Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học loại B cấp ĐHQG-HCM tại Trường Đại học An Giang
Ngày 21/7/2023, Trường Đại học An Giang tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học loại B cấp ĐHQG-HCM “Ứng dụng vi khuẩn kháng mặn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía dưới dạng chế phẩm sinh học để hỗ trợ sinh trưởng của cây lúa và giảm thiểu thiệt hại năng suất lúa trên đất nhiễm mặn”.
Đề tài do TS Lý Ngọc Thanh Xuân – Phó Trưởng Bộ phận Thí nghiệm – Thực hành, Phòng Quản trị – Thiết bị làm chủ nhiệm.
Đề tài được nghiên cứu với các mục tiêu: (1) Tìm được dòng vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía sở hữu đa chức năng, gồm cung cấp dưỡng chất (NH4+, PO43-, IAA, siderophores) và δ-aminolevulinic acid trong điều kiện đất nhiễm mặn; (2) Sản xuất chế phẩm vi sinh chứa dòng vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía sở hữu đa chức năng; (3) Đánh giá chế phẩm chứa các dòng vi khuẩn đã tuyển chọn trong việc giảm thiệt hại so với canh tác lúa không sử dụng chế phẩm trong điều kiện đất nhiễm mặn.
Kết quả, đề tài nghiên cứu đã phân lập được 130 dòng vi khuẩn PNSB từ đất phèn mặn 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre. Chủ nhiệm đề tài đã tuyển chọn vi khuẩn có khả năng kháng độc chất trong đất phèn, chịu mặn đồng thời có khả năng cố định đạm, hòa tan lân, tiết chất điều hòa sinh trưởng thực vật IAA, ALA, siderophore và EPS và chúng được định danh thuộc Luteovulum Sphaeroides; Rhodopbacter Sphaeroides và Cereibacter Sphaeroides.
Các thí nghiệm trên lúa cho thấy vi khuẩn PNSB đã tuyển chọn có khả năng thúc đẩy sinh trưởng cho cây, cải thiện năng suất, giảm độc chất, cải thiện độ phì nhiêu đất đồng thời tăng hấp thu đạm, lân nhưng hạn chế hấp thu tác nhân gây độc, tiết proline trong điều kiện bất lợi. Kết quả thí nghiệm cũng cho thấy khi sử dụng vi khuẩn mang đến hiệu quả tiết kiệm ít nhất 25% phân đạm, từ 25 đến 50% phân lân mà không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Khi kết hợp bón vi khuẩn cho thấy khả năng chịu mặn của cây lúa đến 4‰.
Đề tài đạt 88.3/100, đạt loại Tốt.
Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM