74 đội tranh tài tại vòng chung kết “Hội thi Thử thách Trí tuệ Nhân tạo (AI Challenge) TPHCM năm 2024”
Sáng 20/10, 74 đội thi đã tranh tài tại vòng chung kết “Hội thi Thử thách Trí tuệ nhân tạo (AI Challenge) TPHCM năm 2024” tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (thành phố Thủ Đức, TPHCM).
“Hội thi Thử thách Trí tuệ nhân tạo (AI Challenge) TPHCM năm 2024” do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, với sự phối hợp của các đơn vị: Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM), Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành Đoàn Thành phố, Hội Tin học thành phố (HCA), Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ là đơn vị thường trực Ban tổ chức Hội thi.
Sau hơn 3 tháng triển khai, vòng sơ tuyển Hội thi đã thu hút hơn 3.000 thí sinh đăng kí tham gia. Vượt qua vòng sơ tuyển, 74 đội thi có tiềm năng đã được Hội đồng Giám khảo tuyển chọn vào vòng Chung kết, trong đó bảng A với 50 đội thi và bảng B với 24 đội thi. Các thí sinh sẽ sử dụng phần mềm, công cụ trí tuệ nhân tạo do chính đội mình xây dựng để giải quyết các bài toán truy vấn hình ảnh trong kho dữ liệu được ban tổ chức cung cấp.
74 đội thi tranh tài tại vòng chung kết “Hội thi Thử thách Trí tuệ nhân tạo (AI Challenge) TPHCM năm 2024”
Tại vòng chung kết, Ban tổ chức yêu cầu các đội thi truy vấn dạng Know-Item Search (KIS, tạm dịch là tìm kiếm đối tượng được mô tả trước), cụ thể được thể hiện ở hai dạng như sau:
– Yêu cầu truy vấn dạng văn bản (Textual KIS): Ban giám khảo cung cấp mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên của một sự kiện. Các đội dự thi cần tìm ra chính xác đoạn video của sự kiện này. Đoạn mô tả có thể gồm nhiều ý, nhiều câu văn. Ở vòng chung kết: nội dung đoạn mô tả sẽ được cung cấp dần dần trong thời gian dành cho câu truy vấn. Nếu đội dự thi tự tin vào kết quả tìm kiếm video từ những gợi ý ban đầu của đoạn mô tả, đội dự thi có thể nộp kết quả ngay để có thể được điểm rất cao cho câu truy vấn này (nếu kết quả đúng). Tuy nhiên, đội dự thi có thể thận trọng để chờ thêm các thông tin mô tả về sự kiện để kiểm chứng kết quả tìm được.
– Yêu cầu truy vấn dạng hình ảnh hay video (Video KIS): thay vì mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên, các đội dự thi sẽ xem một đoạn video ngắn (không quá 20 giây) được trích ra từ một sự kiện nào đó trong kho dữ liệu video đã cho. Các đội không được phép chụp ảnh, ghi hình đoạn video này bằng bất kỳ phương tiện điện tử nào để đưa vào công cụ của mình mà phải tìm cách phù hợp để diễn tả yêu cầu tìm kiếm, ví dụ như mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên nội dung video hay vẽ lại bối cảnh mình nhìn thấy…
Các đội tham gia dự thi vòng thi chung kết.
Hệ thống server để nộp bài và chấm điểm trực tuyến được sử dụng là DRES (Distributed Retrieval Evaluation Server) theo đúng thể thức chuẩn quốc tế trong cuộc thi VBS (Video Browser Showdown).
Hội thi AI Challenge được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thử nghiệm những giải pháp truy vấn dữ liệu mới. Thông qua đó, tìm kiếm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghệ thông tin và AI. Bên cạnh đó, ứng dụng những giải pháp của các đội thi để nhận dạng, phân tích dữ liệu hình ảnh và video giám sát góp phần cải thiện khả năng an ninh quốc phòng của quốc gia nói chung và phát triển TPHCM nói riêng.
Đặc biệt, ở vòng chung kết của Hội thi năm nay, GS. TS. Cathal Gurrin – người sáng lập nên cuộc thi Lifelog Search Challenge thế giới tham dự trực tiếp và chủ trì vòng thi chung kết cùng Hội đồng chuyên môn tại Việt Nam.
Ban tổ chức sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho các đội thi có xếp hạng cao nhất với tổng giá trị giải thưởng Hội thi là hơn 200 triệu đồng. Số lượng giải thưởng sẽ căn cứ theo đề xuất của Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức sau khi xem xét, quyết định. Các đội thi đạt giải sẽ nhận được cúp lưu niệm, giấy khen của Ban tổ chức và tiền thưởng.
M. Hiệp (Thanhuytphcm.vn)