Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Hội thảo khoa học uy tín và xuất bản bài báo trên Kỷ yếu hội nghị trong danh mục Scopus tại ĐHQG-HCM
Nhằm nâng cao năng lực công bố quốc tế tại ĐHQG-HCM, việc tổ chức các Hội thảo khoa học uy tín và xuất bản bài báo trong các Kỷ yếu hội nghị trong danh mục Scopus là một giải pháp hiệu quả. Năm 2022, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM đã tổ chức thành công Hội thảo ứng dụng GIS toàn quốc (GIS2022) với chủ đề “GIS và viễn thám ứng dụng trong quản lý tài nguyên và môi trường”.
Hội thảo diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng 11 năm 2022, với sự góp mặt của hơn 300 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các học giả và sinh viên từ mọi miền đất nước. Đóng góp cho hội thảo là hơn 117 bản tóm tắt liên quan đến các ứng dụng GIS và viễn thám. Trong đó, 41 bài báo toàn văn bằng tiếng Việt được tuyển chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo ứng dụng GIS toàn quốc 2022 của NXB Khoa học và Kỹ thuật; 30 bài báo toàn văn bằng tiếng Anh được tuyển chọn và đăng trong Kỷ yếu hội nghị trong danh mục Scopus (IOP Conference Series: Earth and Environmental Science).
Hội thảo GIS 2022 đã thành công trong việc tạo cơ hội để các nhà khoa học kết nối, mở rộng hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước. Sự thành công này không thể thiếu sự hỗ trợ của Đại Học Quốc Gia TP.HCM trong tài trợ kinh phí xuất bản thông qua Đề án “Nâng cao năng lực công bố khoa học quốc tế theo Scopus tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2019-2023”, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Công ty Agridrone trong hỗ trợ kinh phí tổ chức, và cộng đồng các nhà khoa học đã tham gia bình duyệt các bài báo, cũng như các đại biểu đã đến tham dự hội thảo.
Dựa trên kinh nghiệm tổ chức Hội thảo ứng dụng GIS toàn quốc, một số thông tin liên quan đến công tác tổ chức hội thảo khoa học và quy trình xuất bản các bài báo trên kỷ yếu hội nghị Scopus được trình bày dưới đây.
1. Tổ chức hội thảo khoa học
Với một hội thảo khoa học, mục tiêu quan trọng là tạo nên không gian nhằm tăng tính kết nối và chia sẻ kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học. Do đó, yếu tố tiên quyết chi phối sự thành công của hội thảo là chất lượng và nội dung khoa học hội thảo cung cấp. Các bước chính trong công tác tổ chức hội thảo như sau:
Lập kế hoạch và đăng ký tổ chức hội nghị/ hội thảo: cần làm rõ một số nội dung như mục đích, chủ đề và lĩnh vực của hội nghị/hội thảo, thời gian và địa điểm tổ chức, quy mô tổ chức và thành phần tham dự, cơ cấu tổ chức và phân công trách nhiệm (Ban tổ chức, Ban thư ký, Hội đồng khoa học, Ban kỹ thuật, Ban tài chính,…), lộ trình chuẩn bị tổ chức, nguồn kinh phí, và các công việc khác (nếu có).
Thông báo tổ chức hội nghị/ hội thảo và kêu gọi viết bài: cần chuẩn bị website và hệ thống nộp bài báo cho hội nghị/hội thảo. Về hệ thống nộp bài báo, tùy thuộc vào Kỷ yếu hội nghị được xuất bản theo nhà xuất bản nào thì hệ thống nộp bài báo sẽ theo hệ thống đó (Ví dụ, hệ thống Morressier của NXB IOP, hệ thống EquinOCS của NXB Springer,…).
Công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị/ hội thảo: cần chuẩn bị một số công việc chính như: chuẩn bị Kỷ yếu hội nghị/ hội thảo và đơn vị xuất bản, chuẩn bị dự trù kinh phí các khoản chi cho công tác tổ chức và liên hệ xin tài trợ (nếu có), xây dựng chương trình và truyền thông, chuẩn bị các công tác hậu cần phục vụ hội nghị/ hội thảo.
Tổ chức hội nghị/ hội thảo: tiến hành hội nghị/ hội thảo theo kế hoạch.
2. Quy trình xuất bản bài báo trên Kỷ yếu hội nghị trong danh mục Scopus
Nếu việc tổ chức hội thảo tạo cơ hội để các nhà khoa học giao lưu, trình bày các kết quả nghiên cứu, mở rộng kết nối và quan hệ hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo, thì việc xuất bản các bài báo thông qua các tạp chí hoặc kỷ yếu hội nghị uy tín đóng vai trò quan trọng trong công bố các kết quả này trên bình diện rộng hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ hội thảo. Tiến hành lựa chọn nhà xuất bản uy tín, phù hợp cho hội thảo sẽ góp phần tăng hiệu quả và sự thành công cho hội thảo. Trong bài viết này, thủ tục và quy trình chính cần có để xuất bản các bài báo trên Kỷ yếu IOP Conference Series: Earth and Environmental Science bao gồm các bước sau:
Chuẩn bị thông tin hội thảo và liên hệ với Nhà xuất bản: Trước khi liên hệ đơn vị xuất bản, cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin như: Tên hội thảo (Theme), thời gian, địa điểm tổ chức, website tiếng Anh cho hội thảo, danh sách ban biên tập (Guest editors) cùng với thông tin liên hệ, số lượng bài báo dự kiến sẽ đăng, số lượng đại biểu dự kiến tham dự,… Thành viên ban biên tập nên lựa chọn một số nhà khoa học, chuyên gia trong và nước ngoài có công bố khoa học tốt. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các thông tin hội thảo, Ban tổ chức liên hệ với NXB IOP và gửi yêu cầu xuất bản theo mẫu đơn online.
Trao đổi và thương thảo hợp đồng với nhà xuất bản: Sau khi nộp yêu cầu xuất bản, khoảng 1-2 tuần nhà xuất bản sẽ có phản hồi và trao đổi về các yêu cầu xuất bản trên IOP Conference Series, bao gồm việc sử dụng hệ thống Morressier cho quy trình nộp và phản biện bài báo, thời gian BTC hoàn thành xong phản biện và nộp lại các bài bài được chấp nhận cho nhà xuất bản, chi phí xuất bản, thông tin người liên hệ. Sau khi thống nhất các yêu cầu xuất bản, hợp đồng sẽ được ký kết giữa Ban tổ chức và Nhà xuất bản.
Thông báo nộp bài và quy trình xét duyệt bài báo: Ban tổ chức sẽ thông báo và hướng dẫn nộp bài báo qua hệ thống Morressier cùng với biểu mẫu định dạng bài báo. Sau khi hết hạn nộp bài toàn văn, Ban biên tập tiến hành kiểm tra định dạng bài báo, mức độ trùng lắp của bài báo (tỷ lệ trùng lắp nên nhỏ hơn 30%), và mời phản biện (2 phản biện cho 1 bài báo). Việc nộp bài và trả kết quả phản biện đều được thực hiện trên hệ thống Morressier. Ban biên tập (Guest editors) sẽ chịu trách nhiệm chính về quy trình phản biện, chất lượng bài báo và định dạng của bài báo theo yêu cầu của Nhà xuất bản và NXB IOP chịu trách nhiệm về xuất bản các bài báo đã được Ban biên tập xét duyệt.
Xuất bản bài báo: Sau khi hoàn thành công tác xét duyệt, Ban biên tập sẽ gửi tập hợp các bài báo đạt chất lượng cho Nhà xuất bản. Ngoài ra, các thông tin khác cũng cần gửi kèm như: Lời mở đầu cho kỷ yếu (Preface); Danh sách ban biên tập (Editor board); Ban cố vấn khoa học (Scientific Committees/ List of reviewers); Quy trình phản biện bài báo (Peer Review Declaration). Sau khoảng 4 – 6 tuần, nhà xuất bản sẽ đăng Kỷ yếu trên website của Nhà xuất bản.
Tổ chức và duy trì sự thành công trong hội thảo khoa học và xuất bản kết quả nghiên cứu là việc cần thiết nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức cho các cơ quan, đơn vị, hoặc trường đại học phụ trách. Các yếu tố quyết định chất lượng tập trung vào nội dung, thời gian, nhân lực, tài chính và sự đóng góp của các bên liên quan. Hoạt động tổ chức hội thảo và quy trình xuất bản bài báo có liên quan chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau. Một hội thảo khoa học được tổ chức chu đáo với nội dung khoa học được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp, bắt kịp xu hướng nghiên cứu sẽ thu hút được nhiều khách tham dự. Nhưng một quy trình xuất bản bài báo chất lượng, đáng tin cậy sau đó sẽ góp phần duy trì và tăng hiệu quả quảng bá cho hội thảo trong thời gian sau này.
Đào Nguyên Khôi, Nguyễn Ngọc Tuyến
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM