Những dự án vì sức khỏe cộng đồng
Thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, Khoa Y ĐHQG HCM đã tổ chức cuộc thi Hoạt động tăng cường sức khỏe sinh viên, thu hút sự tham gia đông đảo của các sinh viên Khoa Y với những dự án mang tính đột phá.
Đội Hydration and Exercise báo cáo dự án cấp AUN ở Thái Lan ngày 12/12/2019. Ảnh: NVCC
Trong đó, có 3 dự án xuất sắc được trao giải: Hydration and Exercise (giải Nhất), Vườn Stress (giải Nhì) và My body, my choice (giải Ba).
Những ý tưởng thiết thực
Cuộc thi Hoạt động tăng cường sức khỏe sinh viên nằm trong hoạt động của Mạng lưới tăng cường sức khỏe của các trường thuộc khối ASEAN University Network (AUN – Health Promotion Network). AUN-HPN được thành lập từ năm 2014 với mục tiêu tăng cường sức khỏe của cộng đồng khối ASEAN, trước mắt là tập trung đẩy mạnh các hoạt động tăng cường sức khỏe tại các trường thành viên của khối. Việt Nam có hai thành viên chính thức của AUN-HPN là ĐHQG-HCM và ĐHQG Hà Nội. Khoa Y được ĐHQG-HCM chỉ định làm đại diện tham gia AUN-HPN và Khoa Y – Dược được ĐHQG Hà Nội chỉ định làm đại diện.
Trong 6 tháng tham gia cuộc thi, các đội đã thể hiện tâm huyết của mình đối với dự án do chính tay các bạn chung sức thực hiện. “Chúng mình đã dành một thời gian dài để tìm và chọn ra ý tưởng để phát triển dự án. Sau khi khảo sát trong sinh viên, đội nhận thấy đa số các bạn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc uống nước đầy đủ và rèn luyện thể chất. Chính vì vậy, Hydration and Exercise ra đời để góp phần xây dựng lối sống lành mạnh cho các bạn sinh viên” – Phạm Thị Ngân Khánh, thành viên đội Hydration and Exercise, chia sẻ.
Hydration and Exercise tổ chức các hoạt động truyền thông, hội thảo, tập luyện thể dục, chạy bộ kết hợp đo lường chỉ số sức khỏe cho hàng trăm sinh viên của Khoa Y và các trường đại học thành viên ĐHQG-HCM.
Bạn Nguyễn Thị Bích Ngọc – thành viên đội Vườn Stress, rất tâm đắc với ý tưởng của nhóm bởi nội dung dự án gần gũi với cuộc sống con người. “Hiện nay, người trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực nên dễ bị stress. Sau quá trình đọc tài liệu và nghiên cứu, tụi mình biết được liệu pháp làm vườn – kết nối giữa môi trường và tâm hồn con người – có thể giúp giảm stress, nên quyết định lựa chọn dự án này để phát triển”. Ngọc cho biết thêm, mô hình điều trị tâm lý này đã được áp dụng nhiều ở các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản.
Vườn Stress đã tổ chức các buổi làm vườn tại Khu thực hành Giải phẫu của Khoa Y, thu hút được nhiều sinh viên, chủ yếu là ngành Dược tham gia. Nhóm cũng có một bài báo cáo tại Hội nghị khoa học lần II của Khoa Y ĐHQG-HCM tổ chức ngày 14/11. Dự án này được các trường thành viên của tổ chức International Pharmaceutical Students Federation chức đánh giá cao bởi tính sáng tạo và thiết thực.
Đội My body, my choice chọn triển khai dự án tuyên truyền, phổ biến về tình dục an toàn và phòng tránh thai trong sinh viên. “Các bạn hoàn toàn có thể tự chủ động trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình, không nên vì sự thiếu hiểu biết mà gây ra những hậu quả đáng tiếc” – Võ Thị Trâm Anh, sinh viên năm cuối Khoa Y ĐHQG HCM, thành viên đội My body, my choice, chia sẻ.
My body, my choice đã tổ chức hai buổi hội thảo cho sinh viên năm I của Khoa Y và sinh viên tại Ký túc xá Khu A ĐHQG-HCM. Ngoài ra, nhóm còn tạo nhiều kênh truyền thông trên mạng xã hội. Những mô hình truyền thông online và offline của nhóm tiếp tục được duy trì như hoạt động thường niên của Khoa Y với quy mô cấp ĐHQG-HCM.
Nhiều dự án xuất sắc
Có 9 dự án được các nhóm sinh viên Khoa Y đề xuất và bảo vệ tại vòng 1. Các dự án này xoay quanh những vấn đề thiết thực trong cộng đồng sinh viên của khoa Y nói riêng và ĐHQG-HCM nói chung, đều được ban tổ chức đánh giá cao, vượt xa sự kỳ vọng ban đầu. Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, đội Hydration and Exercise đã tạo trang fanpage AUN Hydration and Exercise Project đăng tải những bài viết y học thường thức về chủ đề uống nước và tập thể dục. Còn trang Dr. Hoa Mi Confession 16+ của nhóm My choice, my body là nơi để các bạn trẻ gửi gắm tâm sự, hỏi đáp một cách riêng tư với phương châm “Chỉ có bạn mới có quyền lựa chọn, vì sự an toàn cho chính bạn và cộng đồng.”
Dựa vào một số tiêu chí đánh giá như tính thiết thực, tính thu hút và lan tỏa, tính khoa học… ban tổ chức cuộc thi đã rất “cân não” để lựa chọn ba dự án ở vòng chung kết. Và chiến thắng chung cuộc đã thuộc về đội Hydration and Exercise.
ThS Lê Quang Huy – Thường trực dự án AUN-HPN, đánh giá: “Điều quan trọng nhất là cuộc thi đã tạo được sân chơi cho các bạn sinh viên có cơ hội ứng dụng kiến thức hàn lâm vào thực tiễn. Các bạn tiến bộ qua từng ngày và phát triển nhiều mặt, từ kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ cho đến kỹ năng thực hiện một dự án chuyên nghiệp”.
Ông Huy cho biết thêm trong tương lai, các dự án có tiềm năng sẽ được xem xét để phổ biến cho cộng đồng sinh viên ở ký túc xá và mở rộng trong các trường thành viên ĐHQG-HCM.
Mở rộng cuộc thi ở cấp ĐHQG-HCM và AUN-HPN
Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và tạo dựng các mối quan hệ trong gần 4 năm tham gia AUN-HPN, cuộc thi Hoạt động tăng cường sức khỏe sinh viên lần đầu tiên được ĐHQG-HCM tổ chức vào ngày 23/4/2019. Thông qua cuộc thi, Khoa Y ĐHQG-HCM mong muốn sinh viên có cơ hội đề xuất và thể hiện kỹ năng thực hiện ý tưởng dự án của mình. Cuộc thi đồng thời nằm trong chuỗi hoạt động nâng cao sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần cho sinh viên và giảng viên, cán bộ ĐHQG-HCM.
Sự thành công của cuộc thi là tiền đề để mở rộng thành cuộc thi cấp ĐHQG-HCM trong năm 2020 và thành cuộc thi cấp AUN vào năm 2021 do ĐHQG-HCM chủ trì.
Ngày 12/12 vừa qua, đội hạng nhất Hydration and Exercise đã đại diện cho ĐHQG-HCM tham gia cuộc thi Health Promotion cấp AUN tại Thái Lan.
HUYỀN MY – NHƯ QUỲNH – PHƯƠNG MAI