Lần đầu tiên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vượt mốc 3.000 bài công bố quốc tế
Ngày 26/12, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 12/2024, đơn vị này đã công bố 4.153 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội nghị trong và ngoài nước.
Trong đó, số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục SCIE/SSCI/Scopus là 3.120 bài, chiếm tỉ lệ 97% so với tổng bài báo quốc tế.
Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Cũng theo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh luôn là đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc 2 danh mục cơ sở dữ liệu lớn của thế giới là Web of Science (của Clarivate) và Scopus (của Elsevier).
Bên cạnh việc duy trì số lượng công bố khoa học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn chú trọng nâng cao chất lượng công bố.
Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu Scopus giai đoạn 2020-6/2024, số lượng bài báo công bố trên các tạp chí được xếp hạng Q1 và Q2 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ khoảng 66% và có xu hướng tăng dần theo từng năm.
Nếu chỉ tính riêng số lượng bài báo công bố trên các tạp chí được xếp hạng Q1 thì tỷ lệ này đạt 40,8%.
Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí rất uy tín với chỉ số ảnh hưởng IF rất cao.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học
Dữ liệu về nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025 cho thấy số bài báo và số trích dẫn thông thường của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có bước tiến vượt bậc, tác động trực tiếp đến các chỉ số liên quan đến nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả này cho thấy các chính sách trong nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua như: xây dựng chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền nhóm nghiên cứu mạnh, thí điểm xây dựng trung tâm xuất sắc; hỗ trợ kinh phí hội nghị hội thảo có công bố proceeding thuộc danh mục Scopus, chính sách khen thưởng công bố quốc tế và các giải pháp phát triển đội ngũ nhân lực khoa học, phân bổ kinh phí theo hướng minh bạch, cạnh tranh theo kết quả đầu ra đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả rõ ràng.
CAO TÂN (Báo Nhân Dân điện tử )