KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Vượt trội trong nghiên cứu khoa học tại ĐHQG-HCM bằng nguồn vốn vay ngân hàng thế giới trong năm 2023

Dự án Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam – Tiểu dự án Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) có tổng mức đầu tư là 116.1 triệu USD (trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 98 triệu đô) nhằm xây dựng cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại, từ đó nâng tầm ĐHQG-HCM thành một Khu đô thị đại học thông minh, bền vững điển hình của Việt Nam. Trong năm 2023, dự án dự kiến khởi công công trình xây dựng khu Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến, hạng mục với vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ĐHQG-HCM nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Ngày 17 tháng 04 năm 2022, Chủ Tịch nước đã phê chuẩn Hiệp định tài trợ ký với Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc nhóm WB cho Dự án Phát triển Đại học Việt Nam cho Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐHQG-HCM và Đại học Đà Nẵng theo Quyết định số 476/QĐ-CTN. Theo đó, khoản vay của Ngân hang Thế giới (WB) cho dự án Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam – Tiểu dự án ĐHQG-HCM (Dự án VUDP-HCM) sẽ được sử dụng để xây dựng các cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại ĐHQG-HCM. Dự án là một bước tiến vô cùng cần thiết cho ĐHQG-HCM phát triển trở thành một trong những đại học hàng đầu Châu Á cũng như đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, hữu ích cho cộng đồng, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà còn trên toàn quốc.

Về kế hoạch trong năm 2023, dự án dự kiến khởi công các hạng mục công trình xây dựng như cải tạo các giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành mô phỏng, phòng dạy học với các trang thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Đồng thời, đầu tư xây dựng các khối nhà cho Khoa Y, hướng tới mục tiêu tạo ra những bước ngoặc sáng tạo đổi mới trong lĩnh vực khoa học sức khỏe cũng như đào tạo ra nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho đất nước. Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến, với diện tích sàn 42.000 m2 bao gồm các phòng thí nghiệm, nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực, phòng trưng bày công nghệ, hợp tác doanh nghiệp cùng các trang thiết bị đi kèm nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở những lĩnh vực trọng điểm.

Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến lấy ý tưởng thiết kế kiến trúc dựa trên biểu tượng vô cực (Infinity) – Ouraboros, đây là biểu tượng vô tận của nhiều nền văn hoá trên thế giới cũng như biểu hiện cho kiến thức vô cùng tận của nền khoa học kỹ thuật. Hình khối “∞” gắn kết hai mảng không gian Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, tạo sự liền mạch trong giao thông phương ngang và phương đứng. Các mảng kính lấy sáng tự nhiên từ ngoài vào trong, lấy sự phản chiếu từ mặt hồ lung linh, tạo nên một không gian sống sinh động sáng tạo, thư giãn cho các giáo sư và nhà nghiên cứu. Các mảng lam nhôm, ban công kính, dàn mái không gian xuyên suốt uốn lượn theo chiều ngang sẽ làm tăng cảm giác vững chãi và duyên dáng của công trình. Không gian khu thực hành thí nghiệm Khoa học Tự nhiên là không gian kín kết hợp không gian nửa kín nửa mở của khu Khoa học Xã hội bởi hành lang giếng trời bên trong. Ngoài ra, khu Khoa học Xã hội còn sở hữu không gian mở ra bờ hồ, tận dụng khoảng xanh, thiên nhiên thông thoáng cho các công năng công cộng xã hội.

Khu Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến tọa lạc tại vị trí đồi cao nhất của khu quy hoạch ĐHQG-HCM và có hồ rộng bao quanh, bố cục không gian được thiết kế bám sát địa hình dốc và kết hợp hồ nước làm cảnh quan. Khu Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến nhìn chung đi theo hướng thấp tầng và chiếm lĩnh không gian theo chiều rộng để phục vụ nhu cầu sử dụng cần sự cách ly, tĩnh lặng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc tổ chức không gian cho Khu Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến đảm bảo hoàn chỉnh theo quy trình từ đào tạo đến nghiên cứu, triển khai để đáp ứng mục tiêu làm nơi nghiên cứu và thí nghiệm chuyên sâu cho toàn ĐHQG-HCM. Hình thức kiến trúc của Trung tâm đi theo hướng hiện đại, phù hợp với công năng sử dụng, áp dụng giải pháp kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường và không gian sống của con người, đồng thời tận dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh nắng, gió, mưa…

Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến sẽ là khu nghiên cứu dùng chung cho toàn ĐHQG-HCM với mục tiêu phát huy sức mạnh hệ thống và tăng cường tính liên thông đối với mảng khoa học công nghệ. Từ đó khơi dậy tối đa tiềm lực trong hệ thống ĐHQG-HCM cũng như tăng thêm không gian thực hiện và chuyển giao các chương trình nghiên cứu, các dự án mang tính ứng dụng cao, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Từng bước hỗ trợ cho ĐHQG-HCM phấn đấu trở thành một Đại học nghiên cứu tầm cỡ Châu lục.

Dự án VUDP-HCM dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ góp phần vào mục tiêu xây dựng ĐHQG-HCM theo mô hình đại học tiên tiến trên thế giới, đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu liên ngành khoa học và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt với việc đầu tư xây dựng khu Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến sẽ giúp cho ĐHQG-HCM nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời phát triển được các ngành khoa học cơ bản có thế mạnh đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Các ngành khoa học tự nhiên và khoa học liên ngành sẽ gắn với các định hướng ứng dụng, có các nghiên cứu chuyển giao, sáng chế, giải pháp hữu ích, góp phần giải quyết được một số vấn đề trọng yếu trước mắt và lâu dài của đất nước. Từ đó, hỗ trợ ĐHQG-HCM chủ động hội nhập, hợp tác khu vực và quốc tế, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, góp phần xây dựng Khu đô thị ĐHQG-HCM thành Khu đô thị đại học thông minh, bền vững của Việt Nam.

BQL DAQT

Scroll to Top