KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Cần nâng cao nhận thức về hoạt động sở hữu trí tuệ

Ông Trần Việt Thanh – Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ phía Nam” do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM phối hợp tổ chức ngày 6/4.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG-HCM, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng hơn 100 đại diện là lãnh đạo ĐHQG-HCM, Cục Sở hữu trí tuệ, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN, chuyên gia ở khu vực phía Nam tham dự.

Vì sao văn bằng sáng chế thấp?

    Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Trần Việt Thanh cho biết Việt Nam đang xây dựng chiến lược SHTT quốc gia, triển khai xây dựng Mạng lưới IP-Hub, nên việc tổ chức và quản lý hoạt động SHTT trong trường đại học, trong các tổ chức KH&CN là rất cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh số lượng đơn và văn bằng sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam còn rất khiêm tốn, chiếm tỷ lệ rất thấp so với số đơn của các trường đại học, tổ chức nghiên cứu ở nước ngoài. “Mỗi năm số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Trung Quốc chừng 1 triệu, ở Mỹ là 500 ngàn, còn ở Việt Nam con số khoảng 500 đơn. Vì sao có sự chênh lệch như thế? Có phải vì trình độ chúng ta thấp? Không phải, bởi khoa học công nghệ chúng ta có nhiều kết quả tốt, chỉ số đổi mới sáng tạo có những bước tiến mạnh. Có phải chất lượng nghiên cứu của chúng ta thấp? Cũng không phải, vì theo công bố trong năm qua chất lượng nghiên cứu của chúng ta tăng lên, cụ thể năm 2016 có hơn 4.000 bài ISI” – Ông Thanh đặt câu hỏi mở đầu hội thảo.


“Ở nước ngoài, các trường đại học được phép thành lập doanh nghiệp còn ở nước ta thì không. Vì vậy mới có chuyện ở trong trường, các nhà khoa học tạo ra tri thức thật, nhưng khi đứng tên doanh nghiệp thì không phải của nhà trường mà của vợ, con nhà khoa học đó. Điều này khiến cho việc đầu tư vào khoa học công nghệ ở các trường đại học là khá lãng phí”.

PGS.TS Vũ Văn Tích

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Vũ Văn Tích – Trưởng ban Khoa học Công nghệ ĐHQG Hà Nội cho rằng lý do đơn và văn bằng sáng chế ở các trường đại học thấp nằm ở việc họ không được thành lập doanh nghiệp. Ông Tích phân tích: “Ở nước ngoài, các trường đại học được phép thành lập doanh nghiệp còn ở nước ta thì không. Vì vậy mới có chuyện ở trong trường, các nhà khoa học tạo ra tri thức thật, nhưng khi đứng tên doanh nghiệp thì không phải của nhà trường mà của vợ, con nhà khoa học đó. Điều này khiến cho việc đầu tư vào khoa học công nghệ ở các trường đại học là khá lãng phí”.

PGS.TS Lê Thị Nam Giang phát biểu về việc ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ. Ảnh: ĐỨC LỘC

Bà Hồ Thị Thanh Vân – Giảng viên Trường ĐH Tài nguyên Môi trường cho rằng lý do khiến đơn và văn bằng sáng chế ở các trường đại học thấp là vì thủ tục đăng ký SHTT ở Việt Nam quá phức tạp. “Năm 2011, tôi từng đăng ký sáng chế tại Mỹ và thủ tục ở đó rất nhanh gọn. Nhưng khi về Việt Nam tôi không dám đăng ký vì thủ tục quá rắc rối. Bên cạnh đó, ở trường đại học các thầy cô chưa nắm được giá trị của bằng sáng chế sẽ hơn các bài ISI” – Bà Vân chia sẻ.

    Đồng tình với ý kiến này, ông Hiền – một Việt kiều Mỹ có mặt tại hội thảo cho biết thời gian để công nhận phát minh ở Việt Nam là quá lâu, trong khi ở nước ngoài chỉ mất chừng… 20 phút. Chính sự khác biệt này đã làm những Việt kiều luôn hướng về nhưng “không dám về”.

    Một lý do khác theo ông Phạm Huy Hiếu – Hội Sáng chế Việt Nam, bên cạnh vấn đề cơ chế, chính sách cản trở sự phát triển của SHTT là chuyện làm giả, làm nhái ở nước ta quá nhiều.

    Còn ông Ngô Đắc Thuần  – Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Saigon Silicon City cho rằng nguyên nhân nằm ở việc “các nhà sáng chế là những người viết sáng chế tốt nhất nhưng lại không dành thời gian cho việc viết bản mô tả sáng chế”.

Phải xây dựng chiến lược phát triển SHTT

    Việc có quá nhiều khúc mắc khiến số lượng đơn và văn bằng sáng chế ở nước ta, đặc biệt là khối trường đại học, viện nghiên cứu thấp, theo các chuyên gia phải “gỡ rối” từng vấn đề một.

    PGS.TS Vũ Văn Tích cho rằng “không cần nhìn đâu xa xôi”, mà có thể tham khảo ngay mô hình cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học và thực hiện đăng ký sáng chế của Trung Quốc. “Ở Trung Quốc, những ai có công bố, bằng sáng chế sẽ được hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, đầu tư theo sản phẩm đầu ra. Khi tạo được mối liên kết giữa nghiên cứu cơ bản và doanh nghiệp thì sẽ thúc đẩy kinh tế đi lên. Vì vậy tôi kiến nghị Bộ KH&CN cho phép các trường đại học thành được lập trung tâm thẩm định công nghệ, giám định công nghệ và được cấp bằng” – ông Tích kiến nghị.

Ông Trần Giang Khuê (đứng) trình bày giải pháp để tránh các rủi ro về thất thoát tài sản trí tuệ. Ảnh: ĐỨC LỘC

“Cái thiếu nhất bây giờ là niềm tin. Chúng ta không có sự tin cậy giữa doanh nghiệp và nhà nước, giữa giảng viên và nhà trường. Như vậy, cần phải có chiến lược về tài sản trí tuệ, chiến lược về phát triển khoa học công nghệ của quốc gia. Các trường đại học phải cạnh tranh với nhau để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ”.

Bà Vũ Kim Hạnh


    Theo PGS.TS Lê Thị Nam Giang – Trường ĐH Luật TP.HCM vấn đề nằm ở chính các trường đại học. Bà Giang thẳng thắn: “Một số trường chưa có bộ phận chuyên trách về SHTT nhưng cũng không ‘mặn mà’ với các trung tâm để xác lập quyền SHTT. Điều này dẫn đến việc các nhà khoa học trong trường đại học chưa quan tâm đúng mức đến việc xác lập quyền SHTT. Vì thế, bước đầu tiên mà các trường đại học, viện nghiên cứu cần phải làm là ban hành quy chế cũng như thành lập các bộ phận quản trị tài sản trí tuệ”.

    Ông Trần Giang Khuê – Phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP.HCM cho biết việc triển khai cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu còn khá nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu.“Để khắc phục điều này, các trường đại học, học viện cần thiết lập cơ chế quản lý hoạt động SHTT; xây dựng điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý; áp dụng các quy định vào quản lý chặt chẽ hoạt động SHTT nhằm đảm bảo quyền hợp pháp, ngăn chặn các hành vi xung đột, tranh chấp, khiếu nại. Khi làm tốt hoạt động SHTT sẽ tránh được các rủi ro về thất thoát tài sản trí tuệ; đồng thời giúp các trường đại học, học viện nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị thương hiệu, phát triển đột phá và bền vững trong thời đại nền kinh tế tri thức” – Ông Khuê phân tích.

    PGS.TS Phạm Văn Song – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt – Đức khuyến nghị việc đăng ký sáng chế nên có sự tham gia của doanh nghiệp để doanh nghiệp bảo vệ, sử dụng và khai thác hiệu quả. Bộ KH&CN nên mở quỹ quản lý hoạt động khoa học công nghệ giống Quỹ Nafosted, cho phép các trường đại học được thành lập doanh nghiệp, thành lập các phòng quan hệ doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ.

    Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét rằng các giải pháp trên là cần thiết để tăng số lượng đơn và văn bằng sáng chế ở nước ta, đặc biệt là khối trường đại học, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, việc đầu tiên phải làm là “xây dựng niềm tin giữa ba bên: Doanh nghiệp – Nhà nước – Nhà nghiên cứu”. “Cái thiếu nhất bây giờ là niềm tin. Chúng ta không có sự tin cậy giữa doanh nghiệp và nhà nước, giữa giảng viên và nhà trường. Như vậy, cần phải có chiến lược về tài sản trí tuệ, chiến lược về phát triển khoa học công nghệ của quốc gia. Các trường đại học phải cạnh tranh với nhau để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ” – Bà Hạnh nhấn mạnh.

    Kết luận hội thảo, ông Trần Việt Thanh cho rằng thế giới đang cạnh tranh khốc liệt về kinh tế, đặc biệt về SHTT, do vậy các bên cần phải cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực SHTT. Nhưng trước hết các thầy cô, nhà nghiên cứu phải nâng cao nhận thức về SHTT, các cơ quan quản lý từ Bộ KH&CN, trường đại học, viện nghiên cứu, Sở KH&CN cần xem xét lại cơ chế, cách thức quản lý; Bộ KH&CN sẽ xem xét xây dựng một đề án với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động đăng ký sáng chế tại Cục SHTT và các trường đại học, viện nghiên cứu.

ĐHQG-HCM triển khai thí điểm sáng chế quốc tế

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết năm 2018, ĐHQG-HCM đã phê duyệt đề án triển khai thí điểm sáng chế quốc tế. Theo đó, đến năm 2020, ĐHQG-HCM sẽ hình thành quy trình đăng ký sáng chế quốc tế phổ biến trong toàn hệ thống, đồng thời đề án cũng tạo ra ít nhất 2 sáng chế quốc tế có chất lượng đăng ký tại Mỹ.

    Từ năm 2009, ĐHQG-HCM đã xây dựng được hệ thống tổ chức để quản lý, phát triển và khai thác các tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu. Năm 2014, ĐHQG-HCM đã ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ áp dụng trong toàn hệ thống.

    “Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, đến nay hoạt động SHTT trong ĐHQG-HCM đã từng bước cải thiện và ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, kết quả chưa tương xứng vơi tiềm lực của mình” – PGS.TS Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.

ĐỨC LỘ

Scroll to Top