KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Con đường phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long *

Tại tọa đàm “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp ĐHQG-HCM tổ chức trực tuyến, GS.TS Lê Thanh Hải – Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM đã trình bày báo cáo “Các giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Website ĐHQG-HCM xin trân trọng giới thiệu và lược trích nội dung báo cáo với những phân tích sâu sắc về các vấn đề tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu cũng như giải pháp phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long trong tầm nhìn bao quát và dài hạn.

GS.TS Lê Thanh Hải trình bày báo cáo tại tọa đàm.

4 thách thức phát triển bền vững

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Áp lực từ việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội kéo theo hàng loạt những thách thức từ chính nội tại vùng ĐBSCL như gia tăng xâm nhập mặn vào sâu, ngập lụt, khai thác nước quá mức… đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Do đó, 4 nhóm các vấn đề chính cần đặc biệt quan tâm liên quan đến bảo vệ tài nguyên môi trường (TNMT) và ứng phó BĐKH trong thời gian tới ở vùng ĐBSCL, gồm: (1) Thay đổi dòng chảy lũ thượng lưu, gây khô hạn, xâm nhập mặn, và ngập vùng ven biển do nước biển dâng; (2) Xói lở, sụt lún bờ sông và bờ biển; (3) Bảo vệ hệ sinh thái trên cạn và dưới nước do khai thác quá mức, cháy rừng và (4) Ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, thoái hóa – ô nhiễm môi trường đất và quản lý chất thải.

Trước tiên, về thay đổi dòng chảy. BĐKH là một trong những nguyên nhân chính, cùng với việc xây dựng và vận hành đập ở thượng lưu (Trung Quốc, Thái Lan, Lào…), tệ nạn phá rừng, đô thị hóa và sử dụng nước gia tăng ở khu vực hạ lưu… đã làm thay đổi đặc trưng dòng chảy, giảm tổng lượng nước mùa mưa lũ, đe dọa nguồn nước sử dụng đa mục tiêu của toàn vùng ĐBSCL. Từ đó khiến cho dòng chảy sụt giảm, làm xâm nhập mặn vào sâu thêm trên các sông Tiền và sông Hậu; giảm tổng lượng phù sa bùn cát; chất dinh dưỡng; sản lượng đánh bắt thuỷ sản và tác động xấu tới đa dạng sinh học….

Trong khi đó, dưới tác động của BĐKH, xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt ở ĐBSCL đặc biệt là các tỉnh vùng ven biển. Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xâm nhập mặn do lưu lượng  về  hạ  lưu  giảm, tạo  điều  kiện  cho nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Đồng thời tác động của triều cường theo chu kỳ của BĐKH làm nước biển dâng, dẫn đến xâm nhập mặn tăng cao. Ngoài ra, do địa hình thấp, bằng phẳng và ảnh hưởng triều cao vào các tháng trong mùa khô với lưu lượng các sông thấp xâm nhập mặn vào sâu trong cửa sông và vào các kênh rạch nội địa ĐBSCL.

Xâm nhập mặn càng tăng cao và vào sâu trong đât liền, ảnh hưởng lớn đến đời sống, canh tác nông nghiệp… Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 3/2020, gần 39.000 ha lúa có khả năng mất trắng, trên 20.000 ha cây ăn trái bị thiếu nước, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đặt trong tình trạng báo động cháy.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng mặn 4 g/l vùng ĐBSCL trong các năm điển hình (A), sự thay đổi độ sâu lòng sông (B) và diễn biến mặn ngày càng tăng ở một số trạm ở hạ lưu (C). Nguồn: Bộ TN&MT

Về xói lở bờ sông và biển. Nguyên nhan dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi mạnh mẽ về lưu lượng dòng chảy và giảm hàm lượng trầm tích trong sông; Sự cạn kiệt trầm tích dẫn đến đói trầm tích ở khu vực hạ lưu, gây xói mòn do đặc tính động của dòng chảy và việc xây dựng ngày càng nhiều đê kè, các hồ thủy điện thượng nguồn khiến tải lượng trầm tích của sông đã giảm đáng kể ở khu vực hạ lưu.

Theo đánh giá của một số số nguồn liệu gần đây, lượng trầm tích đến ĐBSCL có thể giảm 56 – 64% so với trung bình tự nhiên; Số điểm xói lở gia tăng dọc theo chiều dài một số con sông trong khu vực, trong đó có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm.

Về tài nguyên nước, chất lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu có dấu hiệu biến đổi xấu đi do phát triển thuỷ sản và các nguồn thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp… Nguồn tài nguyên nước ngầm khai thác và sử dụng chưa được kiểm soát, nguồn nước ngầm nhiều nơi bị sụt giảm, hiện tượng nước ngầm bị nhiễm phèn nhiễm mặn trong khai thác vẫn còn phổ biến… Hiện nay, ở ĐBSCL còn khoảng 20-30% số hộ gia đình chưa có nước sạch để sử dụng trong đời sống và sinh hoạt, nhiều nơi nhân dân thiếu nước nghiêm trọng.

Các số liệu gần đây cho thấy lượng nước thải sinh hoạt trong toàn vùng ước tính gần 1,447 triệu m3/ngày, và đây là nguồn thải với tỷ lệ được xử lý còn thấp đã phát sinh ô nhiễm môi trường cho các nguồn tiếp nhận. Hiện nay, tại vùng ĐBSCL chỉ có 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung quy mô lớn: 1 nhà máy ở TP. Cần Thơ công suất 30.000 m3/ngày hoạt động từ cuối 2018; 2 nhà máy ở TP Long Xuyên với tổng công suất 30.000 m3/ngày hoạt động từ 10/2019; 1 nhà máy ở TP. Trà Vinh với công suất 18.000 m3/ngày và 4 số trạm xử lý quy mô nhỏ. Còn đối với nước thải từ sinh hoạt và các hoạt động sinh kế (nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, nghề thủ công…) của người dân khu vực nông thôn vẫn chưa được thu gom và xử lý tốt mà được xả thẳng ra môi trường. Nước thải sản xuất công nghiệp của vùng năm 2020 ước tính khoảng 239.720 m3/ngày.

Tuy nhiên việc đầu tư các hệ thống xử lý đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong công nghiệp. Nước thải y tế phát sinh khoảng 25.967 m3/ngày với tỷ lệ được xử lý theo quy định là khoảng 97,3% (không bao gồm các bệnh viện thuộc các bộ, ngành, trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế tư nhân và trạm y tế xã).

Sự phát triển hoạt động nuôi trồng thủy sản mạnh mẽ lại kéo theo các tác động môi trường diễn ra ở quy mô ngày càng lớn và hết sức đa dạng, đang trở thành vấn đề bức xúc, cần được tập trung giải quyết.

Bên cạnh đó, chất lượng không khí của một số tỉnh/thành vùng ĐBSCL đã bắt đầu chạm và vượt ngưỡng theo QCVN. Mô hình TAPM-CALPUFF của IER tính toán tổng hợp ô nhiễm không khí từ 22 nhà máy nhiệt điện (theo quy hoạch điện VII) cho thấy, vào năm 2030 ô nhiễm không khí từ 22 nhà máy này sẽ làm cho ô nhiễm không khí SO2 vượt QCVN 5/2013, chưa tính đến các nguồn khác của vùng ĐBSCL.

Có thể thấy, tài nguyên môi trường sẽ biến đổi và bị đe dọa ngày càng lớn do phát triển KT- XH và BĐKH nếu chúng ta không có những giải pháp bảo vệ và ứng phó kịp thời.

Giải pháp cho ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Sơ đồ các vị trí có nguy cơ xói lở đặc biệt nguy hiểm (bên trái). Nguồn: E. Park, Sci. Total Environ., vol. 723. Đoạn Quốc lộ 91 qua địa bàn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang bị xói lở từ ngày 1/8 hiện đang có dấu hiệu xói lở tiếp, nguy cơ sập hoàn toàn (bên phải). Ảnh: TTXVN

Trước tiên về khô hạn, xâm nhập mặn và ngập vùng ven biển. Các giải pháp thay đổi dòng chảy lũ thượng lưu và khô hạn cần tập trung quản lý biến động chế độ thủy văn trong lưu vực. Hoàn thiện hệ thống quan trắc và thực hiện tốt công tác quan trắc lưu lượng nước. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các quốc gia thượng lưu và các tổ chức quốc tế trong xem xét đánh giá ĐTM đối với các dự án làm thay đổi dòng chảy sông Mekong. Kiên trì đấu tranh các hành vi gây suy giảm nguồn nước. Yêu cầu các quốc gia thượng lưu không xây dựng các dự án thủy điện, hồ chứa trên dòng chính Mekong. Nếu không kiểm soát được các hoạt động ở thượng nguồn thì ĐBSCL không thể chủ động quản lý tài nguyên nước và ứng phó các diễn biến phức tạp;

Chủ động các giải pháp ứng phó BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn, suy giảm dòng chảy kiệt thượng lưu; đề xuất giải pháp phòng chống xói lở, bồi lắng và bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp ứng phó với BĐKH phải có tính hệ thống, đồng bộ, liên ngành, liên vùng, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn và các quy định quốc tế.

Giảm nhanh nhu cầu sử dụng nước ngọt để thích ứng với việc giảm lưu lượng từ thượng nguồn: đối với vùng ven biển nên thuận theo tự nhiên: cần giảm diện tích lúa giúp giảm đáng kề nhu cầu nước ngọt. Phát triển thủy sản nước lợ – mặn đề thích ứng việc suy giảm nước ngọt. Ngoài ra, phát triển hình thành một số khu vực trữ nước ngọt vào mùa lũ để cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô hạn;

Cải tạo, nâng cấp đê, cửa cống và trạm bơm để giữ lũ cũng như lấy nước trong những năm lũ về muộn hoặc khi dòng chảy mùa khô cực thấp;

Giảm thiểu tác động do khô hạn. Về chiến lược cần thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành kinh tế, cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khô hạn ngày càng tăng; lập, rà soát quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng theo quy định của Luật Quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định rõ cơ cấu nguồn vốn, dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có các các dự án tích, trữ nước ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn.

Các giải pháp kiểm soát, thích ứng xâm nhập mặn, gồm: Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong Ủy hội sông Mekong và Trung Quốc để cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc phát triển và thịnh vượng chung của cả khu vực theo Hiệp định Mekong;

Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông dọc theo Biển Đông và Biển Tây để ứng phó với mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên để đảm bảo hệ sinh thái rừng ngập mặn ngoài đê phát triển tốt: cần lập và vận hành hệ thống cống lưu thông nước giữa biển và nội đồng, đảm bảo 3 yếu tố: cân bằng nước, cân bằng cơ chất (phù sa) và cân bằng dinh dưỡng;

Xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung, ưu tiên cho các tỉnh vùng nhiễm mặn; kéo dài tuyến ống cấp nước cho các hộ dân khu vực lân cận;

Tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép nhằm tăng cường tích trữ nước vào nội đồng;

Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kết nối với cơ sở dữ liệu liên ngành và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý và vận hành hệ thống thủy; đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; nâng cao năng lực dự báo xâm nhập mặn;

Bộ TN&MT chỉ đạo theo dõi, dự báo diễn biến nguồn nước thượng nguồn về ĐBSCL, xâm nhập mặn để chủ động thực hiện các biện ứng phó; tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo.

Tình hình xói lở bờ sông TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2020. Nguồn: Viện Môi trường Tài nguyên

Tiếp đến, về sói lở, sụt lún bờ sông và bờ biển. Cần nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh bảo và dự báo về tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, xói lở và sụt lún; Thắt chặt việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở; Từng bước tìm kiếm và bước đầu áp dụng các công nghệ tiên tiến và phù hợp với thực tiễn trong phòng chống xói lở bờ sông và bờ biển nói riêng, và phòng chống thiên tai nói chung.

Về bảo vệ hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, cần hạn chế khai thác, chặt phá và chuyển đổi rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ, hoặc bị suy thoái nặng nề;

Xây dựng quy hoạch hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, và từng bước ứng dụng các giải pháp KHCN tiên tiến trong bảo tồn tài nguyên ở các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên này phục vụ cho các mục tiêu dân sinh và kinh tế xả hội khác (y dược học, du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…);

Tiếp tục phát triển rừng tràm ở một số địa phương như Cà Mau – Kiên Giang và phát triển rừng ở vùng thượng ĐBSCL.

Các giải pháp này nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, phải ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học; nâng cao năng lực, từng bước chủ động ứng phó với BĐKH; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, cacbon thấp, hướng tới từng bước đạt các mục tiêu về phát triển bền vững chung của toàn vùng đến các thời điểm trước và sau năm 2050.

GS.TS Lê Thanh Hải

Scroll to Top