Hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
1. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là gì?
Theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, và có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”.
Trong Báo cáo Khởi nghiệp 2012, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã chỉ ra rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với việc “tìm cách tạo ra giá trị, thông qua việc tạo hoặc mở rộng hoạt động kinh tế, bằng cách xác định và khám phá sản phẩm, quy trình hoặc thị trường mới”.
2. Hệ sinh tháI khởi nghiệp là gì?
Trong Báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu và các tác động tăng trưởng của doanh nghiệp năm 2013, tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) định nghĩa hệ sinh thái khởi nghiệp là “một hệ thống các trụ cột liên quan lẫn nhau tác động đến khả năng của các chủ doanh nghiệp trong việc tạo ra và mở rộng hoạt động đầu tư mạo hiểm một cách bền vững”.
Hệ sinh thái khởi nghiệp được hiểu một cách cụ thể và chi tiết hơn trong Báo cáo Khởi nghiệp 2014 của OECD. Đây là “tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (đã tồn tại hoặc tiềm năng), các tổ chức khởi nghiệp (ví dụ: công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng), các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công) và tiến trình khởi nghiệp (tỉ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỉ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp, tinh thần bán hàng và tham vọng kinh doanh) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương”.
3. Đề án 844 – Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) – ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đề án 844 (ISEV) có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Đến năm 2025, Đề án 844 (ISEV) dự kiến hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp ĐMST; 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
3.1. Hoạt động trọng tâm
Để thực hiện Đề án 844 (ISEV), các Bộ, ngành, địa phương có thể chỉ định cơ quan đầu mối để tham mưu cho Bộ trưởng/Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thành lập Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện Đề án tại địa phương.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý Đề án 844 tại Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyển chọn Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp có năng lực để nhận hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các nhiệm vụ hàng năm, định kỳ thuộc Đề án 844 về các nội dung:
Đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái.
Hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động liên kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa các vùng, trong nước và quốc tế.
Hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu, kiến nghị và xây dựng các cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
3.2. Cơ quan quản lý đề án 844
Ban Điều hành Đề án 844 là tổ chức có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ định hướng triển khai, tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án 844. Ban Điều hành Đề án 844 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ.
Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ là đơn vị quản lý nhiệm vụ do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng.
Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý kinh phí nhiệm vụ hằng năm, định kỳ thuộc Đề án 844.
Vụ Kế hoạch – Tài chính trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng.
Văn phòng Đề án 844 là đơn vị giúp việc chuyên môn cho Ban Điều hành Đề án.
3.3. Đối tượng có thể tham gia đề án 844
Trường đại học, viện nghiên cứu.
Các tổ chức có hoạt động đào tạo, huấn luyện cho cá nhân khởi nghiệp
ĐMST, huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư khởi nghiệp, cán bộ quản lý.
Tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST.
Tổ chức truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST.
Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
3.4. Lợi ích khi tham gia thực hiện nhiệm vụ thuộc đề án 844
Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp được tuyển chọn tham gia thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844 sẽ:
Được hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai nhiệm vụ được phê duyệt bởi Bộ KHCN.
Có cơ hội để liên kết, kết nối với các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế.
Đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế.
Kết nối chuyên gia trong và ngoài nước về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tài chính, đầu tư…
Có cơ hội để kiến nghị các vấn đề khó khăn từ thực tiễn triển khai, đề xuất các giải pháp tới Lãnh dạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.
3.5. Cách thức tham gia nhận hỗ trợ từ đề án 844
Các tổ chức, đơn vị trung gian hỗ trợ khởi nghiệp tham gia Đề án 844 sẽ trải qua 03 giai đoạn chính:
Tham gia đề xuất nhiệm vụ: Các tổ chức, đơn vị theo dõi thông báo kêu gọi nộp đề xuất của Bộ KHCN và chủ động đề xuất các nhiệm vụ mà tổ chức nhận thấy cần thiết để phát triển hệ sinh thái tại thời điểm kêu gọi.
Nộp hồ sơ thực hiện nhiệm vụ: Sau khi tổng hợp đề xuất nhiệm vụ, Bộ KHCN sẽ ban hành danh mục nhiệm vụ. Các tổ chức, đơn vị theo dõi danh mục này để nộp hồ sơ (bao gồm: thuyết minh, dự toán và các tài liệu chứng minh năng lực theo yêu cầu) về Bộ KHCN.
Phê duyệt và triển khai: Bộ KHCN sẽ thành lập các hội đồng để đánh giá, phê duyệt hồ sơ của các đơn vị. Nếu như được phê duyệt các tổ chức, đơn vị sẽ được ký hợp đồng triển khai dưới sự theo dõi, đánh giá của Bộ KHCN.
Các nhiệm vụ được phê duyệt sẽ có thời gian triển khai trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký.
Tham khảo
Trang chủ Văn phòng Đề án 844 – Bộ Khoa học và Công nghệ (http://dean844.most.gov.vn)
TT. SHTT&GCN ĐHQG-HCM (tổng hợp)