Sinh hoạt Câu lạc bộ nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV lần 5
Ngày 23/12, Trường Đại học An Giang phối hợp Ban Khoa học Công nghệ ĐHQG-HCM tổ chức buổi Sinh hoạt Câu lạc bộ Nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn lần 5.
Buổi sinh hoạt với Chủ đề “Thúc đẩy công bố quốc tế liên ngành tại Trường Đại học An Giang: Kỹ năng khai thác các nguồn tin và viết bài báo khoa học quốc tế” đã thu hút đông đảo người tham dự.
Báo cáo chuyên đề của PGS. TS Bùi Xuân Thành
Các thành viên của Câu lạc bộ đã nghe hai báo cáo chuyên đề Một số kinh nghiệm công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín của PGS.TS Bùi Xuân Thành (Trưởng Bộ môn Khoa học và Công nghệ nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM) và Công bố quốc tế khoa học xã hội dưới góc nhìn người phản biện của TS Nguyễn Vĩnh Khương (Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Sau Đại học và Khoa học công nghệ, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM).
TS. Nguyễn Vĩnh Khương trình bày báo cáo
Các báo cáo viên đã mang lại những hướng tiếp cận mới trong việc khai thác các nguồn tin và viết bài báo khoa học quốc tế. Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng chia sẻ một số kinh nghiệm nâng cao khả năng hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như các kinh nghiệm phân loại tạp chí phù hợp và xu hướng nghiên cứu mới.
Cũng tại buổi sinh hoạt, các chuyên gia, nhà khoa học của ĐHQG-HCM cũng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ thông qua việc thành lập những nhóm nghiên cứu liên ngành.
PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM, kỳ vọng các buổi sinh hoạt của CLB sẽ góp phần giúp cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện công bố quốc tế. ĐHQG-HCM sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ nhà khoa học, trường, viện thực hiện nghiên cứu khoa học.
Chuỗi sinh hoạt CLB Nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV được tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 của ĐHQG-HCM, cụ thể là tăng nhanh số công bố quốc tế thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong cơ sở dữ liệu Scopus; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lan tỏa đam mê, nhận thức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng trong nghiên cứu và khảo sát điều tra, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, văn hóa nghiên cứu trong toàn hệ thống.
Cẩm Thiêu, Trường Đại học An Giang