Đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm lĩnh vực công nghệ sinh học thúc đẩy nghiên cứu đột phá
Ngày 11/7/2024, ĐHQG-HCM đã tổ chức tọa đàm khoa học “Đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH) thúc đẩy nghiên cứu đột phá, xuất sắc tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2025-2030” với sự tham dự của gần 60 đại biểu là lãnh đạo các ban chức năng, đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM; lãnh đạo doanh nghiệp, bệnh viện có quan hệ hợp tác với ĐHQG-HCM; chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên thuộc các lĩnh vực sinh học, CNSH, y sinh, vật liệu y sinh, khoa học sức khỏe, nông nghiệp của ĐHQG-HCM.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai phát biểu khai mạc tọa đàm.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 có 6 chiến lược trọng tâm. Trong đó, chiến lược 3 là về “đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới”. Tọa đàm là diễn đàn quan trọng để lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, doanh nghiệp, địa phương trao đổi, thảo luận nhằm phát triển ĐHQG-HCM thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNSH thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai và PGS.TS Lâm Quang Vinh điều hành tọa đàm.
Tại tọa đàm, đại biểu đã nghe 4 tham luận: Khung chương trình phát triển công nghệ sinh học ĐHQG-HCM giai đoạn 2025-2030 (PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM); Hệ thống phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống (GS Nguyễn Thị Thanh Mai); Hợp tác nghiên cứu Bệnh viện với nhóm nghiên cứu (BS Phan Thanh Hào, Bệnh viện quốc tế DNA); Vai trò của tính toán và mô phỏng trong nghiên cứu đa quy mô về công nghệ sinh học (PGS.TS. Huỳnh Kim Lâm, Trường ĐH Quốc tế).
Toàn cảnh tọa đàm.
Tọa đàm đã ghi nhận hơn 15 ý kiến đóng góp, tập trung đưa ra những giải pháp xây dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, thúc đẩy triển khai các nghiên cứu khoa học mang tính đột phá, đồng thời tạo ra các sản phẩm CNSH có tính thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Mai cảm ơn đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng. Bà cho rằng đó là những ý tưởng mới giúp ĐHQG-HCM tập trung nguồn lực tốt nhất để thực hiện hiệu quả dự án đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm lĩnh vực CNSH thúc đẩy nghiên cứu đột phá, xuất sắc tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2025-2030.
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại tọa đàm.
Bài, ảnh: KHÁNH LÂM