KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM công bố nhiều bài báo khoa học quốc tế

Phần lớn các sinh viên là tác giả chính, giảng viên chỉ hướng dẫn trong quá trình nghiên cứu và công bố bài báo khoa học. Các bài báo này được đăng tải trên các tạp chí, hội nghị khoa học quốc tế tại Nhật, Mexico…

Đó là Bùi Cao Doanh – sở hữu 3 báo báo nghiên cứu khoa học khi chỉ mới là sinh viên năm 2 ngành khoa học máy tính tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin. Trong đó, 2 bài báo nghiên cứu khoa học tại Hội thảo Quốc gia “Một số vấn đề chọn lọc của Công nghệ thông tin và Truyền thông” lần thứ XXIII: “Một phương pháp học sâu phát hiện cảm xúc gương mặt”, “Phát hiện phương tiện giao thông tại các trung tâm thành phố lớn với phương pháp YOLO v4” và 1 bài báo tại Hội nghị quốc tế Reseach, Innovation and Vision for the future – RIVF, 2021: “Deep Learning Approach for Vietnamese Receipts OCR”.

Nói về quá trình nghiên cứu của mình, Doanh cho biết em nhận ra đam mê với nghiên cứu khoa học khi được học môn Nhập môn lập trình của thầy Võ Duy Nguyên. Sau khi được thầy gợi ý, Doanh bắt đầu tìm tòi giải bài toán nhận diện cảm xúc gương mặt.

“Em đã thử nhiều lần và thất bại. Đến khi có kết quả cuối cùng phù hợp, thầy nhận xét có thể viết bài báo để nộp Hội nghị khoa học. Sau đó em bắt tay vào thực hiện và 4 tháng sau khi nộp, bài báo được đăng tại Hội nghị khoa học trong nước. Đây là bài báo đầu tiên của em được đăng, cảm xúc không nói thành lời” – Bùi Cao Doanh bộc bạch.

Tháng 8/2021, bài báo “Sentence Extraction-Based Machine Reading Comprehension for Vietnamese” (Đọc hiểu tự động dựa trên trích xuất cấp độ câu trong văn bản tiếng Việt) của nhóm tác giả Đỗ Nguyễn Thuận Phong và Nguyễn Duy Nhật – sinh viên năm 3 khoa Khoa học máy tính –  sẽ được công bố trong hội nghị quốc tế lần thứ 14 Knowledge Science, Engineering and Management (KSEM 2021) tại Tokyo, Nhật Bản.

Chia sẻ về nội dung bài báo, Đỗ Nguyễn Thuận Phong cho hay trong bài báo, nhóm nghiên cứu đã tạo ra bộ dữ liệu UIT-ViWikiQA từ việc chuyển đổi bộ dữ liệu UIT-ViQuAD bằng thuật toán do nhóm phát triển. Đây là bộ dữ liệu trích xuất câu dựa trên đọc hiểu tự động thay vì truy xuất ra cụm. Việc truy xuất câu cũng sẽ giúp cho người đọc nhận được một thông tin nhiều hơn và thuận tiện sử dụng làm đầu vào cho các bài toán sau đó.

Hai sinh viên năm 3 ngành công nghệ thông tin, gồm Nguyễn Thị Hồng Nhung và Hà Phan Diệu Phương, cũng vừa nhận tin bài báo khoa học của nhóm đã được chấp nhận đăng tải tại hội nghị quốc tế lần thứ 20 Intelligent Software Methodologies, Tools and Techniques (SOMET 2021) được tổ chức tại Cancun, Quintana Roo, Mexico vào tháng 9/2021.

Sinh viên Nguyễn Thị Hồng Nhung chi biết: “Bài báo ‘Vietnamese Open-domain Complaint Detection in E-Commerce Websites’ (Tự động phát hiện các phàn nàn bằng tiếng Việt trên các trang web thương mại điện tử) của nhóm nhằm xây dựng bộ dữ liệu phàn nàn tiếng Việt phục vụ cho bài toán nhận diện phàn nàn. Bộ dữ liệu đã xây dựng (UIT-ViOCD) bao gồm 5.485 đánh giá đã được gán nhãn, trên bốn lĩnh vực được thu thập từ trang thương mại điện tử”.

Tương tự, bài báo khoa học “SA2SL: From Adpect-Based Sentiment Analysis to Social Listening System for Business Intelligence” (SA2SL: Từ phân tích cảm xúc dựa trên khía cạnh đến hệ thống lắng nghe xã hội cho kinh doanh thông minh) của nhóm sinh viên năm 3 ngành khoa học dữ liệu, gồm Phan Lực Lượng, Phạm Huỳnh Phúc, Nguyễn Thị Thanh Kim, Nguyễn Thị Thắm và Huỳnh Khải Siếu cũng đã được chấp nhận đăng tại KSEM 2021.

Theo TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, KSEM 2021 là hội nghị khoa học quốc tế về khoa học, kỹ thuật và quản lý tri thức được tổ chức lần thứ 14, thu hút nhiều báo cáo nghiên cứu có chất lượng từ khắp nơi trên thế giới. Còn hội nghị khoa học SOMET 2021 là diễn đàn của những ý tưởng, giải pháp thúc đẩy các hướng đi mới trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Những bài báo khoa học trên đều có tác giả chính là sinh viên, được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các giảng viên của trường.

PHAN ANH

Scroll to Top