KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Hội thảo khoa học về Các mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi heo tại tỉnh Bến Tre

Ngày 02 tháng 04 năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên tổ chức buổi Hội thảo Tổng kết đề tài với chủ đề “Đánh giá khả năng sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam. Các mô hình ngăn ngừa giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi heo”.

Hội thảo diễn ra vào tại Hội trường Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre với sự tham gia của 40 đại biểu là đại diện của các sở ban ngành cấp tỉnh Bến Tre, đại diện các phòng ban liên quan và Ủy ban nhân dân các xã thuộc huyện Mỏ Cày Nam, các hộ dân triển khai mô hình thí điểm, đại diện phía đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Bến Tre… Trong bản tin thời sự ngày 03/04/2024, Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh Bến Tre đã đưa tin về Hội thảo:

Đề tài đã hoàn thành tốt mục tiêu nghiên cứu đặt ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng: 05 bộ báo cáo tổng hợp; 01 bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong nước; đào tạo 01 thạc sĩ thành công bảo vệ luận văn tốt nghiệp; thực hiện mô hình thí điểm 03 quy mô vừa, nhỏ và nông hộ tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Với mục tiêu giúp người dân cải thiện nhiều yếu tố trong chuỗi chăn nuôi heo (chuồng trại, thiết bị, con giống, thức ăn, nước, nhân công, thuốc và đầu ra,…), mô hình đã áp dụng nhiều kỹ thuật SXSH-TKNL và thực hành tốt nhất và các kỹ thuật giảm thiểu và xử lý chất thải gồm:

Sơ đồ tổng quát mô hình triển khai thí điểm

– Đối với phân thải:

(1) Dùng làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ, cung cấp nguồn phân bón cho vườn trồng cây xung quanh nhà hoặc cung cấp cho các hộ dân xung quanh có nhu cầu sử dụng.

(2) Dùng làm thức ăn để nuôi trùn quế, nguồn sinh khối thu được từ khu nuôi trùn quế sẽ được tiếp cận sử dụng như phân hữu cơ, trùn quế thì dùng làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho heo.

– Nước thải:

(1) Thu gom và xử lý qua hệ thống biogas: Khí sinh học thu hồi từ hệ thống biogas được dùng làm nguồn năng lượng cho sinh hoạt của hộ dân (nấu ăn, thắp sáng,…). Lượng khí sinh học dư thừa có thể được kết nối cung cấp cho các hộ dân xung quanh hoặc dùng để chưng cất nước phục vụ nhu cầu ăn uống của con người, gia súc hoặc dùng trong vận hành lò sản xuất than sinh học (biochar) với nguyên liệu từ rác vườn.

(2) Nước thải chăn nuôi sau khi qua hệ thống biogas sẽ được dẫn qua bể lọc với vật liệu lọc là biochar (được sản xuất từ sinh khối thực vật của mô hình, một vật liệu dùng để xử lý nước thải và cải tạo đất trồng của vườn/rẫy).

(3) Sau cùng nước thải được dẫn qua hệ thống ao sinh học để xử lý phần ô nhiễm còn lại: Trong hệ thống ao sinh học có bổ sung các loại thực vật vừa có khả năng xử lý ô nhiễm, vừa là thức ăn chăn nuôi heo (điển hình như rau muống). Ngoài ra, ao sinh học còn có thể được tận dụng để nuôi một số loại thủy sản. Thủy sản thu được có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón dạng lỏng dùng cho vườn/rẫy của hộ dân và những hộ xung quanh. Ao sinh học cũng là nơi lưu trữ nước để tái sử dụng cho mục đích vệ sinh chuồng trại hoặc tưới vườn/rẫy.

Các thông tin hạng mục thiết kế, quy trình vận hành và hướng dẫn xử lý nước thải, bùn thải, ủ phân, sản xuất biochar,… được mô tả chi tiết trong các sổ tay hướng dẫn thực hiện và vận hành mô hình (là một trong những sản phẩm của đề tài). Nhóm thực hiện cũng đã tổ chức buổi tập huấn chuyển giao công nghệ cho cán bộ xã và các hộ dân vào ngày 15/10/2023 tại UBND xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

 

Tập huấn chuyển giao công nghệ

Đánh giá tính hiệu quả của mô hình mang lại:

– Lợi ích về nông nghiệp: Người dân có thể tận dụng nguồn nước để duy trì và phát triển sinh kế hiện hữu với quy mô phù hợp theo hướng sinh thái. Chất thải từ chăn nuôi (phân thải) được tận thu, phế phẩm từ vườn cũng được xem là nguyên liệu tốt để sản xuất than sinh học dùng trong lọc nước thải và bón cho cây trồng.

– Tạo ra hệ sinh thái tự nhiên: Trong các mương, ao của hộ có các loại thực vật bản địa có khả năng xử lý nước thải như rau muống, lục bình giúp hệ số an toàn của nước thải sau xử lý được nâng lên.

– Hiệu quả về mặt môi trường: Sau khi triển khai mô hình, lượng phân thải ra ngoài môi trường giảm trên 95%. Nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi được thu gom và xử lý đạt QCVN 62-MT: 2016/BTNMT. Điều kiện vệ sinh môi trường của các hộ điển hình được cải thiện rõ rệt, nhất là vấn đề về mùi hôi phát sinh và mỹ quan khu vực chuồng trại.

– Hiệu quả về mặt kinh tế và khả năng nhân rộng mô hình: Mô hình ít sử dụng máy móc, thiết bị, không sử dụng hóa chất, chủ yếu tận dụng nhân công lúc nhàn rỗi. Việc áp dụng mô hình giúp người dân trong khu vực duy trì ổn định các sinh kế hiện hữu, tạo thêm được các loại hình sinh kế cho hộ dân gồm: Ủ phân compost từ phân heo phục vụ cho rẫy, vườn cỏ, nuôi trùn quế, thu hồi khí sinh học, nuôi trùn quế, cải tạo ao nuôi cá, rau muống, đốt than sinh học, ủ đạm cá… Thời gian hoàn vốn của mô hình là dưới 1 năm. Chi phí đầu tư và vận hành mô hình thấp, phù hợp với điều kiện kinh kế của người dân địa phương.

Nhóm thực hiện đã nhận được nhiều câu hỏi, nhận xét và ý kiến đóng góp có giá trị từ các đại biểu tham gia Hội thảo để hoàn thiện đề tài, phát huy tối đa tính hiệu quả của mô hình nghiên cứu đến với người dân địa phương.

Viện Môi trường và Tài nguyên – ĐHQG TP.HCM

Scroll to Top