KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng khu đô thị sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học hiện đại

22@Barcelona – Khu đô thị sáng tạo đầu tiên của thành phố Barcelona (Tây Ban Nha)

Dự án thành lập khu đô thị sáng tạo 22@Barcelona năm 2000 là giải pháp cho câu hỏi của Hội đồng Thành phố Barcelona “cần phải làm gì để cải tiến và gia tăng tương tác giữa mạng lưới doanh nghiệp, tổ chức ở Barcelona với thế giới?” Mục tiêu của dự án là chuyển đổi trung tâm công nghiệp của Barcelona đặt tại khu vực Poblenou thành trung tâm tri thức và đổi mới sáng tạo của thành phố. Khu đô thị sáng tạo 22@Barcelona có diện tích 198,26 hecta với tiềm năng mở rộng lên đến 400 hecta, trong đó 320 hecta dành riêng cho hoạt động sản xuất đổi mới sáng tạo và 80 hecta cho khu dân cư và văn phòng tổ chức công.

Toàn cảnh không gian khu đô thị sáng tạo 22@Barcelona

Khu đô thị sáng tạo 22@Barcelona là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển dựa trên kết hợp nhiều lý thuyết và mô hình về đổi mới sáng tạo, và có mục đích chính là thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khung thiết kế (framework) khu đô thị sáng tạo 22@Barcelona gồm 04 lớp “đổi mới sáng tạo”, bao gồm: quy hoạch đô thị, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường cộng tác, thu hút nguồn nhân lực sáng tạo; các lớp này tương tác lẫn nhau và được quản lý bởi chính quyền đô thị (municipal leadership).

One-north Singapore – Khu đô thị sáng tạo đầu tiên của ASEAN

Dự án khu đô thị sáng tạo One-north ở Singapore được triển khai năm 2001 trên một khu vực có diện tích 182 hecta với nguồn kinh phí đầu tư 8,6 tỷ US$. Dự án chiến lược này được hình thành sau khi Singapore bị ảnh hưởng nặng bởi đợt khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997; theo đó Singapore cần phải trở thành trở thành trung tâm tri thức để có khả năng chống chọi với các cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai. One-north có các đặc điểm của khu đô thị sáng tạo khi kết hợp được các lớp đổi mới sáng tạo theo khung thiết kế của một khu đô thị sáng tạo.

Toàn cảnh khu đô thị sáng tạo one-north Singapore

Bài học kinh nghiệm về xây dựng khu đô thị sáng tạo và trung tâm đổi mới sáng tạo

Các trường hợp điển hình về các khu đô thị sáng tạo 22@Barcelona ở Tây Ban Nha và One-north ở Singapore, bao gồm trung tâm đổi mới sáng tạo trực thuộc, cho thấy một số điểm chính sau:

  • Ở cấp độ khu đô thị sáng tạo, vai trò của chính quyền đô thị với 04 lớp giải pháp về quy hoạch đô thị, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, môi trường cộng tác và thu hút nguồn nhân lực sáng tạo là rất quan trọng và mang tính quyết định. Ngoài ra, các điều kiện cứng về tiềm năng đổi mới sáng tạo liên quan đến số lượng cư dân và chỉ số Tổng sản phẩm trên địa bàn cho khu đô thị sáng tạo cũng cần được xem xét phù hợp;

  • Ở cấp độ trung tâm đổi mới sáng tạo (thuộc khu đô thị sáng tạo), các trọng tâm cần tập trung phát triển bao gồm:

    1. Hình thành và phát triển các cụm trung tâm đổi mới sáng tạo theo các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm,

    2. Hình thành và phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức công, tư để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thoa mạng lưới, hiệp lực trí tuệ, tương tác quần thể và sự lan tỏa tri thức,

    3. Phát triển các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm thành lập spin-offs và các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh,

    4. Xây dựng cơ sở hạ tầng theo các tiêu chí của khu đô thị sáng tạo về quy hoạch đô thị, tạo lập môi trường cộng tác.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học hiện đại

Đứng trước những thách thức do xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của nền kinh tế tri thức và các vấn đề xã hội đương đại phát sinh cần phải giải quyết như dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu… các cơ sở giáo dục đại học năng động đã nghiên cứu đề xuất các chính sách phát triển đổi mới sáng tạo. Dưới đây là các kinh nghiệm được đúc kết thông qua báo cáo nghiên cứu năm 2019 của trường đại học khoa học và công nghệ Na-Uy (NTNU) về đóng góp của cơ sở giáo dục đại học hiện đại đối với sự phát triển của đổi mới sáng tạo.

Chính sách dựa trên xu thế phát triển và quốc tế hóa (trends & internationalization)

Về xu thế phát triển, các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngày càng phụ thuộc vào các mạng lưới (networks), quần thể (clusters) và hệ sinh thái (ecosystems) có tính chất đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, liên-ngành (interdisciplinary), liên-tổ-chức và đa-văn-hóa. Điều này có nghĩa rằng bản chất của các quy trình nghiên cứu KH&CN và ĐMST hiện đại trong các cơ sở giáo dục đại học ngày càng trở nên phức tạp và đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn cho các nhóm nghiên cứu so với trước đây. Vì vậy, cơ sở giáo dục đại học cần có chính sách hỗ trợ các nhóm nghiên cứu nhận thức và định hướng trong các hoạt động KH&CN và ĐMST của mình.

Chính sách hợp tác trường đại học - doanh nghiệp (university-industry collaboration)

Theo báo cáo về hiện trạng và chính sách liên quan của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD – Organization for Economic Cooperation and Development) năm 2019, có 10 kênh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, bao gồm 05 kênh chính quy: hợp tác nghiên cứu (collaboration research), giao dịch tài sản trí tuệ (IP transactions), điều chuyển nhân sự nghiên cứu (research mobility), doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (academic spin-offs), đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp (labour mobility), và 05 kênh không chính quy: công bố nghiên cứu (research publications), hội thảo và mạng lưới (conferencing & networking), hợp tác trong quần thể (geographic proximity), chia sẻ hạ tầng (facility sharing) và đào tạo (training). Mỗi kênh đều có tầm quan trọng khác nhau đối với từng lĩnh vực KH&CN hay lĩnh vực công nghiệp. Do đó, các chính sách thực thi cho từng kênh cần phải được thiết kế kỹ lưỡng theo nhu cầu của cả hai bên. Trong các kênh này, hợp tác trong quần thể, gồm các trường đại học, doanh nghiệp gần nhau, đóng vai trò rất quan trọng. Minh chứng là theo thống kê cơ sở dữ liệu về đăng ký sáng chế ở 35 quốc gia thành viên OECD và Trung Quốc giai đoạn 1992-2014 cho thấy 50% các hoạt động phát minh công nghiệp hình thành trong phạm vi có bán kính 30 km xung quanh cơ sở giáo dục đại học.

Chính sách phát triển khởi nghiệp gắn với đại học (academic entrepreneurship)

Khởi nghiệp gắn với đại học có thể được hiểu rộng là các hoạt động mang tính chất khởi nghiệp như đăng ký sáng chế, chuyển giao công nghệ và khởi tạo doanh nghiệp spin-offs: tất cả đều hướng đến mục tiêu thương mại hóa kết quả của các nhà nghiên cứu. Ở Na-Uy, phần lớn các công ty spin-offs đều xuất thân từ các trường đại học, viện nghiên cứu lớn và có năng lực KH&CN, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cốt lõi là y sinh (biomedical) và phần mềm (software) với 03 phân vùng: khoa học sự sống (life sciences), truyền thông – thông tin và điện tử (ICT & Electronics) và các sản phẩm vật lý (physical products)…

Chính sách phát triển giáo dục khởi nghiệp (entrepreneurship education)

Mục đích chính cuối cùng của giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên là giúp tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của các địa phương, bởi vì thông qua đó, sinh viên sẽ là nguồn nhân lực có tư duy, thái độ và các kỹ năng thực hiện đổi mới sáng tạo. Một số hiện trạng và đề xuất cho chính sách liên quan đến phát triển giáo dục khởi nghiệp được tóm tắt như sau:

  • Giáo dục khởi nghiệp hiện đại tập trung vào cá nhân (sinh viên) và sự phát triển tư duy khởi nghiệp, thay vì tập trung vào quy trình khởi nghiệp như trước đây. Nhờ vậy, sinh viên có thể ứng dụng tư duy này, cùng với sự tự do, tự chủ và tự chịu trách nhiệm, cho các tình huống khác nhau, đặc biệt là trong việc học.

  • Vai trò của sinh viên trong các hoạt động khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học ngày càng trở nên quan trọng, do đó, cần phải phát triển một cách có hệ thống các chương trình và hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên.

  • Trong giáo dục khởi nghiệp hiện đại, các chuyên ngành KH&CN cần đưa kiến thức khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, qua đó sẽ góp phần hình thành tính đa dạng trong thiết kế các sản phẩm KH&CN mới.

Tham khảo

  1. Economic zones in the ASEAN (2015), United Nations’ Industrial development organization

  2. 22@Barcelona: From industrial economy to knowledge based economy, J. M. Piqué

  3. Nguồn: https://www.jtc.gov.sg/

  4. Report “How Universities contribute to Innovation: a literature review-based analysis” (2019). NTNU.

  5. University-Industry collaboration: new evidence and policy options, OECD, 2019.

  6. Grimaldi et al., 30 years after Bayh-Dole: Reassessing academic entrepreneurship, Research Policy, 2011.

  7. O’Conor, A conceptual framework for entrepreneurship education policy: Meeting government and economic purposes, Journal of business venturing, 2013.

PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi
Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM

Scroll to Top