TS Vũ Thị Mai Oanh: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển tiềm lực KH, CN trong nền kinh tế số”
Chiều 3/6, tại Hội trường Trần Chí Đáo, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Chính sách, Kinh tế, Xã hội”. TS Vũ Thị Mai Oanh – Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, đã có những phát biểu thiết thực nhằm phát triển tiềm lực KH, CN nước nhà.
TS Mai Oanh cho biết, để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra, Chính phủ đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm tạo điều kiện để phát triển KH&CN. Nếu 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KH, CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70 – 80% tổng vốn đầu tư), thì nay đầu tư từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng, với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.
Tuy nhiên, theo TS Oanh, Việt Nam hiện vẫn tồn đọng nhiều điểm nghẽn về các thủ tục pháp lý, công nghệ còn lạc hậu, sức ỳ của nếp nghĩ truyền thống gây cản trở không ít đến quá trình tăng trưởng của KH&CN. Còn rất nhiều doanh nghiệp chần chừ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và quản trị doanh nghiệp, có 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp là nhập khẩu và gần 80% trong số đó là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
TS Oanh nhấn mạnh: “Điểm đột phá nhất hiện nay là cần xây dựng hệ thống luật pháp trên cơ sở tiếp cận liên ngành, toàn diện, bao trùm chứ không theo từng lĩnh vực như trước đây nữa”. Hoàn thiện thể chế được xem là giải pháp ưu tiên để phát triển KH&CN. Tuy nhiên, cũng cần triệt để đổi mới tư duy trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cho các hoạt động phát triển KH, CN.
“Hệ thống pháp luật của chúng ta cần phải góp phần thúc đẩy các startup ra đời và sống được để tạo điểm nhấn cho sự phát triển. Một startup có thể là cá nhân, tổ chức đơn vị, tập thể nhóm, là những người đưa ra ý tưởng, thực hiện hay giải mã các quy trình sản xuất, quy trình công nghệ. Người ta không biết phải sử dụng nền tảng số nào để vận hành công ty của mình. Cho nên cần có những đơn vị hỗ trợ như các cơ quan, trường học, các thầy cô và nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm, cung cấp nhân lực cho hoạt động sáng tạo.” – TS Oanh giải thích thêm.
Tin, ảnh: HOÀNG HUY – XUÂN AN