KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

ĐHQG-HCM hỗ trợ kết nối AI cho TP.HCM

Ngày 25/9, ĐHQG-HCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho TP.HCM” với sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Hội thảo nhằm xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025.

PGS.TS Vũ Hải Quân trình bày tham luận tại hội thảo.

Đến dự hội thảo có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cùng hơn 300 nhà khoa học và doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực chưa sẵn sàng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm giúp TP tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về kết quả nghiên cứu AI, tìm con đường ngắn nhất để ứng dụng AI trên diện rộng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TP.HCM xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới.

Theo ông Phong, từ năm 2015 TP.HCM đã đưa các dự án ứng dụng AI vào chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất với mức cho vay mỗi dự án 100 tỷ đồng và từ năm 2017 đã tích hợp ứng dụng AI để xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn lực chưa sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển ứng dụng AI.

Ông Nguyễn Thành Phong đề xuất một trong những nội dung quan trọng là hệ sinh thái AI, ứng dụng AI phải gắn với công tác nghiên cứu và đào tạo; nắm bắt công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo được đội ngũ giỏi có thể khởi nghiệp về lĩnh vực AI.

Chiến lược AI cho thành phố

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phát triển CNTT và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo cần tập trung vào ba mũi nhọn, gồm: Công tác nghiên cứu và đào tạo, nắm bắt công nghệ,  đổi mới sáng tạo.

Đối với công tác nghiên cứu và đào tạo, cần đầu tư vào mảng AI thông qua các quỹ nghiên cứu và hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước để tập trung thế mạnh từ các góc độ và khía cạnh khác nhau vì một trường đại học hay viện nghiên cứu đơn lẻ không thể gánh vác hết. Ý tưởng về trường đại học chia sẻ có thể được triển khai, trong đó tập trung cơ sở vật chất nhưng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau để từ đó tận dụng được ưu điểm, thế mạnh của tất cả đơn vị.

Phát triển AI cần chú trọng liên kết khu vực và quốc tế nhưng trước hết cần xác định rõ đối tượng hướng tới là một nước, một viện nghiên cứu hay một tập đoàn đa quốc gia để có những chính sách và chiến lược phù hợp. Sau tất cả, mục tiêu chính của công tác này là đào tạo ra một nguồn nhân lực trình độ cao về CNTT và AI để thực hiện các vai trò trong chiến lược đề ra. Để thực hiện tốt chương trình này cần sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng. “ĐHQG-HCM nằm ở phía Đông TP.HCM với các trường đại học, Khu Công nghệ cao TP.HCM, là trụ cột của Đô thị thông minh sẵn sàng trở thành nơi để kết nối nền tảng AI giữa các đơn vị và quốc tế”. Ông Quân đề xuất.

Phó giám đốc ĐHQG-HCM đề nghị một số chiến lược phát triển AI tại TP.HCM trong đó tập trung về đào tạo và nghiên cứu. Về đào tạo, TP cần hợp tác với trường, viện nghiên cứu và các công ty có uy tín trên thế giới xây dựng chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn về nghiên cứu và ứng dụng AI cho các chuyên gia, cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp. Về nghiên cứu, cần tạo điều kiện thuận lợi cho ĐHQG-HCM xây dựng và triển khai các chương trình theo mô hình “đại học chia sẻ”, giúp lan tỏa và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI.

Toàn cảnh hội thảo AI.

Các giải pháp cụ thể

ĐHQG-HCM nêu ra nhiều khuyến nghị giúp TP.HCM phát triển và nghiên cứu ứng dụng AI, gồm: TP cần thành lập ban cố vấn chuyên môn và ban điều hành chương trình nghiên cứu hợp tác, ứng dụng AI, gồm các chuyên gia trong các trường/viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư;  Xác định các lĩnh vực chính trong việc ứng dụng AI; Phân công lãnh đạo có trách nhiệm trong từng lĩnh vực để cùng tham gia xây dựng mô hình “Thành phố kỹ thuật số” và ứng dụng AI; Mọi giải pháp ứng dụng AI khi triển khai nên áp dụng theo các giai đoạn: Triển khai thí điểm trong quy mô nhỏ. ghi nhận dữ liệu về tình trạng hoạt động, số liệu thực tế, phản hồi của người dân. Việc thu thập dữ liệu là rất cần thiết vì giúp thích nghi hóa giải pháp cho điều kiện thực tế. Phân tích dữ liệu để cải tiến giải pháp về thuật toán, công nghệ, quy trình… Triển khai nhân rộng mô hình ở quy mô lớn dần.

Song song đó, TP.HCM cũng nên  thành lập đơn vị chuyên trách việc đề xuất các quy định, tiêu chuẩn, quy trình về công nghệ, an toàn thông tin, trách nhiệm xã hội cho các giải pháp ứng dụng AI; Chia nhỏ bài toán AI để có thể đảm bảo phù hợp năng lực và trình độ của một đơn vị, một nhóm triển khai.

Các Sở ban ngành của thành phố xây dựng các API dữ liệu mở cung cấp thông tin từ để không chỉ các nhà nghiên cứu mà các doanh nghiệp tư nhân và cá nhân có thể cùng phát triển hệ thống các dịch vụ đa dạng cho thành phố và người dân, tuân theo các quy định về an toàn dữ liệu, an toàn thông tin.

THÁI VIỆT

Scroll to Top