KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Hội nghị khoa học quốc tế “Khoa học Trái đất, Mỏ, Môi trường phục vụ chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu” (GREEN EME 2023) tổ chức tại ĐHQG-HCM

Ngày 29/12/2023, Hội nghị khoa học quốc tế “Khoa học Trái đất, Mỏ, Môi trường phục vụ chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu – Earth and Environmental sciences, Mining for digital transformation, green development and response to global change” (GREEN EME 2023) đã được tổ chức tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM).

Hội nghị khoa học GREEN EME 2023 do ĐHQG-HCM và Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phối hợp với Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất – Mỏ, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước (Đại học Canterbury, New Zealand; Đại học Kỹ thuật Bergakademie Freiberg, Đức; Đại học Kyoto, Đại học Tokyo, Nhật Bản; Đại học Công nghệ Sydney, Australia…) tổ chức.

Toàn cảnh hội nghị. 

Hội nghị có sự tham dự của PGS. TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, GS. TS Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; GS.TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất – Mỏ, các đồng chí lãnh đạo các tổng cục, cục, vụ, thuộc các cơ quan quản lý và chuyên môn của Việt Nam.

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của trên 220 đại biểu và các nhà khoa học đại diện cho các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đức, Australia….

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được sự chỉ đạo và tư vấn sát sao của Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất – Mỏ, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM, Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thuỷ văn – Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại hội nghị.

Ban tổ chức, Ban biên tập và Ban thư ký Hội nghị (với sự tham gia tích cực của Ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQG-HCM) đã rất tâm huyết và sáng tạo trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị. Ban tổ chức Hội nghị GREEN EME 2023 đã nhận được hơn 82 báo cáo toàn văn, trong đó 22 bài chất lượng tốt đăng trong “IOP Conference Series: Earth and Environmental Science”, 33 bài đã được lựa chọn biên tập và xuất bản trong Kỷ yếu Hội nghị, 15 báo cáo đã được chỉ định để trình bày tại 3 phân ban của Hội nghị, 9 báo cáo trình bày dưới dạng poster tại Hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào 3 chủ đề cốt lõi là:

1) Chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ trong khoa học trái đất, khai thác và môi trường (Dữ liệu lớn, học máy và trí tuệ nhân tạo).

2) Chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững, kinh tế tuần hoàn trong quản lý tài nguyên-khoáng sản và phát triển bền vững.

3) Các biện pháp mới nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai trong Khoa học Trái đất, Mỏ và Môi trường để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững.

Qua thảo luận tại Hội nghị và từ các kết quả công bố trong Kỷ yếu, thực trạng phát triển các lĩnh vực trên đã được phân tích, nhiều giải pháp và khuyến nghị đã được thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo các lĩnh vực Khoa học Trái Đất, Mỏ và Môi trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, yêu cầu chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu để phát triển bền vững đất nước.

Công bố Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn đến năm 2030”

Tại hội nghị cũng tiến hành công bố Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn đến năm 2030”, mã số KC.15/21-30 do Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định ban hành.

Mục tiêu của chương trình này là Cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu và thích ứng với tác động của thượng nguồn sông Mê Kông, phát triển bền vững, góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế trọng điểm, văn minh sinh thái và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của cả nước, hội nhập khu vực và quốc tế

“Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu mới này đặt ra trách nhiệm rất lớn cho ĐHQG-HCM. Theo đó, làm thế nào để các nhà khoa học tham gia đóng góp cho sự phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là sứ mệnh của ĐHQG-HCM, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng” – PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM nhận định.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học của ĐHQG-HCM từ ngành khí tượng, thủy văn, môi trường, địa chất, địa lý và các khối ngành kinh tế, nhân văn tham gia Chương trình Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Nghi thức khởi động chương trình.

Ban Khoa học và Công nghệ
Ảnh: Thiện Thông

Scroll to Top