KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Lịch họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài cấp ĐHQG-HCM loại B tháng 10/2024 - Trường Đại học Khoa học Sức khỏe

TT

Đề tài

1

Nghiệm thu Đề tài cấp ĐHQG-HCM loại B với thông tin cụ thể như sau:

– Tên đề tài: Bào chế chế phẩm dùng ngoài dạng gel và lotion hỗ trợ điều trị mụn từ cao chiết diếp cá giàu flavonoid (Houttuynia cordata Thunb.).

– Chủ nhiệm đề tài: GS. TS Lê Minh Trí

– Đơn vị: Trường Đại học Khoa học Sức khỏe

– Mã số đề tài: DN2022-44-01

– Thời gian: … (sẽ cập nhật khi có thời gian tổ chức họp nghiệm thu theo Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu)

– Địa điểm: … (sẽ cập nhật khi có thời gian tổ chức họp nghiệm thu)

– Quyết định nghiệm thu số: … (sẽ cập nhật khi có Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu).

– Chủ tịch Hội đồng: … (sẽ cập nhật khi có Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu).

Tóm tắt đề tài

Các hoạt chất flavonoid có trong diếp cá (Houttuynia cordata Thunb.) đã được chứng minh có liên quan mật thiết đến các đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn và hiệu quả điều trị mụn trứng cá. Nhờ vào khả năng thẩm thấu tốt qua lớp sừng, tương thích với làn da, có thể phân hủy sinh học, và không gây dị ứng, niosome trở nên tiềm năng  với vai trò chất mang ứng dụng trong lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm điều trị các bệnh về da. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và tối ưu hoá điều kiện chiết để thu được cao H. cordata giàu flavonoid bằng phương pháp chiết hai pha thân nước (ATPS) và phương pháp chiết siêu âm (UA) cũng như xây dựng vùng dấu vân tay HPLC của năm flavonoid chính là rutin, hyperin, isoquercitrin, quercitrin và quercetin là cơ sở để đánh giá chất lượng các cao chiết H. cordata. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã tối ưu hoá điều kiện bào chế niosome chứa cao diếp cá ứng dụng bào chế dạng lotion.

Đề tài đồng thời đã xây dựng và tối ưu công thức bào chế chế phẩm gel và lotion chứa cao chiết diếp cá. Các công thức tối ưu đảm bảo các chỉ tiêu cơ sở của dạng chế phẩm dùng ngoài bao gồm cảm quan, độ đồng nhất, độ nhiễm khuẩn, pH, độ ổn định của chế phẩm. Ngoài ra, chế phẩm gel và lotion cho thấy tính kháng khuẩn đối với hai chủng Cutibacterium acnes Staphylococcus epidermidis với liều lượng phù hợp đối với dạng chế phẩm dùng ngoài bên cạnh tính kháng viêm. Nghiên cứu đồng thời cũng đánh giá độ an toàn của chế phẩm gel và lotion thông qua thử nghiệm tính kích ứng da trên mô hình thỏ và các tình nguyện viên; kết quả thu được cho thấy tính an toàn, tiện dụng của hai dạng bào chế trên đối với người sử dụng.

Nghiên cứu một mặt cung cấp các minh chứng khoa học về tính kháng khuẩn và kháng viêm của cao chiết diếp cá giàu flavonoid và hai dạng chế phẩm gel và lotion chứa cao diếp cá giàu flavonoid. Mặt khác, kết quả thu được cũng mở ra triển vọng ứng dụng và thương mại hoá các công thức bào chế gel và lotion chứa diếp cá giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá ở thanh thiếu niên, nâng cao giá trị sử dụng của một loại rau ăn hàng ngày phổ biến tại Việt Nam.

Đơn vị đăng tin: Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, ĐHQG-HCM   

Thời điểm: ngày 30 tháng 10 năm 2024.

 

Scroll to Top