KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Không thể vận hành đại học theo quy chuẩn của doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia giáo dục quốc tế đã khẳng định như vậy khi thảo luận về vấn đề tự chủ của đại học công tại Hội thảo Mùa hè do ĐHQG-HCM và ĐH Indiana (Hoa Kỳ) đồng tổ chức tại Khách sạn Rex vào ngày 26/7. Hơn 200 chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đã tham gia phiên mở rộng của hội nghị này.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan trình bày tham luận tại hội thảo.

Thách thức hàng đầu là tài chính

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian qua các trường đại học ở Việt Nam đã phát huy được tinh thần tự chủ, nhiều đơn vị có những bước đi hiệu quả, đạt một số thành tựu đáng khích lệ.

“Sứ mệnh của đại học là nghiên cứu và truyền bá tri thức, mang lại lợi ích cho xã hội. Để thực hiện sứ mệnh này, tài chính đại học là một trong những yêu cầu hàng đầu. Do đó, trong bối cảnh cắt giảm ngân sách công, quản trị tài chính là một vấn đề cần được thảo luận chuyên sâu” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định.

Ông Sơn bày tỏ kỳ vọng, thông qua 4 chủ đề thảo luận về vai trò của đại học công trong thế kỷ XXI; tài chính và tự chủ trong đại học, chuyển đổi số và quản trị chia sẻ, Hội nghị sẽ đưa ra những giải pháp hữu ích. Những ý kiến đóng góp này sẽ được Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ nhằm ban hành các chính sách mang tính dẫn dắt cho giáo dục đại học Việt Nam.

Trình bày tham luận Vai trò của đại học công lập trong thế kỷ XXI – PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, đã đưa ra nhiều nhận định sâu sắc về vấn đề tự chủ của các trường đại học công khi vừa phải duy trì các nhiệm vụ chính trị đặc thù vừa phải cạnh tranh với các đại học ngoài công lập cũng như đảm bảo các xu hướng giáo dục hiện đại.

Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết: “Những điều trường đại học tư chưa làm hoặc không làm sẽ là những điều mà trường đại học công thực hiện. Tại Trường ĐH KHXH&NV, chúng tôi phải duy trì các ngành khoa học xã hội cơ bản như sử học, văn học. Chúng tôi không thể tăng học phí các ngành học này lên 20 triệu/năm. Thay vào đó, chúng tôi phải cân đối ngân sách từ nguồn thu của những ngành khác. Khoa học cơ bản chính là nền tảng cho tất cả hoạt động học thuật của một đại học. Đây cũng chính là trách vụ của đại học công đối với xã hội”.

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, tại ĐHQG-HCM, việc thực hiện tự chủ đại học phải đảm bảo 6 nguyên tắc. Trước tiên, về nhiệm vụ chính trị, phải đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng – một yêu cầu đặc thù của chính trị Việt Nam; năng lực thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng của đất nước. Đồng thời, ĐHQG-HCM phải là trung tâm đào tạo, nghiên cứu KHCN đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

Về nguyên tắc vận hành, ĐHQG-HCM phải đảm bảo tính hệ thống, tính tiên phong; đa dạng nguồn ngân sách không giới hạn chỉ từ ngân sách trung ương; đảm bảo tính tự chủ cao nhất cũng như trách nhiệm giải trình.

“Tự chủ đại học hay chuyển đổi giáo dục trong thế kỷ XXI là cần thiết. Tuy nhiên, mô hình tự chủ khi vận hành trong thực tế còn nhiều điều gây băn khoăn. Chẳng hạn về tự chủ học thuật, ĐHQG-HCM đang thực hiện nâng cấp Tạp chí Khoa học và Công nghệ đạt chuẩn theo các tạp chí uy tín quốc tế. Tuy nhiên Tổng Biên tập của Tạp chí này phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ TT&TT như phải có bằng cao cấp lý luận chính trị. Liệu ta có thể mời một học giả nước ngoài tham gia vị trí này?” – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV đặt vấn đề.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan còn nêu nhiều thách thức trong việc thực hiện tự chủ ở ĐHQG-HCM như tự chủ về quản trị.  Đó là tự chủ về việc xét, công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; Quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ giữa Hội đồng đại học ĐHQG-HCM, Giám đốc ĐHQG-HCM, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM; giữa Hội đồng trường/viện thành viên và hiệu trưởng/thủ trưởng các đơn vị thành viên, ban giám hiệu; Vai trò của Hội đồng trường trong việc thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình…

Thảo luận vấn đề này, TS Lauren Robel – Hiệu trưởng Danh dự ĐH Indiana, cho rằng dù ở đâu chúng ta cũng gặp vấn đề tương tự nhau như chính phủ cắt giảm ngân sách đầu tư, hạn chế về nguồn lực nghiên cứu khoa học.

TS Lauren cũng lưu ý, hai vấn đề lớn nhất của giáo dục đại học trong thế kỷ XXI là lực lượng lao động cần kiến thức và kỹ năng cao cấp hơn để đáp ứng sự phát triển của nhân loại. Điều này dẫn đến các đại học phải hoạt động tích cực hơn trong đào tạo lẫn nghiên cứu. Mặt khác, các đại học phải đảm bảo cơ hội giáo dục cho mọi đối tượng, tầng lớp trong xã hội.

Do đó, đối với các đại học công, thách thức hàng đầu là tài chính đại học. Họ vừa phải chịu sức ép của vấn đề thương mại hóa lẫn sứ mệnh bảo vệ tính toàn vẹn của các giá trị đại học mà họ cam kết với xã hội, nhất là sự liêm chính của tri thức.

“Các đại học không phải là doanh nghiệp. Chúng ta không thể vận hành các trường đại học theo quy chuẩn của doanh nghiệp. Chúng ta không thể ngừng dạy môn lịch sử vì môn học này không hứa hẹn kiếm nhiều tiền cho người học và cũng không thể thu học phí cao như cô Lan đã nói ở trên. Các trường đại học phải cung cấp hàng hóa công cho xã hội” – Hiệu trưởng Danh dự ĐH Indiana nhấn mạnh.

Không có lý thuyết chung cho quản trị tài chính

ThS Venkataramanan chia sẻ về vấn đề quản trị tài chính với các đại biểu.

Phân tích về “Tài chính và Tự chủ ở trường đại học”, ThS Venkataramanan – Phụ trách các vấn đề tài chính của ĐH Indiana, bắt đầu bằng nhận định: “Tiền không thể mua được hạnh phúc nhưng đó lại là yếu tố tối cần thiết cho sự thành công của trường đại học độc lập”.

ThS Venkat nói tiếp: “Chúng ta sẽ không vận hành đại học như doanh nghiệp. Nhưng vấn đề là khi có tiền, chúng ta sẽ làm gì với nó?”. Ông cho rằng cần phải xác định rõ hệ thống tài chính là yếu tố hỗ trợ năng suất và sự hài lòng của giảng viên, sinh viên và nhân viên. Nó phục vụ cho các chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Đồng thời tiếp sức cho thành công của sinh viên thông qua hỗ trợ tài chính, hướng dẫn, dịch vụ phụ trợ, cơ hội từ phát triển nghề nghiệp…

Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tài chính của ĐH Indiana, ThS Venkat cho biết ông tham gia công tác tại đại học này từ năm 1987. Trong giai đoạn đầu, 75% ngân sách hoạt động của trường đều từ nguồn tài trợ của chính quyền bang do đây là đại học trọng điểm của bang Indiana. Nguồn ngân sách này được phục vụ cho việc thúc đẩy các hoạt động giáo dục sinh viên, bồi dưỡng sự vượt trội trong công tác nghiên cứu và tạo điều kiện tiếp cận để hỗ trợ các nhu cầu của bang và chính quyền liên bang. Các khoản trợ cấp khác cho trường chiếm 10% tổng ngân sách. Nguồn thu học phí là 10% và các nguồn thu từ từ thiện, phụ trợ, phí dịch vụ là 5%.

“Chính quyền bang luôn có xu hướng cắt giảm nguồn tài trợ cho các đại học và khuyến khích các trường tự tìm những nguồn thu khác. Trong những năm gần đây, chính quyền bang Indiana chỉ tài trợ không hoàn lại khoảng 25% chi tiêu ngân sách cho trường. Vấn đề đặt ra là chúng ta luôn khát tiền nhưng các nhà tài trợ muốn ta phải tự kiểm soát điều này” – ThS Venkat nói.

Để giải quyết bài toán này, ThS Venkat cho biết ĐH Indiana đã tìm kiếm nguồn thu chủ yếu từ học phí của sinh viên. Trường đã tăng học phí đối với các sinh viên ngoài bang theo học tại đây. Đồng thời, ông cho rằng đào tạo cao học là một phân khúc có thể đa dạng hóa nguồn thu. Hiện nay thu học phí từ các chương trình đào tạo cao học online của ĐH Indiana là hơn 100 triệu USD. Đại học này còn có nhiều dự án nghiên cứu đột phá mang lại nguồn thu ổn định.

Điều này giúp cho ĐH Indiana tăng nguồn thu từ 2 tỷ USD năm 2020 lên 4 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, nguồn thu học phí đóng góp gần 60% tổng ngân sách của trường. Nguồn tài trợ của chính phủ và các tổ chức liên bang chiếm khoảng 15% ngân sách, tài trợ thiện nguyện là 5% và phần còn lại đến từ các quỹ tài trợ. Hằng năm, chính quyền liên bang còn tài trợ qua các dự án nghiên cứu khoảng 200 triệu USD.

“Có người nói rằng việc tăng học phí sẽ tước đoạt cơ hội học tập của nhiều học sinh. Tôi không cho rằng như vậy. Tại ĐH Indiana, chúng tôi chỉ tăng học phí đối với những sinh viên có khả năng chi trả và huy động từ nhiều nguồn khác nhau để cấp học bổng cho những em khác để có cơ hội tiếp cận chương trình giáo dục bậc cao. Chương trình học bổng Hope của chúng tôi là một ví dụ. 65% ngân sách được chúng tôi trả lương của cán bộ, nhân viên và giảng viên của trường. Đây là nguồn chi ngân sách lớn nhất của chúng tôi” – ThS Venkat lý giải.

Nêu giải pháp về cách xây dựng mô hình quản trị tài chính phù hợp, chuyên gia tài chính của ĐH Indiana cho biết, trường đại học này đã thay đổi nhiều mô hình từ quản lý ngân sách tập trung, phi tập trung và cuối cùng là kết hợp cả hai.

Ông nói, mỗi mô hình đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng. Dù theo mô hình nào, các trường đều có thể đảm bảo điều kiện để thực hiện tự chủ. Đối với mô hình ngân sách tập trung, nguồn lực sẽ có sẵn cho việc đầu tư tập trung, lãnh đạo cấp cao có thể điều hướng tầm nhìn tổ chức một cách bao quát. Tuy nhiên, các trường sẽ đối mặt với việc thiếu động lực thúc đẩy gia tăng doanh thu hoặc kiểm soát chi phí, và sẽ khó duy trì trong giai đoạn chậm phát triển. Mô hình này sẽ phụ thuộc vào tầm nhìn và năng lực của người lãnh đạo.

Trái lại, mô hình phi tập trung sẽ tạo ra trách nhiệm quản lý tài chính ở từng đơn vị, ngân sách được phân bổ cho những khu vực tăng trưởng cao. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư chiến lược chung bị hạn chế. Các hoạch định tài chính sẽ bị chi phối bởi hiệu suất hoạt động của các trường thành viên qua các năm và xu hướng thị trường thay vì dựa trên ưu tiên của tổ chức.

“Các nhà quản lý cần cân nhắc để xác định mục tiêu nào của tổ chức có thể đạt được thông qua khuyến khích phi tập trung hay đầu tư tập trung và giám sát. Không một lý thuyết nào có thể vạch ra cách tạo lập nguồn quỹ tài chính cho đại học. Tại Hoa Kỳ, các đại học tư nhân và đại học công đều có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận ngân sách đầu tư của chính phủ. Do đó, đôi khi các đại học này thường hợp tác để vận động những chính sách tài chính phù hợp nhất cho cả hai” – ThS Venkat bình luận.

Hội thảo Mùa hè phiên mở rộng được tổ chức thành hai phần. Phần đầu, các chuyên gia sẽ thảo luận về vai trò của đại học công trong thế kỷ XXI, tài chính và tự chủ của các đại học. Phần hai diễn ra trong chiều cùng ngày với các trao đổi về chuyển đổi số và quản trị chia sẻ tại các đại học Việt Nam.

PHIÊN AN – LÊ HOÀI

Scroll to Top