KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Những kết quả nổi bật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM

Thực hiện kế hoạch chiến lược (KHCL) của ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025, hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đã đạt được những thành tựu nổi bật về công bố quốc tế, sản phẩm ứng dụng, xếp hạng đại học,…

Tính đến tháng 12/2022, ĐHQG-HCM công bố 1.913 bài trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) Scopus, trong đó tiếp tục có nhiều công bố trên các tạp chí uy tín như: Nature, Science, Advanced Functional Materials, The Lancet Neurology. Theo CSDL Scopus, giai đoạn 2017-2022 ĐHQG-HCM đã công bố 7.837 bài báo.

Theo xếp hạng mới nhất của Tổ chức Giáo dục QS, ĐHQG-HCM thuộc top 801-1.000 thế giới, đạt vị trí 167 châu Á và hạng 37 trong khu vực Đông Nam Á. Trong bảng xếp hạng năm 2022 của Tạp chí Times Higher Education, ĐHQG-HCM tiếp tục thuộc top 401+ các đại học hoạt động dưới 50 năm, được đánh giá tốt nhất thế giới. Đây là năm thứ 3 liên tiếp ĐHQG-HCM xuất hiện trong bảng xếp hạng này.

Năm 2022, các đơn vị của ĐHQG-HCM đã cố gắng thực hiện các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng và triển khai 636 hợp đồng dịch vụ KH&CN với tổng doanh thu đạt 154,1 tỷ đồng. Các nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã nộp 35 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ và được cấp 02 bằng sáng chế của Mỹ.

ĐHQG-HCM công bố trên tạp chí Nature, chỉ số ảnh hưởng (IF >69)

Nhiều hoạt động hợp tác và hội thảo lớn được thực hiện trong năm 2022 như: ĐHQG-HCM cùng Bộ KH&CN, UBND TP.HCM ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022-2025 nhằm tăng cường hợp tác trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KHCN trên địa bàn TP.HCM; Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với ĐHQG-HCM tổ chức; Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ” do ĐHQG-HCM phối hợp với Bộ KH&CN và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức; Hội thảo “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và ĐHQG-HCM tổ chức,…

Nhiều nhà khoa học của ĐHQG-HCM được vinh danh trong năm 2022. Tiêu biểu như: TS Hà Thị Thanh Hương nhận giải thưởng “Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2022” của chương trình L’Oreal – UNESCO; GS.TS Võ Văn Tới được Hiệp hội Y khoa và Kỹ thuật Y sinh Quốc tế trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời; PGS.TS Lê Thị Kim Phụng và PGS.TS Bùi Xuân Thành được trao Giải Sáng tạo xuất sắc nhất Giải thưởng Sáng tạo châu Á 2022 do Quỹ Toàn cầu Hitachi tổ chức; GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN; GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai được trao Giải thưởng Kovalevskaia; PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; TS Lê Thanh Long, TS Nguyễn Lý Sỹ Phú, TS Trần Thị Như Hoa được trao Giải thưởng Quả cầu vàng,…

Sinh viên ĐHQG-HCM trong năm qua cũng giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi học thuật quốc tế như: giải Nhất chương trình Maker to Entrepreneur (MEP) 2022; 2 giải cao nhất cuộc thi “Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects”; Sáng kiến theo dõi vệ tinh toàn cầu (Global Satellite Tracking Initiative); hạng Nhất cuộc thi lập trình IEEExtreme; Vô địch cuộc thi Lập trình robot diễn ra tại Singapore và nhiều giải thưởng cao tại kỳ thi Olympic Sinh học Sinh viên toàn quốc.

ĐHQG-HCM công bố trên tạp chí Science chỉ số ảnh hưởng (IF>63)

Sản phẩm ứng dụng tiêu biểu

Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng của ĐHQG-HCM cũng được đẩy mạnh thông qua các chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo theo yêu cầu của địa phương/doanh nghiệp. Có thể kể đến một số sản phẩm ứng dụng tiêu biểu năm 2022 như sau:

Chuỗi thiết bị sản xuất, chế biến nông sản Việt, Màng bọc thực phẩm ăn được do các nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa thực hiện, bao gồm: Dây chuyền tự động sản xuất bánh tráng rế; công trình sản xuất bún; công nghệ chế biến điều nhân xuất khẩu; công trình chế biến cà phê nhân; ứng dụng AI/IoT trong quản lý môi trường tại Vườn Quốc gia Tràm chim; vật liệu tính năng cao aerogel composite từ phụ phẩm nông nghiệp ứng dụng trong xây dựng và xử lý môi trường; màng bọc thực phẩm ăn được với thành phần nguyên liệu chủ yếu làm từ tinh bột sắn, dễ dàng tan trong nước nóng, có thể thay thế các loại nylon bọc gia vị trong gói phở, mì ăn liền,…

Thiết bị sản xuất bánh tráng bía tự động
Thiết bị sản xuất Phở, Bún
Dây chuyền chế biến hạt điều

Gạc cầm máu từ thạch dừa kết hợp với Oligomer Chitosan: Các nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Quốc tế đã chuyển giao nghiên cứu tạo gạc cầm máu từ thạch dừa kết hợp với Oligomer Chitosan cho Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Y tế tỉnh Bến Tre; chuyển giao quy trình bảo quản tươi dược liệu dạng củ (sâm Ngọc Linh) trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum và Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Đắk Tô.

Màng thạch dừa kết hợp với Oligomer Chitosan

Thuốc tế bào gốc của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Đây là sản phẩm tiêu biểu của công nghệ tế bào gốc “off-the-shelf”. Công nghệ tế bào gốc “off-the-shelf” là công nghệ cốt lõi và đang phát triển mạnh mẽ. Người ta ví công nghệ tế bào gốc “off-the-shelf” như công nghệ trí tuệ nhân tạo và di động.

Thuốc Tế bào gốc từ mô mỡ người, sản xuất thử nghiệm tại PTN Tế bào Gốc

Ban KH&CN (tổng hợp)

Scroll to Top