Phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Cần tính đến các chính sách chưa từng có tiền lệ
Đến nay, Việt Nam đã dỡ bỏ lệnh cách ly toàn xã hội và bắt đầu triển khai các chính sách khôi phục nền kinh tế thời hậu COVID-19. Tìm kiếm giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch phải tính đến các chính sách chưa từng có tiền lệ nhằm đảm bảo sự tăng trưởng vững chắc, thích ứng với các biến động khó lường trong tương lai.
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia trong Hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn COVID-19” do Trường ĐH Kinh tế – Luật ĐHQG-HCM tổ chức ngày 20/5.
Linh hoạt chính sách tiền tệ
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật, cho rằng các chính sách nhằm phục hồi kinh tế của Chính phủ đã đi đúng hướng, đạt sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách này chỉ dừng lại ở mức độ cứu trợ khẩn cấp, mang tính tức thời, ngắn hạn trong khi tác động của dịch COVID-19 còn kéo dài. Nội lực tiêu dùng tư nhân và đầu tư tư nhân đang suy giảm mạnh và sẽ chậm hồi phục do mức độ thiệt hại cao. Đây là thách thức rất lớn cho Việt Nam.
“Khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, khủng hoảng do COVID-19 gây ra có nguyên nhân từ dịch tễ và tạo ra cú sốc ở cả hai phía cung và cầu. Điều này đòi hỏi chính phủ các quốc gia phải có những phản ứng phi truyền thống, mang tính sáng tạo cao, thậm chí khác biệt với các chính sách từng được áp dụng trong quá khứ. Tốc độ và mô hình phục hồi của nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào khả năng khống chế sự lây lan của dịch bệnh mà còn phụ thuộc vào sự phù hợp, kịp thời của các chính sách tiền tệ, biện pháp ổn định hệ thống tài chính và chính sách tài khóa, an sinh xã hội của chính phủ” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đánh giá.
Chia sẻ quan điểm này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, coi ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng là hai vấn đề xương sống, “không bên nào nhẹ hơn bên nào”. Đi cùng với đó là các giải pháp mở rộng tín dụng để duy trì phát triển kinh tế.
“Ngân hàng Nhà nước từng đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng là 13-14%. Tuy nhiên, hạn mức này có trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19. Nếu dịch kết thúc ngay có thể đạt tăng trưởng 4,2 – 4,4%, khả quan nhất là 4,6%. Nếu dịch quay lại, năm nay chỉ có thể tăng trưởng 3,6 – 3,8%. Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Khi cần thiết chúng tôi sẽ nới thêm hạn mức tín dụng, tạo khả năng cho vay từ các ngân hàng” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Ông Tú cũng lưu ý, các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay vì dễ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Khi đó việc vực dậy một ngân hàng “dặt dẹo” sẽ khó hơn gấp nhiều lần so với việc hồi phục các doanh nghiệp khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Việt Nam hiện kiểm soát dịch tương đối tốt trong nội địa, tuy nhiên với nước ngoài, vẫn phải cẩn trọng, kiên định trong chính sách phòng chống. Bởi chỉ cần mở một chuyến bay không kiểm soát từ quốc tế vào nội địa, khả năng phải tiếp tục áp dụng chính sách cách ly, phong tỏa, hạn chế đi lại… kéo theo sự đình trệ trong nền kinh tế.
“Cần phải tính đến các chính sách chưa có tiền lệ vì dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng lạ lùng nhất, khác hẳn các cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế trước đây. Sẽ không có một chính sách duy nhất để phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay mà phải có sự tổng hòa từ tất cả chính sách để đi đến kết quả tốt nhất” – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Ông Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành trình Chính phủ một nghị quyết nữa với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội sâu hơn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tập trung vào các giải pháp đầu tư công.
Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, cho hay doanh nghiệp ngành nhựa gặp hàng loạt khó khăn như thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Nhật, Mỹ bị “chặn” vì dịch COVID-19. Doanh nghiệp đã thế chấp vay vốn rồi nhưng hàng vẫn không đi được. Dù vậy, đại dịch cũng mở ra cơ hội rất lớn cho ngành nhựa khi giá nguyên liệu nhựa xuống đáy.
“Ngân hàng nên tăng hạn mức cho vay để doanh nghiệp có vốn tích trữ nguyên liệu đủ sản xuất đến hết năm 2021, vì chắc chắn sau đó giá nguyên liệu sẽ tăng mạnh. Ngoài ra cần nới lỏng điều kiện cho vay USD, chỉ cần xem dòng tiền của doanh nghiệp trong thời gian gần đây, có ngoại tệ về hay không mà tăng hạn mức cho vay thay vì chỉ một số ít doanh nghiệp được tiếp cận vốn ngoại tệ như hiện nay” – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM kiến nghị.
Xác lập chính sách kích cầu hiệu quả
Thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật, cho rằng Chính phủ cần xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp một cách có chiều sâu trong trường hợp đại dịch COVID-19 kéo dài.
“Kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác cho thấy doanh nghiệp nhỏ có thể được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa nền tảng kinh doanh trong đại dịch, một số khác nhanh chóng chuyển đổi sang các sản phẩm có nhu cầu cao như thiết bị phòng chống dịch, dịch vụ mua sắm online… Vì vậy, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi trong giai đoạn dịch COVID-19 cần tập trung giúp doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và kênh bán hàng mới” – PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhận định.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật, đây là thời điểm các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ kinh doanh hơn bao giờ hết. Đồng thời Chính phủ phải tăng cường việc kết nối các tổ chức xúc tiến thương mại trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực thông tin nhằm “cứu” doanh nghiệp trước nguy cơ rời bỏ thị trường.
Đồng quan điểm, ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Đồng Tâm Group, cho rằng trước tình hình khó khăn hiện nay, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn trung và dài hạn để ổn định và khôi phục hoạt động. Thông tư số 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tuân thủ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung – dài hạn theo lộ trình: Từ 1/1/2020 đến 30/9/2020 là 40%; từ 1/10/2020 đến 30/9/2021 là 37%; đến ngày 30/9/2022 về mức 34% và từ ngày 1/10/2022 còn 30%.
“Định hướng này là đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm giảm rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, Chính phủ nên xem xét gia hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 2 năm và điều chỉnh tỷ lệ ở mức 40% tính đến ngày 31/12/2021. Nếu tình hình tốt trở lại, thực hiện theo đúng lộ trình giảm tỷ lệ này về 30% vào tháng 10/2024” – Chủ tịch Đồng Tâm Group kiến nghị.
TS Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết mục tiêu đạt GDP năm nay khoảng 4,5% là khá thách thức, song vẫn có thể đạt được. Vấn đề là Chính phủ phải bảo đảm can thiệp mang tính kiến tạo phát triển.
“Đặc biệt, các yếu tố mới hỗ trợ tăng trưởng đầu tư, thương mại và cải cách thể chế như CPTPP, VE FTA, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chính sách ‘Hướng Nam’ mới của Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản cũng như chiến lược rút đầu tư khỏi Trung Quốc của nhiều quốc gia… cần được tính đến đầy đủ trong thiết kế dung lượng và đối tượng kích thích kinh tế của Chính phủ” – TS Lê Xuân Sang nhận định.
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng lưu ý, vaccine phòng chống COVID-19 có thể không được xử lý dứt điểm trong phạm vi toàn cầu, do vậy Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế sống chung với virus như HIV để thiết kế chiến lược, chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế quốc gia phù hợp trong dài hạn.
Không thể một lúc giảm sâu lãi suất Trả lời câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước dù hai lần hạ lãi suất điều hành nhưng lãi suất cho vay giảm rất chậm, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế – cho biết: “Lãi suất sẽ giảm từng bước chứ không thể một lúc giảm sâu vì cần thời gian để trung hòa nguồn vốn huy động giá cao trước đây. Hơn nữa các ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Họ phải tiết giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không lấy tiền từ ngân sách nhà nước. Trong việc hỗ trợ này, bốn ngân hàng quốc doanh là chủ lực nhưng cũng phải điều hành theo thị trường”. Về vấn đề sớm sửa Nghị định 20 để tháo nút thắt về tỷ lệ lãi vay, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế – cho biết Bộ Tài chính đã trình việc sửa nghị định lên Thủ tướng để ban hành. “Quan điểm của bộ là chính sách đưa ra nhằm chống né thuế nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp” – ông nhấn mạnh. |
PHAN YÊN (Bản tin ĐHQG-HCM số 200)