KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Lập bản đồ số, phát triển du lịch cho công viên địa chất tỉnh Đăk Nông

Đó là những khẳng định hợp tác của các trường thành viên ĐHQG-HCM trong buổi làm việc giữa ĐHQG-HCM với UBND tỉnh Đăk Nông tại Nhà Điều hành ĐHQG, chiều 12/8.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt tặng quà lưu niệm của ĐHQG-HCM cho bà Tôn Thị Ngọc Hạnh.

TS Lê Thành Long – Trưởng ban Ban ĐN&PTDA, cho biết quá trình hợp tác giữa UBND tỉnh Đăk Nông và ĐHQG-HCM thời gian qua đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ trong hoạt động đào tạo đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nông nghiệp thủy sản, chế biến sau thu hoạch, phát triển du lịch… Tiêu biểu: Xây dựng sản phẩm du lịch theo định hướng liên kết vùng; Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đăk Nông trong bối cảnh hậu khủng hoảng; Chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đăk Nông đến năm 2020…

TS Lê Thành Long cũng đề xuất từ nay đến năm 2020, ĐHQG-HCM và tỉnh Đăk Nông sẽ tăng cường hợp tác đào tạo bồi dưỡng các khóa kỹ năng, nghiệp vụ (khởi sự doanh nghiệp, phương pháp giảng dạy trực tuyến); mở trung tâm ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế; Thành lập Văn phòng tư vấn du học và xuất khẩu lao động tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đăk Nông.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông đánh giá cao sự hợp tác giữa tỉnh và ĐHQG-HCM đồng thời nhấn mạnh sẽ hỗ trợ hết mình để hoạt động giữa hai bên đạt hiệu quả cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông lưu ý, hiện tỉnh đang phát triển Công viên địa chất Đăk Nông nên hy vọng sẽ nhận được sự trợ giúp của ĐHQG-HCM trong việc nghiên cứu địa chất, sinh học, và du lịch tại đây.

“Công viên địa chất Đăk Nông rộng khoảng 4.700 km2, nằm trên địa bàn 6 huyện, thị xã: Krông Nô Cư Jút, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Điểm nổi bật nhất trong Công viên địa chất Đăk Nông là hệ thống hang động núi lửa phân bố khu vực dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007. Đồng thời, nơi đây còn sở hữu những di sản địa mạo quý giá như: Hồ Ea Snô, Hồ Trúc, Hồ Tây, Thác Đ’ray Sáp, Thác Trinh Nữ… cùng không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, sử thi Ót N’drong. Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ của ĐHQG-HCM để phát triển công viên địa chất này” – bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết.

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, hoạch định chiến lược phát triển du lịch cho các địa phương vốn là thế mạnh của trường. Dựa trên các hợp tác thành công về du lịch trước đó với tỉnh Đăk Nông, Trường Nhân Văn sẽ kết hợp đội ngũ chuyên gia của tỉnh để tăng cường nghiên cứu các giải pháp quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư các khu, điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cho biết, với thế mạnh về kỹ thuật trắc địa – bản đồ, trường sẽ hỗ trợ tỉnh Đăk Nông trong việc thành lập bản đồ địa hình, địa chính Công viên địa chất dưới dạng số bằng phương pháp toàn đạc, trắc lượng ảnh và viễn thám cũng như các công trình về xây dựng hệ thông tin địa lý và quản lý đất đai cho tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG-HCM, khẳng định ĐHQG-HCM sẽ đôn đốc, giám sát việc thực hiện các dự án, đề tài giữa hai đơn vị, nhằm đưa việc hợp tác, ký kết đạt nhiều hiệu quả thiết thực, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đăk Nông.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa ĐHQG-HCM và UBND tỉnh Đăk Nông.

Tin, ảnh: PHIÊN AN

Scroll to Top