Định hướng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM năm 2023
Triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược (KHCL) khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN và ĐMST) của ĐHQG-HCM giai đoạn trung hạn 2021-2025, bao gồm 02 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, đẩy mạnh công bố quốc tế với mục tiêu tăng nhanh số công bố khoa học quốc tế trong cơ sở dữ liệu Scopus/ Web of Science;
Hai là, tăng cường sức mạnh hệ thống thông qua tập hợp các nguồn lực toàn hệ thống trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia.
Tính đến tháng 12/2022, tổng số lượng công bố khoa học trong CSDL Scopus toàn hệ thống đã đạt 1.913 bài báo, đạt 77% so với kế hoạch năm 2022 là 2.500 bài báo, trong đó có có 04 đơn vị vượt 100% kế hoạch công bố quốc tế đề ra; số công bố Quốc tế trong CSDL Scopus tăng 63% so với cùng thời điểm năm 2021 (1211 bài báo). Số lượng đơn sáng chế tại Mỹ được cấp bằng là 02 bằng sáng chế. Nhằm tiếp tục thực hiện kế hoạch chiến lược khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2023 với chủ đề “Mô hình tự chủ – Vươn tầm thế giới”, triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị, ĐHQG-HCM chủ trì thực hiện đề án “Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”. Năm 2023 tiếp tục triển khai 04 hoạt động trọng tâm sau:
1. Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Các hoạt động cụ thể:
Xây dựng chính sách hỗ trợ tối đa các đơn vị tổ chức các hội nghị/hội thảo có công bố thuộc danh mục Scopus.
Thưởng công bố quốc tế tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2022-2025.
Xây dựng quy định về hướng dẫn khung KPI và đánh giá/quy định về tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên trong năm học.
Xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ giảng dạy/nghiên cứu viên nữ tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Cập nhật tiêu chí xét duyệt đề tài cấp ĐHQG-HCM A, B, C ưu tiên chủ nhiệm là cán bộ nữ, sản phẩm công bố khoa học quốc tế trong danh mục Scopus và gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học (NCKH).
Đề xuất mô hình hợp tác 3 nhà gồm nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp. (Doanh nghiệp nắm bắt sản phẩm thị trường KH&CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đầu tư nghiên cứu đi đến sản phẩm sau cùng).
2. Tiếp tục Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh/ trung tâm xuất sắc và hợp tác quốc tế/Doanh nghiệp
Các hoạt động cụ thể:
Tiếp tục đầu tư các chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học gắn với hình thành một số Trung tâm Xuất sắc (triển khai hiệu quả mạng lưới VIAN từ dự án Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) do Đại học Indiana, Mỹ thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)).
Đề xuất các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM chủ trì tổ chức hội nghị hội thảo khoa học quốc tế tùy theo các lĩnh vực có thế mạnh của từng đơn vị, đồng thời ĐHQG-HCM hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo đặc biệt là các hội thảo có trong danh mục Scopus.
3. Tăng cường hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ
Các hoạt động cụ thể:
Xây dựng đề án thành lập Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại khu Trung tâm nghiên cứu tiên tiến (từ Dự án vay vốn World Bank): trong đó có 01 khu không gian, văn phòng trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (TT SHTT & CGCN) để các nhà Khoa học, nhóm nghiên cứu, sau đại học và Doanh nghiệp trao đổi.
Đặt hàng (Topdown) các nhóm nghiên cứu tiềm năng/mạnh đề xuất thuyết minh nghiên cứu đề tài (proposal) từ các Chương trình KH&CN quốc gia, các nội dung ký kết hợp tác với địa phương đặc biệt là TP.HCM, Bộ KH&CN, Chương trình nghiên cứu hợp tác giữa 02 ĐHQG về Khoa học Vật liệu, Chương trình nghiên cứu hợp tác doanh nghiệp đặc biệt là tập đoàn Hưng Thịnh, Lộc Trời, VNfood…
Triển khai ký kết hợp tác Bộ ngành Trung ương/Viện trường quốc tế/Doanh nghiệp/Tập đoàn lớn và khuyến khích Doanh nghiệp, Viện trường tổ chức Quốc tế đặt trang thiết bị phòng thí nghiệm hoặc Văn phòng R&D tại Khu Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến.
4. Xây dựng hệ thống thông tin quản trị management information system về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Các hoạt động cụ thể:
Hoàn thành cổng thông tin khoa học và công nghệ đưa vào hoạt động, trong đó có hướng dẫn xây dựng thuyết minh đề cương, hỗ trợ tìm các nguồn tài trợ khác nhau, để hỗ trợ nhóm nghiên cứu đăng ký đề tài, xây dựng văn hoá về liêm chính học thuật.
Hoàn thiện phần mềm quản lý đề tài, dự án từ đăng ký, xét duyệt, nghiệm thu đề tài.
Ban KH&CN (tổng hợp)