KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chuyển tải các giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới ở các vùng dân tộc thiểu số Nam Bộ

Tại vùng đất Nam Bộ, các dân tộc thiểu số có số dân đông chủ yếu là người Hoa, người Khmer và người Chăm. Các dân tộc này cũng đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm liên quan đến các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí, may mặc, dịch vụ du lịch, bán hàng… Nhưng không nhiều sản phẩm được tham gia vào chương trình OCOP, có chăng chỉ là những sản phẩm liên quan đến hàng thực phẩm như bánh pía, lạp xưởng của người Hoa, tung lò mò của người Chăm… và cũng chỉ đạt ở tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao, chưa thể nâng lên 5 sao như mong đợi của người sản xuất và của chính quyền địa phương. Nguyên nhân là do thiếu sự tư vấn của các nhà chuyên môn liên quan đến việc tạo nên tính đặc thù của sản phẩm, như tính địa phương, tính văn hóa tộc người, tính nhân văn… được chuyển tải trong sản phẩm; mặc dù các sản phẩm này đều đạt chất lượng yêu cầu. Do bởi, mục tiêu của chương trình OCOP là thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế đặc thù của địa phương, của tộc người cụ thể, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Do đó, việc nghiên cứu để tăng giá trị sản phẩm OCOP của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và ở khu vực Nam Bộ nói riêng, đặc biệt là giá trị nhân văn được chuyển tải vào trong sản phẩm nhằm hướng đến tính đặc thù và tạo nên sự độc đáo trên thị trường tiêu thụ là vấn đề cần thiết hiện nay. Việc đưa giá trị nhân văn vào trong sản phẩm OCOP cũng là một trong những tiêu chí quan trọng nhằm đạt được tiêu chuẩn 5 sao của sản phẩm. 

1. Tính chất nghiên cứu

Khảo sát cho thấy, giá trị nhân văn của các tộc người thiểu số được biểu hiện trên nhiều khía cạnh, và mỗi tộc người có những đặc trưng về giá trị nhân văn khóa nhau. Cụ thể như người Khmer ở Nam Bộ có đời sống tinh thần chịu ảnh hưởng quyết định bởi hệ phái Phật giáo Nguyên thủy. Trong cuộc sống các giá trị nhân văn của họ đều được lồng ghé vào giá trị đạo đức của Phật giáo, trong đó đề cao tính chân thật của con người trong mọi hoàn cảnh sống, kể cả việc kiến tạo ra của cải vật chất hay các loại hình sản phẩm.  Người Chăm ở đây đa phần theo tôn giáo Islam. Trong cuộc sống họ tuân thủ những điều quy định dành cho tín đồ Muslim, như phải chú trọng đến ba yếu tố căn bản là Halal, Haram và Mashbool. Họ cũng có nhiều sáng tạo quan trọng trong hoạt động kinh tế như tạo ra món tung lò mò (lạp xưởng bò) mang hương vị và phong cách halai của Islam, trở thành món ăn đặc sắc của học. Người Hoa ở Nam Bộ có truyền thống kinh doanh, nên đã tạo ra những giá trị truyền thống mang đậm tính nhân văn của tộc người. Yếu tố này vẫn luôn được duy trì, bảo giữ, phát triển và làm phong phú thêm bởi những yếu tố mới do bản thân cộng đồng ng­ười Hoa sáng tạo ra trong quá trình thích ứng với những điều kiện tự nhiên và xã hội nơi họ di cư đến. Do vậy, họ đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo trong hoạt động kinh tế của họ và dùng đó để thương mại.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, các tộc người trên chưa chú trọng đến việc chuyển tải giá trị nhân văn của mình vào sản phẩm để nâng cao giá trị đặc trưng của sản phẩm theo đúng tinh thần “mỗi xã một sản phẩm” như qui định của nhà nước. Vì vậy, nghiên cứu hướng đến tính chất là xây dựng giải pháp nhằm chuyển tải giá trị nhân văn (có chọn lọc) vào sản phẩm OCOP của các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ, giúp sản phẩm OCOP của họ có giá trị cao hơn trong tương lai.

2. Quá trình nghiên cứu

Nghiên cứu đã tiến hành điền dã tại 3 tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh vào năm 2020 và 2021 – nơi có người Hoa, Khmer, Chăm tham gia chương trình OCOP. Trong quá trình điền dã đó, thông số kỹ thuật được thu thập, phân tích trong nghiên cứu này được thực hiện bằng các phương pháp cụ thể như:

  1. Quan sát tham dự (để tìm hiểu, phân tích các giá trị đích thực được mang đến trong sản OCOP của cộng đồng);

  2. Phỏng vấn sâu (thực hiện 90 cuộc phỏng vấn sâu là người dân địa phương, cán bộ địa phương của 3 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang nhằm tìm hiểu những hạn chế, khó khăn trong việc chuyển tải giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP);

  3. Điều tra bảng hỏi (thực hiện 858 phiếu điều tra theo cách chọn mẫu định mức (quota), gồm các nhóm đối tượng là: các hộ Hoa, Khmer, Chăm có sản xuất kinh doanh và tham gia vào chương trình OCOP).

3. Nội hàm khoa học

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc chuyển tải các giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP của các dân tộc thiểu số như Khmer, Hoa và Chăm ở Nam Bộ chưa được thực hiện một cách hợp lý. Mặc dù, giá trị nhân văn là biểu trưng văn hóa tộc người có sức mạnh thu hút, tác động đến nhận thức của khách hàng, tạo ra thương hiệu đặc trưng gắn liền ba thành tố là sản phẩm, nền văn hóa và chủ thể tạo tác (chủ thể văn hóa của sản phẩm). Nguyên nhân bởi: 

  1. Nhận thức về bản sắc và giá trị nhân văn trong sản phẩm OCOP của chủ thể còn hạn chế; 

  2. Nghề và các làng nghề của họ thiếu tính độc đáo do chạy theo tính thị trường phổ thông; 3) Sự chỉ đạo, đồng hành của chính quyền và chính sách hỗ trợ của địa phương đối với chủ thể và sản phẩm tham gia OCOP còn chưa đồng bộ;

  3. Sản phẩm OCOP của các dân tộc thiểu số không tạo nên tính đặc trưng bởi giá trị nhân văn không được xem trọng và thiếu câu chuyện sản phẩm. Do đó, giá trị sản phẩm OCOP của các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ chưa đáp ứng được bộ tiêu chí 5 sao của nhà nước và chưa trở thành sản phẩm xuất khẩu cấp quốc gia.

Từ kết quả phân tích, nghiên cứu đề xuất các giải pháp như cần: 

  1. Phát huy bản sắc văn hoá trong chuyển tải giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP;

  2. Phát huy làng nghề truyền thống tạo sự độc đáo của sản phẩm; 

  3. Chuyển tải giá trị nhân văn vào xây dựng câu chuyện sản phẩm; 

  4. Nâng cao nhận thức của chủ thể về kỹ thuật chuyển tải và nhận diện các giá trị văn hóa cần chuyển tải vào sản phẩm OCOP; 

  5. Chuyển tải giá trị nhân văn vào xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm.

Các giải pháp này được đưa ra bởi, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm trên mô hình các sản phẩm OCOP của người Hoa, Khmer và Chăm. Những thử nghiệm của chúng tôi được chủ thể sản phẩm tán đồng và hoan nghênh, vì cho rằng chắc chắn nâng cao được giá trị sản phẩm OCOP của họ trong tương lai.

4. Giá trị của nghiên cứu

Giá trị của sản phẩm nghiên cứu là đánh giá thực trạng về chuyển tải giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới và đề xuất giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP ở vùng các dân tộc thiểu số tại Nam Bộ. Cụ thể gồm: 

  1. Luận giải quan điểm giá trị nhân văn trong sản phẩm OCOP, chuyển tải giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP ở các vùng dân tộc thiểu số; 

  2. Tìm hiểu kinh nghiệm chuyển tải giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và thực tiễn chuyển tải giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP ở Việt Nam; 

  3. Xác định thực trạng các sản phẩm OCOP và giá trị nhân văn trong các sản phẩm OCOP ở các vùng dân tộc thiểu số Nam Bộ; 

  4. Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố tới thành công và hạn chế của quá trình chuyển tải các giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP ở các vùng dân tộc thiểu số Nam Bộ hiện nay; 

  5. Lựa chọn sản phẩm để thử nghiệm giải pháp chuyển tải giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP của dân tộc thiểu ở Nam Bộ; 

  6. Đề xuất giải pháp khả thi nhằm chuyển tải giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP của dân tộc thiểu số ở Nam Bộ trong thời gian tới.

5. Hình ảnh của sản phẩm tiêu biểu

Sản phẩm salon tre của người Khmer ở Trà Vinh
Thiết kế logo, bao bì mang giá trị nhân văn cho sản phẩm Tung lò mò của người Chăm ở An Giang
Thiết kế logo cho sản phẩm bánh ngọt của cơ sở Duy Tân, (người Hoa) ở Sóc Trăng
Thiết kế bao bì đựng bánh dành cho cơ sở Duy Tân của người Hoa ở Sóc Trăng

6. Liên hệ nhóm tác giả, tác giả

PGS.TS. Huỳnh Ngọc Thu

Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, Thành phố Hồ Chí Minh

Email: hnthu76@hcmussh.edu.vn

Điện thoại: 0903843576

Hội nghị thường niên 2022

Scroll to Top