KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

ĐHQG-HCM LÀ THÀNH VIÊN MẠNG LƯỚI CÁC TRUNG TÂM HỖ TRỢ CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Từ 27-28/3, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức Hội thảo “Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN”

Hội thảo khu vực ASEAN dành cho Mạng lưới TISC được tổ chức và duy trì thường xuyên tại các nước thành viên nhằm cung cấp những cập nhật mới nhất của các thành viên Mạng lưới trong khu vực ASEAN cũng như giới thiệu những chương trình mới nhất của WIPO liên quan đến Mạng lưới.

ĐHQG-HCM là thành viên chính thức của mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) từ tháng 3/2019. Ngoài ra, còn có ĐHQG Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trường ĐH Bách Khoa, và một số viện/trường khác trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục SHTT đã khẳng định rằng Cục SHTT đóng vai trò trung tâm kết nối, điều phối các hoạt động mạng lưới TISC quốc gia của Việt Nam. Cục SHTT có nhiệm vụ lập kế hoạch và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho các thành viên mạng lưới để có đủ kỹ năng tra cứu thông tin, tư vấn thủ tục xác lập quyền, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ cho các nhà sáng chế trong tổ chức của viện, trường hoặc doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho các viện trường tăng cường năng lực trong hoạt động sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chú trọng vào việc tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam cũng như thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Ông hy vọng rằng, thông qua Mạng lưới TISC của Việt Nam và khu vực ASEAN, hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của các chủ thể Việt Nam, đặc biệt là của các viện/trường sẽ được thúc đẩy, góp phần cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam.

Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) được thành lập trên cơ sở dự án TISC do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới khởi xướng trên phạm vi toàn cầu. Kể từ khi chương trình TISC được triển khai năm 2009 đến hết năm 2018, đã có 78 quốc gia đã ký Thỏa thuận với WIPO để phát triển mạng lưới TISC quốc gia. Các quốc gia ASEAN cũng tham gia vào Mạng lưới này và đã đạt được những thành quả nhất định trong hoạt động hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tập trung vào thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Với vai trò thành viên của TISC, trong năm 2019, ĐHQG-HCM sẽ phối hợp tổ chức và tham gia với WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ để triển khai một loạt các hoạt động tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế phục vụ các hoạt động nghiên cứu, triển khai, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; kiến thức kỹ năng về chuyển giao công nghệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học. 

HỮU THỐNG

Scroll to Top