ĐHQG-HCM 10 năm phục vụ cộng đồng
Ngày 16/11/2007, ĐHQG-HCM và UBND tỉnh Bình Dương ký thỏa thuận Chương trình liên kết, hợp tác giữa hai đơn vị giai đoạn 2007-2015. Đến năm 2008-2009, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, Dự án Bảo tàng sinh thái tre Phú An hình thành là ba kết quả đầu tiên của chặng đường “Liên kết và phục vụ cộng đồng” kéo dài suốt 10 năm qua của ĐHQG-HCM.
Từ điểm tựa đó, cuối năm 2008, trong Hội nghị thường niên lần đầu tiên, ĐHQG-HCM đã đề ra trách nhiệm phục vụ cộng đồng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Năm 2009, ĐHQG-HCM mở rộng hợp tác với hàng loạt địa phương như Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đắk Nông, Lâm Đồng…
Định vị khu vực
Với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất ở phía Nam, ĐHQG-HCM xác định vùng trọng tâm hợp tác liên kết và phục vụ là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cụ thể, ĐHQG-HCM chủ trì xây dựng Mạng lưới các trường đại học khu vực ĐBSCL (MUN); đề xuất các chương trình bảo vệ môi trường sinh thái tại Vùng Dự trữ sinh quyển thế giới ở Cà Mau. Còn với Kiên Giang là dư án nghiên cứu kinh tế biển, Vĩnh Long là dự án nghiên cứu về công nghệ cao trong nông nghiệp, Tiền Giang là dự án xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới…
Lãnh đạo ĐHQG-HCM và UBND tỉnh Bình Dương ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017-2022. Ảnh: Đức Lộc
Cũng trong năm 2009, ĐHQG-HCM xác định nội dung chương trình hỗ trợ dành cho khu vực Tây nguyên. Đó là chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với cán bộ, sinh viên dân tộc thiểu số; nghiên cứu đánh giá tiềm năng đất đai, chế biến khoáng sản; các giải pháp về di dân, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch…
Với TP.HCM, ĐHQG-HCM luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển khoa học kỹ thuật và phục vụ phát triển kinh tế thành phố. Mỗi năm, ĐHQG-HCM thực hiện khoảng 20% đề tài, dự án do sở KH&CN TP.HCM quản lý.
Năm 2010 ĐHQG-HCM đưa quan điểm kết nối các địa phương và phục vụ cộng đồng thành một tư duy mở và gắn với cuộc sống – như một chức năng tất yếu của mình. Đến nay, ĐHQG-HCM đã định vị khu vực liên kết và phục vụ cộng đồng là Đông Nam bộ (ưu tiên TP.HCM và tỉnh Bình Dương), ĐBSCL, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Nâng tầm hợp tác toàn diện
Những dự án hợp tác của ĐHQG-HCM không chỉ giới hạn trong việc đào tạo nguồn nhân lực mà phủ trên diện rộng từ những vấn đề vi mạch, công nghệ sinh học, các giải pháp về giao thông, chống ngập, cho tới các vấn đề cụ thể như bảo quản nông sản, phát triển du lịch… ĐHQG-HCM ngày càng nhận được nhiều “đơn đặt hàng” của các địa phương.
Năm 2012 ĐHQG-HCM và UBND TP.HCM đã thống nhất chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2012-2015. ĐHQG-HCM kề vai với TP.HCM trong nhiều dự án KH&CN mũi nhọn như công nghệ vi mạch, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học. Cũng trong năm này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ĐHQG-HCM bắt tay xây dựng đề án “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL”. Đến 6/2014 Bộ KH&CN ra quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm chương trình KH&CN cấp quốc là “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” (Chương trình Tây Nam bộ) do ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đồng chủ trì. Như vậy, cả vùng ĐBSCL đã được liên kết các dự án KH&CN về một đầu mối chung, trong đó ĐHQG-HCM giữ vai trò đầu tàu.
Năm 2013 “Chương trình hợp tác Đào tạo nguồn nhân lực và hoạt động KH&CN giữa Lâm Đồng và ĐHQG-HCM đến năm 2020” được ký kết. Hợp tác mở ra hướng phát triển mới về khu đại học quốc tế tại Lâm Đồng.
Đến nay hoạt động phục vụ cộng đồng của ĐHQG-HCM đã có một chiến lược xuyên suốt với những mục tiêu cụ thể và những dự án rộng khắp các vùng kinh tế phía Nam. Việc phục vụ cộng đồng ngày càng trở nên hiệu quả với những mô hình kinh tế kết nối chặt chẽ với các địa phương. ĐHQG-HCM đang thực hiện một trong những tiêu chuẩn của đại học đúng nghĩa – chuyển những giá trị tinh thần, khoa học thành giá trị thực của cuộc sống kinh tế – xã hội.
Đáp ứng nhanh trước đòi hỏi của cuộc sống
Cuối tháng 3/2016, Bến Tre và các tỉnh miền Tây Nam bộ bị xâm hại mặn nghiêm trọng. Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã “đặt hàng” ĐHQG-HCM nghiên cứu các phương án hỗ trợ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn tại Bến Tre. Ông Hạo cho biết: “Bến Tre đang bị tác động của hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng thấy trong vòng 100 năm trở lại. Nó ảnh hưởng đến đời sống bà con nông dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tỉnh Bến Tre rất cần sự hỗ trợ của những nhà khoa học đến từ ĐHQG-HCM để giải quyết các vấn nạn trên một cách bền vững”.
Các nhà khoa học ĐHQG-HCM đưa ra nhiều giải pháp chống hạn, mặn hiệu quả cho người dân ĐBSCL. Trong đó, sản phẩm túi chứa nước ngọt bằng PVC có dung tích 10 – 50 khối của Khoa Công nghệ Vật liệu – Trường ĐH Bách Khoa được đánh giá cao và được người dân sử dụng rộng rãi. Ông Nguyễn Văn Sách ở xã Quới Điền (Thạnh Phú, Bến Tre), cho biết: “Túi này có giá rẻ và tiện lợi. Phương án hỗ trợ kịp thời rất quý giá, nó giúp bà con nông dân có đủ nước ngọt xài khi mùa khô hạn sắp tới”.
Đoàn ĐHQG-HCM đi khảo sát hạn, mặn tại tỉnh Bến Tre vào tháng 3/2016. Ảnh: Đức Lộc
Những đơn đặt hàng ở nông thôn luôn được ĐHQG-HCM ưu tiên. Trong buổi sơ kết chương trình hợp tác giai đoạn 2013-2015 với tỉnh Lâm Đồng, ĐHQG-HCM đã chuyển giao 11 đề tài nghiên cứu khoa học cho tỉnh. Trong đó có các dự án nổi bật như: Mô hình tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, Công nghệ sấy nông sản sử dụng năng lượng mặt trời, Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rác…
Mỗi đề tài nghiên cứu chỉ tốn từ 100-400 triệu đồng nhưng đã làm thay đổi giá trị sản phẩm của địa phương. Như máy sấy cà phê dùng năng lượng mặt trời của Trường ĐH Bách Khoa chuyển giao cho huyện Đơn Dương, giúp người dân và doanh nghiệp vừa giảm chi phí vừa tiết kiệm thời gian mà chất lượng cà phê cao hơn, giá bán tốt hơn.
Cuối năm 2015, ĐHQG-HCM đã tích cực hỗ trợ “Xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể và triển khai phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025”. Theo đánh giá của đoàn khảo sát ĐHQG-HCM, tiềm năng du lịch của Đắk Nông rất lớn. Đắk Nông được ưu đãi về khí hậu, địa hình, cảnh quan thiên nhiên và có cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn thiện. Hiện các chuyên gia của ĐHQG-HCM đang nghiên cứu các giải pháp phát triển du lịch cho tỉnh này.
Đến tháng 7/2017, chương trình Tây Nam bộ đã triển khai 49 nhiệm vụ KH&CN. Trong đó có những nhiệm vụ bám sát đời sống người dân như xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị cho cây có múi (bưởi, cam sành); cải thiện giá trị nấm rơm, lúa gạo, tôm; giải pháp kỹ thuật hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông; nghiên cứu biến đổi sinh thái hạ lưu sông Mekong; ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim cho các công trình kè chắn sóng ven biển…
Đối với TP.HCM, mới đây nhất, PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc Tế đã gửi Sở GTVT TP.HCM kết quả nghiên cứu dự án “Triển khai thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh” tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn.
Dựa vào hình ảnh thực tế có tính chính xác 90%, các chuyên viên Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn sẽ đánh giá tình trạng giao thông, từ đó điều phối thời lượng đèn tín hiệu để điều tiết dòng xe, giảm ùn tắc. Dữ liệu này được cập nhật 5 phút/lần, giúp dự báo tình trạng giao thông qua các số liệu vận tốc, mật độ xe. Ngoài ra, các camera còn giúp ghi nhận biển số các xe vi phạm luật giao thông.
Phủ sóng Nam Trung bộ
Ngoài chương trình “phủ sóng” khắp 13 tỉnh Tây Nam bộ, ĐHQG-HCM còn tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam để tiến tới hợp tác với cả khu vực Nam Trung bộ.
Ngày 30/10/2015, ĐHQG-HCM và tỉnh Quảng Ngãi ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ĐHQG-HCM sẽ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các trường THPT, Trường Chuyên Lê Khiết và Trường ĐH Phạm Văn Đồng). Tại Quảng Nam, ĐHQG-HCM cũng triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho địa phương về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch…
Địa phương có hợp tác gần đây nhất với ĐHQG-HCM là tỉnh Ninh Thuận. Ngày 24/8/2017, ĐHQG-HCM và tỉnh Ninh Thuận ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh giai đoạn 2017-2021. Theo đó, ĐHQG-HCM sẽ hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận trong nghiên cứu ứng dụng, tư vấn về hoạch định chính sách, xây dựng đề án phát triển du lịch, xử lý môi trường sản xuất tôm giống, chuyển giao công nghệ đóng tàu khai thác thủy sản bằng vật liệu composite, nâng cao chất lượng tỏi Phan Rang, phát triển ngành trồng chuối, bảo quản nguồn nước tự nhiên phục vụ dân sinh và công nghiệp, nghiên cứu công nghệ phát triển năng lượng tái tạo… Song song đó, ĐHQG-HCM sẽ thực hiện các dự án chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Thuận bằng các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng về ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn phát triển về đội ngũ và nguồn tài nguyên giáo dục.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG-HCM, khẳng định tất cả dự án hợp tác với các tỉnh phải có đầu ra cụ thể, có đóng góp sản phẩm cụ thể cho địa phương. ĐHQG-HCM luôn xem việc hỗ trợ phục vụ cộng đồng là mục tiêu, trách nhiệm, sứ mạng của mình. Để có kết quả cao, ĐHQG-HCM cam kết cùng bố trí kinh phí đối ứng thích hợp với kinh phí của các tỉnh để thực hiện các đề tài nghiên cứu.
THÁI VIỆT