

Nội dung của phiên thảo luận thứ nhất tập trung vào làm rõ khái niệm cạnh tranh, các xu hướng cạnh tranh trong tương lai của Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, phiên thảo luận thứ nhất cũng phân tích chiến lược cân bằng của Trung Quốc với Mỹ, những khác biệt về mặt nhận thức và chiến lược cạnh tranh, quản trị và điều phối cạnh tranh Mỹ – Trung ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các tham luận còn tập trung làm rõ cạnh tranh Mỹ – Trung ở khu vực Đông Nam Á trên các lĩnh vực cụ thể như quyền lực mềm và văn hóa.

Ở phiên thảo luận thứ hai, các bài tham luận được báo cáo lần lượt là: Myanmar trong sự cạnh tranh địa chính trị Mỹ – Trung Quốc ở Đông Nam Á của TS. Nguyễn Tuấn Bình; Dòng chảy kết nối ở Tiểu vùng sông Mê Kông dưới cơn bão cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc của ThS. Trần Quỳnh Hương và Cạnh tranh Mỹ – Trung ở Đông Nam Á: Tác động và phản ứng của các nước ASEAN của TS. Nguyễn Tuấn Khanh.

Phiên thảo luận thứ hai tập trung đi sâu vào làm rõ tác động của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung đối với ASEAN. Các tham luận trong phiên này sẽ làm rõ một số đặc điểm, vai trò của ASEAN trong cạnh tranh Mỹ – Trung. Bên cạnh đó, phiên thảo luận cũng sẽ phân tích các phản ứng của các nước Đông Nam Á đối với cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ngoài những tham luận được báo cáo, Hội thảo còn nhận được những câu hỏi, góp ý của những nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực này cũng như các bạn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Tăng Nghị – Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế cho rằng, Hội thảo đã rất thành công vì nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học về vấn đề cạnh tranh Mỹ – Trung tại khu vực Đông Nam Á. Các bài tham luận được báo cáo tại Hội thảo đã tạo ra không khí thảo luận sôi nổi và nghiêm túc trong suốt 4 tiếng làm việc. Thầy hy vọng, Hội thảo lần này sẽ góp phần hoàn thiện những chính sách ngoại giao của Việt Nam trong tương lai.

Người tham dự chụp ảnh kỷ niệm – Ảnh: Phạm Trí

HƯƠNG MỸ – PHẠM TRÍ

Scroll to Top