TP.HCM phải là trung tâm cơ khí cho nông nghiệp thông minh
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Cơ khí nông nghiệp thông minh cho Đồng bằng sông Cửu Long” do UBND TP.HCM phối hợp ĐHQG-HCM tổ chức tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, quận 3, sáng 27/9.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG-HCM, việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn. Các chuỗi giá trị nông sản chưa hình thành, đất sản xuất phân bổ manh mún. Đi cùng với đó là thực trạng của vựa lúa gần 18 triệu nhân khẩu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian dài vẫn là “vùng trũng” của cả nước về giáo dục, ứng dụng KH&CN.
“Với lợi thế tập trung gần 40% nhà khoa học của cả nước cùng các đại học, trường đại học có thế mạnh về công nghệ, phải chăng TP.HCM rất phù hợp để trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long?” – PGS.TS Huỳnh Thành Đạt đặt vấn đề.
Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết thêm, trong đầu bài hình thành các cụm ngành nông nghiệp tập trung, điều này còn đồng nghĩa với việc phân chia lao động trong chuỗi giá trị sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như đầu tư và phát triển các công nghệ mới.
TS Trần Anh Sơn – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ Khí, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, cho biết ĐBSCL đang phải đối mặt với một nghịch lý phát triển. Một mặt, theo truyền thống, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam đều dựa vào mở rộng sản xuất, tăng cường sử dụng đất, lạm dụng phân bón và hóa chất. Trong khi đó, ĐBSCL gần như không còn dư địa để mở rộng diện tích sản xuất.
Mặt khác, hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất là chìa khóa giúp nông nghiệp ĐBSCL phát triển, tuy nhiên, mức độ ứng dụng máy nông nghiệp thông minh tại khu vực này còn thấp.
“Trong điều kiện máy mới nhập ngoại có giá thành cao, hầu hết người dân chấp nhận dùng máy cày máy kéo cũ đã qua sử dụng. Nhóm máy này có hệ số tiêu tốn nhiên liệu cao, độ ổn định hoạt động không đảm bảo dẫn đến chi phí sản xuất cao. Tổn thất sau thu hoạch lúa vẫn còn ở mức 13% đến 14% về số lượng và hơn 12% về giá trị. Đây cũng là cơ hội để TP.HCM phát triển ngành cơ khí tại khu vực này” – TS Trần Anh Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thể Hà – Giám đốc Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ, sản lượng lúa ĐBSCL hằng năm khoản 25 triệu tấn. Cơ giới hóa hệ thống canh tác, giảm chi phí sản xuất, cũng như khai thác hợp lý chuỗi giá trị trong toàn khâu sản xuất, lợi ích tạo ra theo lý thuyết là 100 ngàn tỷ đồng (4 triệu đồng/tấn).
Thực hiện được 25% điều này cũng tạo ra nguồn thu trị giá 25 ngàn tỷ đồng/năm. Từ đó sẽ tạo nội lực để ĐBSCL chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp bằng nguồn lực của chính mình. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần phải có sự trợ giúp của TP.HCM.
“TP.HCM là trung tâm của nền cơ khí phía Nam, kinh tế TP.HCM và các tỉnh Nam bộ là một. TP.HCM là thị trường tiêu thụ nông sản trực tiếp và lớn nhất của ĐBSCL. TP.HCM cũng là hậu cần cung cấp vật tư thiết bị và giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bằng. Chiếm lĩnh và bảo vệ thị trường này để cơ khí TP.HCM và nông nghiệp ĐBSCL cùng phát triển” – ông Nguyễn Thể Hà khẳng định.
Hội thảo đã nhận được hơn 20 tham luận từ các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật… Hội thảo còn lắng nghe nhiều ý kiến của chuyên gia về các vấn đề như chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp, quản lý công nghệ cơ khí ứng dụng cho nông nghiệp…
Tin, ảnh: PHIÊN AN