KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Giám đốc ĐHQG-HCM gửi thư chúc mừng TS Đoàn Lê Hoàng Tân

Ngày 31/3, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã trao thư chúc mừng của Giám đốc ĐHQG-HCM cho TS Đoàn Lê Hoàng Tân – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử ĐHQG-HCM (INOMAR) nhân dịp TS Tân đạt giải thưởng Quả cầu vàng và được vinh danh là một trong mười Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm trao thư chúc mừng TS Đoàn Lê Hoàng Tân.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm thay mặt lãnh đạo ĐHQG-HCM gửi lời chúc mừng và ghi nhận những thành quả đáng tự hào của TS Tân cùng trung tâm INOMAR. Phó Giám đốc ĐHQG-HCM hy vọng, TS Tân sẽ tiếp tục có những cống hiến, đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học cho trung tâm và ĐHQG-HCM.

“Từ tấm gương của TS Tân, hy vọng rằng ĐHQG-HCM sẽ có thêm nhiều nhà khoa học trẻ điển hình, cống hiến, không ngừng vượt khó, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho nghiên cứu khoa học, sự nghiệp xây dựng và phát triển của ĐHQG-HCM” – PGS.TS Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

TS Đoàn Lê Hoàng Tân gửi lời cảm ơn đến ĐHQG-HCM, trung tâm INOMAR cùng các đồng nghiệp đã tạo điều kiện trong nghiên cứu và làm việc. TS Tân mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm và đồng hành hơn nữa từ ĐHQG-HCM, trung tâm INOMAR cùng các đối tác và đồng nghiệp để nhóm có thể phát huy hết khả năng trong thời gian tới.

TS Đoàn Lê Hoàng Tân được vinh danh ở lĩnh vực nghiên cứu – sáng tạo vì có những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu với hơn 30 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí và kỷ yếu quốc tế, 3 chương sách chuyên khảo xuất bản ở nước ngoài; chủ nhiệm một đề tài cấp Nhà nước, một đề tài trọng điểm cấp ĐHQG-HCM…

TS Tân tốt nghiệp cử nhân tại Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, chuyên ngành Hóa hữu cơ và lấy bằng tiến sĩ vật liệu cấu trúc nano và phân tử thuộc chương trình hợp tác giữa ĐHQG-HCM và Đại học UCLA.

Hai hướng nghiên cứu chính của nhà khoa học này là hóa hữu cơ và ứng dụng vật liệu MOF trong y sinh. Anh cho biết, trong tự nhiên có rất nhiều dược chất kháng ung thư nhưng các dược chất này không tan được trong nước nên không đến được tế bào ung thư. Vì vậy, nghiên cứu của anh và các cộng sự thực hiện nhằm thiết kế vật liệu nano có tính tương thích sinh học, phân hủy sinh học, và có khả năng mang dược chất trúng mục tiêu vào tế bào ung thư để trị bệnh.

Tin, ảnhĐức Lộc

Scroll to Top