KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và xu thế phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học [1], Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Trong các bối cảnh: thế giới đang đương đầu với các vấn đề toàn cầu bao gồm các mối đe dọa về dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh con người, an ninh phi truyền thống; xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng sẽ gặp nhiều trở ngại và thách thức; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều đột phá trong nhiều lĩnh vực thì các thành tựu về KH&CN và ĐMST của ĐHQG-HCM giai đoạn 2016-2020 cũng đã khẳng định năng lực của ĐHQG-HCM trong giải quyết các nhiệm vụ đặt ra bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cụ thể như sau.

Xét về thành tựu KH&CN trong giai đoạn 2016-2020, ĐHQG-HCM đã phát triển được nguồn lực KH&CN ấn tượng: 02 phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm cấp quốc gia, 11 PTN trọng điểm cấp ĐHQG-HCM và trên 80 PTN trọng điểm; hình thành Trung tâm Xuất sắc và 80 nhóm nghiên cứu mạnh; công bố 19.138 công trình tại các hội nghị, tạp chí trong và ngoài nước, trong đó 5.290 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus (số bài báo ISI Q1 đạt trên 45%). Về thành tựu hướng đến ĐMST, ĐHQG-HCM đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với 468 đơn, 185 đơn đã được cấp bằng; thực hiện 5.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ KH&CN với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 230 tỷ đồng; đã hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp tại Khu Công nghệ Phần mềm, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Quốc tế và Trường Đại học Kinh tế – Luật; thành lập 02 công ty KH&CN: Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Bách khoa) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa (thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Ngày 04/02/2021, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã ban hành Kế hoạch chiến lược (KHCL) giai đoạn 2021-202532 với tầm nhìn “trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu Châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và tri thức Việt Nam” và mục tiêu trọng tâm “phát triển hệ thống và hoàn thiện mô hình ÐHQG-HCM trên cơ sở tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình”. Trong kế hoạch chiến lược này, 06 chiến lược trọng điểm đã được xây dựng, trong đó các chiến lược liên quan trực tiếp đến kinh nghiệm quốc tế về khu đô thị sáng tạo (ĐTST), trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

  • Chiến lược 2: Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, dẫn dắt và mang bản sắc ĐHQG-HCM;

  • Chiến lược 3: Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;

  • Chiến lược 4: Tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập;

  • Chiến lược 5: Xây dựng khu đô thị đại học thông minh, xanh, bản sắc.

Các giải pháp đề xuất trong KHCL của ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025 cũng đã góp phần định hình được nền tảng một trung tâm đổi mới sáng tạo trong lòng một khu đô thị sáng tạo phía Đông theo chuẩn quốc tế.

Xu thế phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM

Theo Báo cáo tổng kết hoạt động ĐHQG-HCM năm 2021, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 801-1.000 trong bảng xếp hạng mới nhất của QS World khảo sát 1.300 trường đại học hàng đầu của 93 quốc gia năm 2021. Kết quả xếp hạng qua các năm của QS World cho thấy vị thế của ĐHQG-HCM liên tục được cải thiện, từ nhóm 69% (năm 2019) vươn lên nhóm 61,6% các đại học xuất sắc của thế giới. Đặc biệt, trong 06 tiêu chí xếp hạng của QS World, các tiêu chí về danh tiếng của ĐHQG-HCM tiếp tục được khẳng định, đặc biệt là danh tiếng với đồng cấp học thuật (đứng vị trí 398 thế giới, vị trí 81 châu Á) và danh tiếng với nhà tuyển dụng (với vị trí 501+ thế giới, 124 châu Á).

Đối với các bảng xếp hạng đại học của tạp chí THE (Times Higher Education), ĐHQG-HCM thuộc nhóm 401+ bảng xếp hạng các trường đại học khu vực châu Á năm 2021 của THE (Asia); trong đó ĐHQG-HCM được ghi nhận đạt điểm cao nhất cả nước về tiêu chí Thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ. Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng thuộc nhóm 401+ trong bảng xếp hạng những đại học trẻ tốt nhất thế giới của THE Young University Rankings và nhóm 401-500 trong tổng số 698 đại học từ 50 nền kinh tế mới nổi của THE Emerging Economies University Rankings… Kết quả bảng xếp hạng đối với lĩnh vực khoa học theo THE World University Ranking by Subject, ĐHQG-HCM tiếp tục có 06 lĩnh vực được vinh danh, gồm: Khoa học sự sống (Life Sciences) nhóm 601-800, Khoa học tự nhiên (Physical Sciences) nhóm 801-1.000, Khoa học máy tính (Computer Sciences) nhóm 601-800, Kỹ thuật (Engineering) nhóm 801-1.000, Khoa học xã hội (Social Science) nhóm 601+, Kinh doanh – Kinh tế (Business – Economics) nhóm 601+. Đây chính là nền tảng quan trọng để ĐHQG-HCM định hình lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm và công nghệ cốt lõi cho các cụm trung tâm đổi mới sáng tạo thành phần trong lòng trung tâm đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, ĐHQG-HCM đã tập trung triển khai các nhóm công tác chính trong năm 2021 với các kết quả như sau:

  1. Phát triển nguồn lực KH&CN thông qua triển khai các nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án: chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn với nhóm nghiên cứu mạnh, chương trình quỹ Gene 1671, dự án World Bank (trung tâm nghiên cứu tiên tiến), trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, mô hình Viện nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), đề án trung tâm đào tạo AI của ASEAN, chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030, các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố liên quan đến lĩnh vực AI…

  2. Hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (SHTT & CGCN): ĐHQG-HCM đã nộp 43 đơn đăng ký SHTT bao gồm 16 đơn đăng ký sáng chế, 15 đơn giải pháp hữu ích và 12 đơn bản quyền tác giả; theo đó, ĐHQG-HCM đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 02 bằng sáng chế và 02 chứng nhận quyền tác giả (tính đến tháng 10/2021). ĐHQG-HCM cũng đã triển khai đề án đăng ký SHTT quốc tế từ kết quả nghiên cứu khoa học và đã tiến hành đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ cho 05 kết quả nghiên cứu với 02 đơn đã được cấp bằng sáng chế. Đến tháng 10/2021, các đơn vị của ĐHQG-HCM đã triển khai 548 hợp đồng CGCN và dịch vụ KH&CN với tổng doanh thu đạt 116,3 tỷ đồng.

  3. Công bố khoa học: tính đến 10/2021, ĐHQG-HCM đã công bố 3.048 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội nghị trong, ngoài nước; trong đó, số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục SCIE/SSCI/Scopus là 1.111 bài, chiếm tỉ lệ 87% so với tổng bài báo quốc tế (1.280 bài). Nhiều bài báo trên các tạp chí rất uy tín với điểm IF rất cao (>10) như: Advanced Energy Materials (IF = 29,368), Annual Review of Plant Biology (IF = 26,379), Nature Climate Change (IF = 21,722), Journal of American Chemical Society (IF = 15,419), Angewandte Chemie (IF = 13,526), Bone Research (IF = 11,508), Medical Image Analysis (IF = 11,148)… Các chỉ số về nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM tăng rất mạnh: số bài báo tăng gấp 4,5 lần, số trích dẫn tăng gấp 4 lần, góp phần khẳng định năng suất và mức độ tác động của các công bố khoa học của nhà khoa học ĐHQG-HCM. Kết quả này đồng thời thể hiện tính hiệu quả của các chính sách về tăng cường công bố khoa học được triển khai tại ĐHQG-HCM trong thời gian qua.

  4. Hoạt động hợp tác KH&CN: ĐHQG-HCM tiếp tục phát triển các hoạt động hợp tác KH&CN thông qua:

    • Ký kết hợp tác với các đơn vị từ trung ương (Bộ KH&CN), các viện hàn lâm (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đến đối tác lớn (ĐHQG Hà Nội); 

    • Triển khai xây dựng các nhiệm vụ trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, AI, robot, vật liệu mới với Viện KH&CN Quân sự (Bộ Quốc phòng); triển khai xây dựng các nhiệm vụ trong các lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo các khối thiết bị, linh kiện thay thế, dự phòng trên các vũ khí trang bị kỹ thuật, công nghệ dưới nước, vô tuyến điện tử; nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; 

    • Ký kết hợp tác và tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác với các địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh; tỉnh Ninh Thuận), doanh nghiệp (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Hitachi Systems Việt Nam, Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 2).

Đối với công tác đối ngoại và hợp tác phát triển, ĐHQG-HCM cũng đã triển khai các công tác gắn kết đại học – doanh nghiệp với nghiên cứu khoa học; theo đó, ĐHQG-HCM đã và đang triển khai 261 dự án trong nước và 114 chương trình/hoạt động hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức (thống kê sơ bộ đến tháng 10/2021). Các dự án trong nước đang thu hút nhiều nguồn lực và tạo nhiều kết quả khả quan đối với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Các dự án này được đánh giá cao vì góp phần giải quyết các vấn đề lớn của địa phương (ngập mặn, chống sạt lở, biến đổi khí hậu…). 

Dựa trên kết quả triển khai các hoạt động KH&CN, ĐMST trong KHCL của ĐHQG-HCM năm 2021 và KHCL của ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025, một số nhận định về xu thế phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM theo kinh nghiệm thế giới đóng góp vào sự phát triển của khu đô thị phía Đông có thể được rút ra trên quan điểm cá nhân như sau:

  • Thứ nhất, về việc hình thành và phát triển các cụm trung tâm đổi mới sáng tạo thành phần: ĐHQG-HCM có rất nhiều tiềm năng phát triển nguồn công nghệ cốt lõi khi có: 80 nhóm nghiên cứu mạnh; 06 lĩnh vực được tạp chí THE vinh danh (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Khoa học máy tính, Kỹ thuật, Khoa học xã hội, Kinh doanh – Kinh tế); hệ thống hơn 100 PTN trọng điểm các cấp; hoạt động đăng ký SHTT quốc tế từ kết quả nghiên cứu khoa học; đa dạng chương trình, dự án, đề án nghiên cứu về y sinh, trí tuệ nhân tạo… Có lẽ ĐHQG-HCM cũng sẽ chọn lọc phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo thành phần ở cấp độ khu vực ASEAN hay châu Á trong 5 hay 10 năm tới dựa trên các công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực KH&CN trọng điểm theo xu thế phát triển và quốc tế hóa như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, y sinh… trên nền tảng SHTT quốc tế như One-north Singapore?

  • Thứ hai, về việc hình thành và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chuẩn quốc tế, tuy ĐHQG-HCM đã hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp thành phần tại Khu Công nghệ Phần mềm, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Quốc tế và Trường Đại học Kinh tế – Luật nhưng hiện tại các hệ sinh thái thành phần này về cơ bản vẫn chưa đạt đến đẳng cấp khu vực và chưa có tính kết nối mạnh. Theo kinh nghiệm quốc tế, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của trung tâm đổi mới sáng tạo cần gắn liền với đa dạng thành phần (tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức công, tư); các thành phần này cùng hiện diện trong không gian hệ sinh thái để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thoa mạng lưới, hiệp lực trí tuệ, tương tác quần thể và cùng tạo ra, ứng dụng tri thức mới. Kinh nghiệm này có lẽ là quan trọng để xem xét áp dụng triển khai phù hợp theo KHCL ĐHQG-HCM giai đoạn sắp tới để có thể góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thực lực.

  • Thứ ba, về việc phát triển các hoạt động khởi nghiệp hướng đến có thể thúc đẩy mức độ cạnh tranh trong dài hạn của khu đô thị sáng tạo phía Đông nói riêng hay cả Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, ngoài các hoạt động mang tính nền tảng đang triển khai để xây dựng nguồn hạt giống khởi nghiệp như đào tạo, tổ chức các sự kiện, cuộc thi, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp…, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp mang tính chất then chốt cũng rất cần được triển khai phù hợp. Các hoạt động này bao gồm việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan (các PTN bao gồm PTN phục vụ chế tạo sản phẩm mẫu) và các hoạt động nâng cao năng lực, chuẩn hóa hoạt động cho các trung tâm có chức năng chuyển giao tri thức, vì các đơn vị này sẽ cùng triển khai các loại hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong hệ thống ĐHQG-HCM như tạo ra các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh (doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-offs, spin-outs vốn hiện chưa có các kết quả nổi bật) và các loại hình chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp đối tác, địa phương và các tổ chức công, tư.

Kế đến là việc xây dựng cơ sở hạ tầng theo các tiêu chí của khu đô thị sáng tạo về quy hoạch đô thị và tạo lập môi trường cộng tác: hiện nay, ĐHQG-HCM cũng đã và đang triển khai xây dựng một đô thị đại học thông minh, xanh, bản sắc với các khu công viên – cây xanh – mặt nước, khu công viên sáng tạo và hệ thống giao thông thuận tiện. Tuy vậy, để có thể có một khu đô thị đại học thông minh, xanh, bản sắc và sáng tạo, liệu ĐHQG-HCM có cần xây dựng thêm các biểu tượng sáng tạo, mở rộng các không gian tạo cảm hứng cộng tác hay thiết lập các sự kiện, hoạt động đặc trưng để phát triển tương tác và cộng tác, qua đó tạo niềm hứng khởi đổi mới sáng tạo ở mọi nơi?

Tham khảo

  1. Luật số 34/2018/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

PGS.TS Phạm Đình  Anh Khôi
Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM

Scroll to Top