Định hướng nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp ĐHQG-HCM gắn với công bố quốc tế cho nghiên cứu sinh Trường ĐH KHXH&NV
Chiều 20.3, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) phối hợp với Ban Khoa học và Công nghệ và Ban Đào tạo của ĐHQG-HCM tổ chức chương trình Tọa đàm khoa học: “Hướng dẫn triển khai nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp ĐHQG-HCM gắn với công bố quốc tế cho nghiên cứu sinh Trường ĐH KHXH&NV”.
Toàn cảnh phần tham luận trong tọa đàm – Ảnh: Quỳnh Mai
Về phía ĐHQG-HCM, tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu – Phó Trưởng ban, Ban Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Hồ Quốc Bằng – Phó Trưởng ban, Ban Đào tạo. Về phía nhà trường, có TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM tham dự. Ngoài ra, chương trình còn có các nghiên cứu sinh, giảng viên của các trường trong khối ĐHQG-HCM tham gia.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Lê Hoàng Dũng trình bày về định hướng thúc đẩy và chuẩn hoá hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. “Nghiên cứu khoa học và việc công bố quốc tế của các nghiên cứu là một công tác quan trọng. Ban Giám đốc ĐHQG-HCM và Nhà trường sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ các nghiên cứu sinh để thúc đẩy công tác này mạnh mẽ hơn nữa”.
Tọa đàm bao gồm hai phần, phiên trình bày tham luận và phiên thảo luận. Có 2 tham luận được trình bày, tham luận thứ nhất: “Thông tin về Kết luận của Giám đốc ĐHQG-HCM về chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các nghiên cứu sinh công bố quốc tế; hướng dẫn đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp ĐHQG-HCM và một số điểm cần lưu ý”, do PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu trình bày; và tham luận thứ hai: “Trao đổi về công tác đào tạo sau đại học của ĐHQG-HCM”, do PGS.TS. Hồ Quốc Bằng trình bày. Hai chuyên gia cũng đã khẳng định, việc tăng cường công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus là một nội dung rất quan trọng, là một phần trong chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo, cũng như chất lượng nghiên cứu sinh để theo kịp chuẩn quốc tế.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, người tham dự chủ yếu là các nghiên cứu sinh cũng đã chia sẻ những khó khăn, những vấn đề còn tồn đọng trong việc công bố khoa học trong Luận án Tiến sĩ và đề tài nghiên cứu khoa học, cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà trường, như: có một đội ngũ có chuyên môn tư vấn về nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, tổ chức các buổi tập huấn, cách tìm ý tưởng cho bài báo khoa học…
Học viên Kim Hiền bày tỏ khó khăn vì chưa nắm rõ được cách thức trình bày của bài báo khoa học. NCS Hồ Thị Lệ Thủy đặt câu hỏi cho các chuyên gia về những điều cần lưu ý khi công bố quốc tế.
Giải đáp những băn khoăn của người tham dự, Ban chủ tọa cho biết: “Nhà trường đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ công bố quốc tế để tư vấn cho người học. Ngoài ra, cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu sinh trên nhiều khía cạnh”, nghiên cứu sinh nên thường xuyên trao đổi với người hướng dẫn để được định hướng, giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, người học tăng tính liên ngành trong các nghiên cứu, bởi đây là xu thế chung trên thế giới, giúp các công trình này đạt những bước tiến, thành tích nổi bật.
Chia sẻ cùng tọa đàm, người tham dự cũng nhận được nhiều chia sẻ đến từ các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các trường khác thuộc ĐHQG-HCM như PGS.TS. Nguyễn Văn Phương – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công Trường Đại học Quốc tế, PGS.TS. Bùi Xuân Thành – Trưởng Bộ môn Khoa học và Công nghệ nước Trường Đại học Bách Khoa.
Trong những năm qua, ĐHQG-HCM đã đầu tư thêm kinh phí cho các dự án nghiên cứu, cũng như tổ chức tư vấn, động viên các nghiên cứu sinh. Công tác nghiên cứu khoa học cũng đang dần nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Tọa đàm đã tạo nên một không gian để trao đổi kết nối giữa nghiên cứu sinh và các lãnh đạo, chuyên gia. Qua đó, Nhà trường và ĐHQG-HCM có dịp lắng nghe những vướng mắc và chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm đến người học, nhằm tìm ra những phương pháp nâng cao chất lượng, số lượng của các công trình nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV.
QUỲNH MAI
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn