KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Cựu Tổng Giám đốc NASA: 50% lao động ở NASA là nữ giới

“Never stop reaching – Women making history” (Đừng bao giờ thôi vươn lên – Phụ nữ làm nên lịch sử) là thông điệp chính mà phi hành gia 4 lần bay vào vũ trụ Charles Bolden – cựu Tổng Giám đốc NASA truyền tải đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham dự Ngày hội Space Day 2019. Chương trình do Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM tổ chức với chủ đề 50 năm con người đặt chân lên mặt trăng, diễn ra vào ngày 12/6.

Phi hành gia Charles Bolden chụp hình lưu niệm với sinh viên, học sinh. ẢnhPHẠM PHƯƠNG

Đừng bao giờ đầu hàng

Mở đầu buổi giao lưu, phi hành gia Charles Bolden điểm lại những dấu mốc trong ngành vũ trụ quốc tế và dành nhiều lời tán dương nhà toán học Katherine Johnson – người đã góp phần quyết định đưa những nhà du hành của Mỹ lên vũ trụ và hạ cánh xuống Mặt Trăng.

“Ở NASA, không ai không biết đến huyền thoại Katherine Johnson. Bà chính là người tính toán quỹ đạo cho Apollo 11 – con tàu vũ trụ nổi tiếng đã đưa Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đặt những bước chân đầu tiên của con người trên Mặt Trăng vào năm 1969. Và đó cũng là người truyền cảm hứng cho nữ giới làm việc tại NASA” – Cựu Tổng Giám đốc NASA cho biết.

Phi hành gia người Mỹ kể rằng trong thời kỳ chưa có IBM, Apple, Katherine Johnson và các đồng nghiệp của bà chuyên thực hiện các phép tính quan trọng và cực kỳ phức tạp, tốn nhiều công sức, đôi khi chỉ với giấy bút và máy tính đơn giản. Tuy nhiên, ở Mỹ không một ai nói đến họ – “những át chủ bài trong tính toán” này.

Katherine Johnson là một tài năng ngoại lệ. Ngay từ bé, cô đã cực kỳ giỏi toán. Katherine giỏi đến mức năm 15 tuổi, cô được nhận vào đại học và năm 18 tuổi lấy bằng cử nhân. Đầu thập niên 1950, lúc đầu làm cô giáo nhưng nơi thực sự hấp dẫn cô là NACA – tiền thân của NASA ngày nay. Hồi đó, NACA đang tuyển người cho bộ phận tính toán.

Phi hành gia Charles Bolden hồi tưởng: “Sau Đệ nhị Thế chiến, ngành hàng không ở Mỹ phát triển thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và cần rất nhiều chất xám. Tuy vậy, công việc vẫn được phân chia rõ ràng: Nam giới là các kỹ sư sáng láng, còn trong bộ phận nghiên cứu là các “nữ máy tính” làm việc âm thầm, lương thấp hơn nhiều. Đã thế họ còn phải gánh chịu trách nhiệm… làm đẹp cho cơ quan nữa. Katherine Johnson đã đáp ứng được tất cả tiêu chí của NACA. Và năm 1953, bà được nhận vào làm việc trong trung tâm thí nghiệm Langley tại Hampton. Đối với Katherine, chỉ tính toán thôi là chưa đủ mà còn phải biết lên tiếng. Khi biết phụ nữ không được phép tham gia các cuộc họp với kỹ sư, bà nói: ‘Có luật nào cấm tôi tham dự cuộc họp không?’”.

Từ câu chuyện của nhà toán học Katherine Johnson, phi hành gia Charles Bolden nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay, không có công việc nào là dành riêng cho nam giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ, nam giới làm được công việc gì thì những cô gái trẻ ngồi đây cũng hoàn toàn có thể làm được công việc đó. Tính tới thời điểm hiện tại, các bạn có biết 50% lao động ở NASA chính là nữ giới. Chúng ta đừng bao giờ đầu hàng, đừng sợ thất bại”.

Trước câu hỏi liệu người Việt Nam có cơ hội để vào NASA và trở thành một phi hành gia, Cựu Tổng Giám đốc NASA vui vẻ: “Tất nhiên là được rồi. Và nếu như không thể trở thành phi hành gia ở NASA, các bạn vẫn có thể trở thành phi hành gia ở Việt Nam. Quan trọng nhất là các bạn phải học thật giỏi, có sức khỏe tốt và hoàn thành chương trình đại học đã nhé”.

Chúng ta đã làm nhưng… chưa đủ

Đó là câu trả lời của Charles Bolden khi được một nữ sinh viên hỏi ông về việc chúng ta cần làm gì để cứu lấy Trái Đất hiện nay. Hồi tưởng những cảm xúc trong chuyến du hành đầu tiên của mình, ông Bolden chia sẻ: “Tôi nhìn thấy một hòn đảo vô cùng lớn. Nó thực sự là một hòn đảo? Không! Nó chính là lục địa châu Phi. Khi nhìn vào nó, tôi không nhận thấy bất kỳ ranh giới giữa các quốc gia hay dân tộc, thậm chí giữa đất, nước và khí. Cái tôi thấy là một khối lớn đang trong sự dịch chuyển tuyệt vời mà thôi”.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, ông Bolden cho biết cảm giác ngắm nhìn Trái Đất từ vũ trụ trong ông đã có sự thay đổi đáng kể: “Khi bay trên cao nhìn xuống có thể thấy được những mảng rác lớn trôi nổi trên các đại dương. Những chủng loài động – thực vật biến mất ngày càng nhiều. Điều đó báo hiệu một điều rất nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Phi hành gia Charles Bolden – Cựu Tổng giám đốc NASA. ẢnhNGỌC THẢO

Phi hành gia người Mỹ cho rằng chúng ta không thể phủ nhận Trái Đất đang gặp vấn đề lớn về biến đổi khí hậu. Hiện tại, chúng ta phải cố gắng tìm ra nơi cư trú cho những người di tản vì biến đổi khí hậu. Có những khu vực đã vượt tầm kiểm soát và con người không thể sinh sống. Thế nhưng, không có gì là không thể sửa chữa.

“Chúng ta có thể cùng nhau đối mặt và giải quyết nó bằng những hành động cụ thể. Nếu chúng ta không dừng lại những hành động nhỏ gây tác hại đến môi trường thì nhiệt độ của Trái Đất sẽ càng tăng cao. Theo ước tính, đến năm 2050, chúng ta không thể chịu nổi nhiệt độ trên Trái Đất. Vì vậy, chúng ta phải hành động ngay để cứu lấy hành tinh của chúng ta” – ông Charles Bolden nói.

PGS.TS Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, chia sẻ: “Ngày hội Space Day mang lại những hiệu ứng tích cực, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ vũ trụ cho học sinh, sinh viên. Space Day còn là cơ hội để giới thiệu và định hướng nghề nghiệp cho học sinh về các nhóm ngành liên quan khoa học công nghệ vũ trụ như tài nguyên Trái đất, điện tử tự động hóa, kỹ thuật hàng không, viễn thám, định vị vệ tinh, khoa học máy tính… Đây là những ngành đặc trưng và thế mạnh của Trường ĐH Bách Khoa”.

Ngoài buổi gặp gỡ và giao lưu với cựu Tổng Giám đốc NASA, phi hành gia Charles Bolden, Space Day 2019 còn diễn ra nhiều hoạt động nổi bật khác như tham quan phòng thí nghiệm trọng điểm và hướng nghiệp dành cho học sinh… Đây là lần III Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM tổ chức Ngày hội Space Day. Đặc biệt, năm nay ngày hội nhận được sự hợp tác từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).

 

Đằng sau bức ảnh lỗ đen

Vào đầu tháng 6, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM đã tiếp đón GS Paul T.P. Ho – Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á làm diễn giả buổi nói chuyện về “Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” trước hơn 300 sinh viên, nhà nghiên cứu Việt Nam nhân sự kiện các nhà khoa học của dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) công bố bức ảnh lịch sử này.

Theo GS Paul T.P. Ho bức ảnh chụp lỗ đen được công bố đã có sự can thiệp của thuật toán, xóa các hiệu ứng nhỏ trong thiên văn tên là Clean và “hình ảnh mà chúng ta thấy được chỉ là cái bóng của nó”. GS Ho cũng lưu ý, lỗ đen có hai loại nhỏ và lớn chứ không chỉ đơn thuần là lớn. Lỗ đen nhỏ được tạo thành từ sự chết đi của các ngôi sao có khối lượng gấp 5-10 lần khối lượng Mặt Trời.

GS Paul T.P. Ho cho biết, muốn phân giải được lỗ đen chúng ta phải chọn những nguồn sáng có kích cỡ lớn và đặc biệt là sử dụng giao thoa kế. Để tạo ra giao thoa kế, người ta phải kết hợp nhiều kính thiên văn ở những khu vực khác nhau. Tuy nhiên, kỹ thuật giao thoa kế trong thiên văn vô tuyến với kính thiên văn vô tuyến khác camera quang học. Nó thu, nhận sóng vô tuyến và chuyển ra hình ảnh.

Kỹ thuật này dựa vào sự quay của Trái Đất. Khi Trái Đất chuyển động, các góc nhìn liên tục bị thay đổi, chúng ta thu được dữ liệu và sau đó chuyển thành hình ảnh. Nguyên lý này khác với những nguyên lý quang học. Từ hình ảnh thu được, chúng ta có thể tính bán kính, mật độ electron và từ trường của lỗ đen. Và kính thiên văn dùng để quan sát lỗ đen có khối lượng gần 100 tấn.

TẤN ĐỒNG

 

NGUYỄN NHUNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 195)

Scroll to Top