ĐHQG-HCM dẫn đầu về đăng ký sáng chế
Kết quả nghiên cứu KH&CN là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực thực sự của một trường đại học. Trong đó, các bài báo (công bố khoa học) và sáng chế (patent) là hai loại sản phẩm đặc biệt của quá trình nghiên cứu.
Theo số liệu từ Thư viện số về bằng sáng chế của Việt Nam, ĐHQG-HCM là đơn vị dẫn đầu về số lượng sáng chế trong các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay.
274 sáng chế
Năm 2011, ĐHQG-HCM thành lập Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ (IPTC) có nhiệm vụ phụ trách việc quản trị, đăng ký sáng chế trong ĐHQG-HCM. Bên cạnh đó, năm 2015, ĐHQG-HCM ban hành Quy chế Quản trị Tài sản trí tuệ trong ĐHQG-HCM làm cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT).
Theo số liệu thống kê của IPTC, toàn bộ khối tài sản trí tuệ của ĐHQG-HCM mà IPTC đang quản lý gồm 445 đối tượng (sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả, thiết kế bố trí mạch tích hợp); trong đó có đến 176 đối tượng đã được cấp văn bằng bảo hộ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu xét riêng sáng chế thì ĐHQG-HCM đang sở hữu 274 sáng chế, trong đó có 57 đối tượng đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền.
Nếu những bài báo khoa học đóng vai trò khám phá những thông tin tri thức khoa học mới, những hướng nghiên cứu mới, thì sáng chế đại diện cho tính ứng dụng của những nghiên cứu. Để cho ra đời một sáng chế tốt, nhà sáng chế thực thụ phải biết tập hợp những thông tin bao gồm kiến thức trong các bài báo khoa học, kết hợp với năng lực sản xuất công nghiệp và nhu cầu của thị trường. Còn xét trên bình diện quốc gia, sáng chế đại diện cho năng lực cạnh tranh về khoa học công nghệ và kinh tế của một quốc gia.
Bênh cạnh đó, ĐHQG-HCM cũng đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa quyền đối với sáng chế.
Hiện tại, các hoạt động chuyển giao công nghệ không được thực hiện trực tiếp thông qua việc thương mại hóa các sáng chế mà chúng được chuyển giao dưới dạng các hợp đồng tư vấn, dịch vụ với doanh thu trung bình tính từ năm 2013 đến nay là hơn 200 tỷ đồng/năm. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện pháp luật về SHTT của nhà nước và các quy trình quản trị tài sản trí tuệ, ĐHQG-HCM sẽ đẩy mạnh hoạt động trực tiếp thương mại hóa các sáng chế. Nguồn thu từ hoạt động này sẽ đóng góp đáng kể vào việc thực hiện chiến lược tự chủ của ĐHQG-HCM.
Đẩy mạnh công tác bảo hộ, xác lập quyền SHTT
Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, số lượng đơn đăng ký SHTT của ĐHQG-HCM không ngừng tăng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2014 tốc độ đăng ký mới đạt mức cao nhất, trung bình tăng 130%/năm. Bắt đầu từ năm 2015 trở đi, ĐHQG-HCM tập trung vào các tài sản trí tuệ có khả năng thương mại hóa cao, ủy quyền cho các đơn vị thành viên, trực thuộc chủ động đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, do đó về mặt thống kê số lượng đơn đăng ký mới mỗi năm có phần giảm.
Tổng số đơn đăng ký bảo hộ SHTT tính đến tháng 6/2019 là 445 đơn. Trong đó, có 176 đơn đã được cấp bằng, đạt 39,5%; 176 đơn đang trong giai đoạn thẩm định nội dung và 93 đơn đang trong giai đoạn thẩm định hình thức. Trong tổng số đơn được cấp bằng, chiếm hơn 50% là các sáng chế, giải pháp hữu ích và các thiết kế bố trí mạch tích hợp. Đây là những đối tượng SHTT có tiềm năng khai thác thương mại cao.
Theo quy chế quản trị tài sản trí tuệ được ĐHQG-HCM ban hành từ năm 2015 tất cả kết quả nghiên cứu (trong đó có các sáng chế) được tạo lập từ các đề tài có sử dụng ngân sách cấp thông qua ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM sẽ giữ quyền sở hữu hoặc đồng sở hữu.
Môi trường hoạt động KH&CN sôi động tại ĐHQG-HCM, cũng như các đơn vị thành viên – trực thuộc, đã mang lại cho ĐHQG-HCM một khối tài sản trí tuệ tương đối lớn so với các trường, viện trong cả nước. Do đó, bên cạnh hoạt động xác lập quyền, khai thác quyền hoạt động bảo vệ quyền SHTT cũng rất quan trọng. Với sự ra đời của một đơn vị chuyên trách về SHTT đó là IPTC, ĐHQG-HCM đã chuyên nghiệp hóa hoạt động quản trị tài sản trí tuệ theo mô hình của các đại học lớn trên thế giới.
Hoạt động đăng ký sáng chế ngày càng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động KH&CN của trường đại học. Với sứ mạng “tạo ra những công trình NCKH quan trọng; nơi đi đầu trong đổi mới, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước”, ĐHQG-HCM từng bước thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển tài sản trí tuệ và đưa hoạt động SHTT trở thành một hoạt động thường xuyên, khẳng định thế mạnh KH&CN của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
HỮU THỐNG