Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh
- 09/10/2023
Triển khai các nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) giai đoạn 2023 – 2026, theo lời mời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh (Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh), ngày 29/9/2023, ĐHQG-HCM đã tổ chức Đoàn công tác đến tỉnh khảo sát nhu cầu về hoạt động khoa học và công nghệ, đến làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh. Đoàn công tác ĐHQG-HCM gồm có 15 thành viên bao gồm đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại và Phát triển dự án, Ban Khoa học và Công nghệ, Trưởng phòng Quản lý khoa học và một số nhà khoa học của các đơn vị thành viên của ĐHQG-HCM gồm: Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học An Giang.
Đoàn công tác của ĐHQG-HCM và Sở NN&PTNT tỉnh đã khảo sát thực tế 03 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gồm: HTX Dịch vụ thủy lợi Hưng Thuận – Trảng Bàng; HTX Sầu riêng Bàu Đồn – Gò Dầu; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phúc Lợi – Gò Dầu. Các chủ nhiệm, cán bộ phụ trách của HTX đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của HTX trong kỹ thuật nuôi trồng, kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, giống cây trồng (sầu riêng, lúa ST25), con giống cá, sản phẩm phân bón, phụ phẩm sau thu hoạch với đoàn công tác. Các nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã tư vấn, góp ý cho lãnh đạo các HTX có những giải pháp phù hợp nhằm cải thiện tình hình cũng như khắc phục một số khó khăn đang tồn tại.
Tham quan trang trại dưa lưới với sản phẩm lon nước ép dưa lưới tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phúc Lợi, huyện Gò Dầu.
Chiều cùng ngày, hai bên đã có buổi làm việc về triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác và kế hoạch chung sắp tới tại Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh. Đồng chủ trì buổi làm việc là Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở, Ông Trương Tấn Đạt – Phó Giám đốc Sở và TS. Nguyễn Thái Bình Long – Phó trưởng Ban Đối ngoại và Phát triển dự án, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu – Phó trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQG-HCM.
Một số vấn đề về kỹ thuật cho sản xuất và chế biến nông nghiệp được hai bên giới thiệu, đề xuất hợp tác:
(1) Về Công nghệ sinh học, lâm nghiệp: đề nghị Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tư vấn về một số giống cây phụ trợ đặc tính vùng miền, bản địa nhằm tăng nguồn thu, phát triển kinh tế vùng; ngoài ra cần tư vấn về vấn đề sử dụng phân bón hữu cơ nhằm không ảnh hưởng vật nuôi.
(2) Về công nghệ chế biến sau thu hoạch và sử dụng drone trong bón phân: đề nghị Trường Đại học Bách Khoa tư vấn các máy sấy công nghệ để bảo quản trái cây sau thu hoạch ở quy mô nhỏ hộ gia đình, sử dụng drone đề bón phân và tư vấn về xây dựng hệ thống thông tin trong Nông nghiệp.
(3) Về đào tạo, bồi dưỡng: đề nghị Trường Đại học An Giang phối hợp với Viện Phát triển Năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM tổ chức các lớp Bồi dưỡng cho cán bộ khuyến nông, nông dân về kỹ thuật nuôi trồng và Cán bộ quản lý về xây dựng và đánh giá kế hoạch chiến lược; các nội dung về tập huấn về quy định xuất khẩu.
(4) Ngoài ra Trung tâm Phát triển Nông thôn – Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẵn sàng hỗ trợ tỉnh trong việc tư vấn hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) du lịch sinh thái.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh và Đoàn công tác của ĐHQG-HCM làm việc tại Sở.
Hai bên đã thống nhất phối hợp các hoạt động cho giai đoạn 2023-2026 như sau:
(1) Tổ chức 02 lớp về tập huấn cán bộ nông nghiệp và 03 hội thảo chuyên đề.
(2) Tập trung vào việc chuyển giao công nghệ để đáp ứng nhanh các nhu cầu của tỉnh ở quy mô hộ gia đình vừa và nhỏ.
(3) Tổ chức các đoàn cán bộ khoa học của tỉnh đến các trường, viện của ĐHQG-HCM để tham quan và trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học có khả năng chuyển giao cho sản xuất cho các doanh nghiệp của tỉnh Tây Ninh.
Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, việc triển khai hợp tác với ĐHQG-HCM sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho ngành nông nghiệp của tỉnh và hy vọng việc hợp tác giữa hai bên sẽ còn phát triển hiệu quả trong tương lai.
Ban Khoa học và Công nghệ, Ban Đối ngoại và Phát triển Dự án