KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Nâng cao công bố quốc tế xứng tầm xếp hạng đại học

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều bứt phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế với nhiều nhà khoa học, giảng viên đạt các giải thưởng khoa học-công nghệ, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế.

Đồng chí PGS,TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao quyết định kết nạp Đảng cho các sinh viên, giảng viên trẻ có thành tích trong nghiên cứu khoa học, công bố… (ảnh: CTV).

Theo thống kê, số bài báo của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế tăng dần từ 1.539 bài (năm 2020), rồi 1.861 bài (2021), 2.345 bài (2022), 2.790 bài (2023) và 3.168 bài (12/2024), tiếp tục là đơn vị có số bài báo công bố quốc tế dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ bài báo cơ sở dữ liệu Scopus/Tiến sĩ: 1,86; tỷ lệ bài báo Scopus/giảng viên: 1,0.

Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học, giảng viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn nhận nhiều giải thưởng khoa học danh giá. Trong số 9 nhà khoa học trẻ (lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) nhận Giải thưởng Khuê Văn Các năm 2024, đã có nhiều tiến sĩ đến từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tiêu biểu như Tiến sĩ Phan Duy Anh (Trường đại học Bách Khoa) với tác phẩm “Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại”, là tài liệu tham khảo quan trọng, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tác động của các mối quan hệ này đến chính trị Mỹ. Anh có đến hơn 20 bài đăng trên tạp chí khoa học, 20 tham luận tại các hội thảo quốc gia và quốc tế; được xem là “công bố quốc tế” qua sách về lĩnh vực liên quan.

Tiến sĩ Nguyễn Phước Vinh (Trường đại học Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là người trẻ nhất được trao giải Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024 (ảnh: CTV).

Hay đó còn là Tiến sĩ Lê Trần Phước Mai Hoàng (Trường đại học Quốc tế) với công trình “Khám phá đặc điểm của các nhóm người tiêu dùng phản đối hàng xa xỉ trên mạng xã hội”. Sau đó đề xuất các chiến lược tương tác để giúp thương hiệu tái kết nối hoặc giảm thiểu phản đối từ những nhóm này. Công trình được công bố trên tạp chí Journal of Research in Interactive Marketing. Về công bố khoa học, Tiến sĩ Mai Hoàng có 10 bài SSCI xếp hạng Q1, 1 bài xếp hạng SSCI Q2; 1 bài Scopus Q1 (đồng tác giả), 1 bài Scopus Q2 (tác giả chính), 4 bài Scopus Q4 (2 bài là tác giả chính) và 3 bài kỷ yếu hội thảo quốc tế (tác giả chính).

Còn với Tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), anh đã nghiên cứu về tác động kinh tế của Chiến tranh Việt Nam lên Nhật Bản (1965-1973). Nghiên cứu của anh góp phần nâng cao nguồn học liệu về lịch sử và quan hệ Nhật-Việt, hỗ trợ giảng dạy ngành Nhật Bản học và hiện được đăng trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế, nhất là Nhật Bản.

Ví như Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024, đã có 4/10 nhà khoa học trẻ lĩnh vực khoa học tự nhiên đến từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được trao giải. Đó là Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh (Trường đại học Khoa học tự nhiên) đạt giải thưởng khi là tác giả chính của công trình “Nghiên cứu chế tạo vật liệu màng mỏng dựa trên nền ô-xít kẽm ứng dụng chuyển hóa nhiệt thải thành năng lượng điện và bảo vệ môi trường”. Tuấn Anh cho biết, công trình này tập trung vào cấu trúc và ứng dụng vật liệu ZnO ở dạng màng mỏng, hướng đến sản xuất hàng loạt, thương mại hóa cao.


Giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ nghiên cứu (ảnh: CTV).

Đó còn là Tiến sĩ Lê Kim Hùng (Trường đại học Công nghệ thông tin) với công trình “Nghiên cứu thuật toán lấy mẫu thích ứng cho thiết bị trong Internet vạn vật quy mô lớn”. Qua đó giải quyết thách thức về tiết kiệm năng lượng trong các hệ thống loT quy mô lớn. Công trình đã được công bố trên Tạp chí IEEE Access 2020 và cấp bằng sáng chế tại Pháp năm 2021.

Và không thể không nhắc Tiến sĩ Nguyễn Phước Vinh (Trường đại học Khoa học Sức khỏe) là người trẻ nhất được trao giải Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024. Chia sẻ với Báo Nhân Dân, anh giới thiệu công trình: “Thực trạng đề kháng thuốc kháng nấm của bệnh nấm Candida đường hầu họng trên bệnh nhân ung thư…”. Nghiên cứu này nhấn mạnh tình trạng kháng thuốc của loài Candida ở người bệnh ung thư từ đó sẽ giúp các bác sĩ nâng cao hiệu quả điều trị.

Giải thưởng Quả cầu vàng 2024 còn vinh danh Tiến sĩ Trần Ngọc Quang (Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử) với công trình nghiên cứu tiên phong trong việc kết hợp chất thải urê và nước biển tự nhiên để sản xuất nhiên liệu hydro xanh bằng công nghệ điện phân, góp phần tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo số liệu từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về công bố đỉnh cao, thống kê giai đoạn 2020-6/2024, số lượng bài báo công bố trên các tạp chí được xếp hạng Q1 và Q2 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ khoảng 66% và có xu hướng tăng (riêng Q1 chiếm 40,8%). Về xếp hạng đại học, theo kết quả xếp hạng mới nhất của QS World năm 2025 công bố ngày 5/6/2024 Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đạt top 901-950, thuộc nhóm 40% đại học xuất sắc nhất thế giới. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho chiến lược nâng cao công bố khoa học đỉnh cao của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện trong nhiều năm qua.

DƯƠNG MINH ANH (Nhân Dân điện tử

 

Lên đầu trang