GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn: “Tôi sẽ nghiên cứu, dạy học đến khi không còn sức mới thôi”
Gần bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hy, GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn vẫn luôn tất bật với công việc giảng dạy, nghiên cứu hằng ngày. Nếu có phút nào đó được nghỉ ngơi, tâm trí thầy lại bận rộn với những dự án còn đang dang dở, ý tưởng mới chợt hiện lên cứ thế cuốn thầy vào niềm hăng say bất tận của sự sáng tạo khoa học.
Sáng tạo mỗi ngày
09 sáng chế, 13 đề tài nghiên cứu các cấp, 33 bài báo khoa học, cùng cựu sinh viên chuyển giao hơn 500 dây chuyền sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm và nông sản cho khách hàng trong và ngoài nước,… Đó là những quả ngọt sau hơn 40 năm thầy miệt mài nghiên cứu và sáng tạo.
Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu, thầy Sơn đã chọn cho mình hướng phát triển lương thực, thực phẩm và nông sản. Ý nghĩ “phải làm một điều gì đó để giúp bà con nông dân thoát nghèo” luôn thường trực trong tâm trí thầy. Từ đó, thầy Sơn quyết tâm phải sáng tạo, chế tạo các thiết bị hiện đại nhằm giải phóng sức lao động, mang lại sản phẩm có năng suất, chất lượng cao cho người nông dân. Thầy tâm niệm: “Công việc của tôi là không ngừng tìm ra giải pháp bằng cách đổi mới và sáng tạo mỗi ngày. Chỉ có vậy mới giúp bà con đỡ vất vả, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai”.
Sau nghiên cứu về công nghệ bóc tách và sơ chế hạt điều, hàng loạt những nghiên cứu về thiết bị sản xuất thực phẩm làm từ nông sản Việt được thầy ra mắt. Đó là thiết bị sản xuất phở tươi, bánh cuốn, mì quảng, bánh tráng gạo, bánh bía (dùng làm chả giò), bánh tráng rế,… Những nghiên cứu này đều được cấp bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ trong cả nước cũng như quốc tế.
Giải thưởng Hồ Chí Minh chưa là đích đến
Nói về sự ra đời của thiết bị làm bánh tráng rế tự động, thầy Trần Doãn Sơn cho biết, khoảng năm 2015, thầy đến thăm Cổ Cò (Tiền Giang), một số hộ gia đình đang sản xuất bánh tráng rế bằng tay, họ phải nhúng bàn tay vào chậu bột rồi rê các sợi bột lên một chảo nóng để tạo vân bánh. Họ lao động cực nhọc từ sáng sớm đến tận khuya mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Thầy tâm sự: “Tôi cũng sinh ra ở làng quê nên thấu hiểu phần nào tâm tư của họ. Tôi đi hết Tây Tàu và quay về quê hương mình mới thấy có nhiều người còn khổ lắm”.
Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng thầy Sơn đã cho ra đời chiếc máy làm bánh tráng rế, chuyển giao về Cổ Cò. Thầy chia sẻ: “Cảm xúc của tôi khi nhìn thấy chiếc máy tạo ra thành phẩm đầu tiên là niềm vui tột cùng. Vui vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ đồng bào khó khăn”.
Năm 2020, thầy Trần Doãn Sơn đã được trao 03 giải thưởng (giải Nhì, Ba và Khuyến khích) về sáng chế của TP.HCM. Trong đó, sáng chế về “Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước” là nổi bật nhất. Với thao tác vận hành đơn giản và tiện lợi, thiết bị khá phù hợp cho nhà hàng, khách sạn có thể tự chế biến bún để phục vụ các món ăn tươi ngon cho thực khách. Thầy đã chuyển giao công nghệ sản xuất này cho 09 doanh nghiệp, đặc biệt có những doanh nghiệp tại Mỹ, Thụy Điển, Nhật, Hàn Quốc,…
Từ cuối năm ngoái, tin thầy Trần Doãn Sơn được công nhận giải thưởng danh giá bậc nhất của một nhà khoa học tại Việt Nam – Giải thưởng Hồ Chí Minh – bắt đầu rộ trên các mặt báo. Thầy Sơn cho hay, bản thân thầy cảm thấy rất vinh dự. Giải thưởng này như một dấu ấn quan trọng, giúp thầy nhìn lại toàn bộ khoảng thời gian mình đã sống và cống hiến vì người dân.
“Tuy nhiên, giải thưởng này chưa được coi là ‘đích đến’ của tôi. Niềm đam mê sáng tạo, muốn tạo ra nhiều thiết bị, máy móc hơn nữa để giúp đỡ bà con trong tôi vẫn còn máu lửa lắm. Tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, dạy học đến khi nào không còn sức nữa mới thôi” – thầy Sơn vừa nói vừa nhìn xa xăm.
Nhà giáo Nhân dân, GS.TS Trần Doãn Sơn sinh năm 1954 tại xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 23 tuổi, ông trở thành giảng viên của Trường ĐH Bách khoa. Năm 1982, ông sang Tiệp Khắc để hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. 5 năm sau, ông nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy, Trường Điện – Máy Plzen tại quốc gia này.
Sau khi trở về nước, ông được bổ nhiệm vị trí Chủ nhiệm bộ môn Chế tạo Máy tại Trường Đại học Bách khoa. Năm 2002, ông được công nhận chức danh Phó Giáo sư. Đến năm 2020, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cuối năm 2021, ông được Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét duyệt đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư.
Với những cống hiến của mình, GS.TS Trần Doãn Sơn đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 02 bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Đặc biệt, vào ngày 23/11/2022 tại Hà Nội, ông được Hội đồng cấp nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Khoa học công nghệ đợt 6 với cụm công trình “Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực-thực phẩm và nông sản Việt Nam”.
Ban KH&CN (tổng hợp)