ĐHQG-HCM đề xuất nhiều giải pháp để TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù
Cần phải thay đổi các chính sách về thu hút nhân tài, hỗ trợ người lao động nhập cư, khai thác và sử dụng tài sản công để tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển TP.HCM trong giai đoạn mới. Đó là những đề xuất mà PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM đã nêu ra tại tọa đàm “Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14”.
Tọa đàm do ĐHQG-HCM tổ chức chiều 13/7, tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Ông Lê Trương Hải Hiếu – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM, và ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, đã đến dự.
Thu hút nhân tài: Chỉ giải quyết phần ngọn?
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, cơ chế đặc thù được đặt ra trong bối cảnh tốc độ hoàn thiện thể chế về xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các bộ luật, các quy định còn chậm hơn yêu cầu phát triển thực tiễn của TP.HCM. Các yêu cầu này cũng xét đến bối cảnh địa chính trị, dịch bệnh, công nghệ số đang ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, cơ chế đặc thù này sẽ là hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để giải phóng tất cả nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP.HCM.
Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng có 4 vấn đề liên quan cơ chế đặc thù của TP.HCM mà Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 do Quốc hội ban hành trước đó cần được xem xét thấu đáo. Đó là cơ chế chính sách thu hút nhân tài, đặt hàng đào tạo nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù cho lao động nhập cư và khai thác, sử dụng tài sản công.
Bàn về cơ chế chính sách thu hút nhân tài, PGS.TS Vũ Hải Quân đánh giá hiện nay chính sách này của TP.HCM chưa được như mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, và khoa học – công nghệ. Cụ thể, trong 5 năm thí điểm chính sách này, có 14/19 nhà khoa học làm việc tại TP.HCM đã rời đi, và 3 năm qua các đơn vị chưa tuyển được chuyên gia nào. Riêng lĩnh vực y tế, gần đây có hiện tượng một số chuyên gia giỏi chuyển sang khu vực tư và có thể làm giảm cơ hội tiếp cận y tế của một bộ phận gia đình có thu nhập thấp, nhất là đối với lao động nhập cư.
“Vấn đề đặt ra là cơ chế chính sách thu hút người tài như hiện nay đã đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả chưa? Việc trả lương cao so với mặt bằng chung để thu hút người tài có phải là cách giải quyết vấn đề từ gốc hay mới chỉ là phần ngọn? Người tài, chuyên gia có học hàm giáo sư, phó giáo sư được hưởng lương bậc 2 (hệ số 9,4), mỗi tháng nhận 14 triệu đồng. Các trường hợp còn lại nhận hơn 13 triệu đồng mỗi tháng có thực sự thu hút được không? Nhìn qua Singapore, có vẻ như họ làm từ gốc – thu hút và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi từ Việt Nam qua học, khi tốt nghiệp những người này phải có nghĩa vụ làm việc cho Singapore” – Ông Quân phân tích.
Vẫn còn theo cơ chế bao cấp
Nói về cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực, PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định TP.HCM đang tái cấu trúc nền kinh tế theo định hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số và cần nguồn nhân lực chất lượng cao. TP.HCM cũng đang tích cực tiến hành cải cách hành chính, dịch vụ công theo hướng của một thành phố thông minh.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Quân cho rằng phải cần đến đội ngũ cán bộ được đào tạo ngang tầm nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế để TP.HCM đặt hàng trực tiếp các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ các chiến lược phát triển của Thành phố.
Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh: “Chúng ta đã có kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng lại chưa có giáo dục định hướng thị trường. Theo đó, Thành phố đóng góp ngân sách về Trung ương và Trung ương điều tiết lại ngân sách cho các đại học. Đây còn là cách làm theo cơ chế bao cấp, theo mô hình kinh tế kế hoạch từ trước khi Đổi mới”.
Dẫn chứng từ nền giáo dục Trung Quốc, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, trong khi một số trường đại học trực thuộc các bộ, ngành tọa lạc tại TP.HCM chịu sự quản lý và điều phối của các bộ ngành này, Trung Quốc đã tiến hành tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học chỉ còn 2 cấp Bộ GD&ĐT và địa phương. Các trường đại học tọa lạc tại địa phương sẽ nhận một phần ngân sách của trung ương và địa phương để thực hiện chiến lược phát triển địa phương.
Về cơ chế chính sách đặc thù cho lao động nhập cư, ông Quân nhận định đây là lực lượng lao động đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM. Theo đó, cần giải quyết tốt vấn đề nhà ở, trường học, y tế cho người lao động nhập cư, đôi khi vượt khỏi các quy định hiện hành, chẳng hạn cách tính biên chế, hệ thống trường học, bệnh viện.
Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, vấn đề cuối cùng để thực hiện cơ chế đặc thù cho Thành phố là việc khai thác, sử dụng tài sản công. Và thực tiễn này có thể nhìn thấy từ ĐHQG-HCM.
Ông phân tích: “ĐHQG-HCM là đơn vị sự nghiệp công lập, đang thực hiện tự chủ đại học, do vậy ngân sách chi thường xuyên càng ngày giảm. ĐHQG-HCM có quỹ đất trong cả nội thành (3 trường thành viên) và ngoại thành. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế cho phép đồng khai thác, sử dụng đất đai, tài sản công chưa rõ ràng nên chưa tiến hành được. Việc khai thác hiệu quả dịch vụ, tài sản công sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn thu của ĐHQG-HCM và TP.HCM”.
Tọa đàm còn lắng nghe các tham luận “Những vấn đề đặt ra trong việc đánh giá Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM” của GS.TS Nguyễn Thị Cành – Trường ĐH Kinh tế – Luật và “Đề xuất các nhóm chính sách cho một nghị quyết mới phát triển bền vững TP.HCM – Nhìn từ kinh nghiệm các mô hình ‘khu kinh tế đặc biệt’ trên thế giới” của TS Trương Minh Huy Vũ – Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM.
Lãnh đạo các trường thành viên, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của ĐHQG-HCM đã có nhiều thảo luận sôi nổi về cơ chế đặc thù của TP.HCM tại tọa đàm. PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, các kiến nghị này sẽ được ĐHQG-HCM tổng hợp để góp phần giúp TP.HCM đề xuất với Quốc hội, Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện cơ chế đặc thù của Thành phố.
Bài, ảnh: LÊ HOÀI