Ngày 8/4, Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa khai trương tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM. Trước đó 3 tháng, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Thiết bị Công nghiệp Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM ra mắt Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa. Đến nay, ĐHQG-HCM đã có hai trường thành viên thành lập doanh nghiệp.
Hai doanh nghiệp này ra đời với mục tiêu làm cầu nối giữa trường đại học với các doanh nghiệp và địa phương, hỗ trợ cho công tác đào tạo và nghiên cứu, cũng như giúp nhà trường phát huy vai trò của mình đối với cộng đồng, xã hội.
Từ nhu cầu của nhà trường
Được cấp phép vào ngày 19/11/2018, Công ty Văn Khoa (Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa) được xem là một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp với cơ chế tự chủ tài chính trên ba lĩnh vực: khoa học, đào tạo và du lịch.
TS Trần Anh Tiến – Giám đốc Công ty Văn Khoa, cho biết công ty hình thành dựa trên ba nhu cầu cơ bản của nhà trường: “Thứ nhất, Trường ĐH KHXH&NV mong muốn công ty là cầu nối để nhà trường gắn kết với các địa phương và các doanh nghiệp. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất khi thành lập công ty. Công ty là đầu mối giữa nhà trường với doanh nghiệp và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường hy vọng cung cấp những dịch vụ cho sinh viên, nghiên cứu sinh và giảng viên về nghiên cứu khoa học và du lịch. Ngoài việc hỗ trợ các hoạt động thực tập thực tế thế cho sinh viên, công ty còn đáp ứng nhu cầu hoạt động nghỉ dưỡng cho giảng viên, đặc biệt là hoạt động du lịch gắn với chuyên môn. Và một nguyên nhân nữa là tạo thêm nguồn thu cho nhà trường. Nguồn thu này sẽ góp phần vào việc phát triển nhà trường, đầu tư phương tiện thiết thực cho giảng viên và sinh viên”.
Nói về những khó khăn trong quá trình thành lập công ty, TS Trần Anh Tiến chia sẻ: “Nhóm đề án phải tiến hành nhiều cuộc họp với Hội đồng ĐHQG-HCM để xin chủ trương. Đề án cũng được chỉnh sửa rất nhiều lần trong hơn một năm để hoàn thiện. Bên cạnh đó, nhóm đề án còn phải giải trình với Sở Kế hoạch và Đầu tư về tính pháp lý và dữ kiện để thành lập công ty”.
Còn về ý nghĩa tên công ty, TS Trần Anh Tiến cho biết: “Văn Khoa là tên gọi quen thuộc và thân thương của trường trong 60 năm qua. Là một bộ phận mới, đại diện cho trường nên mọi hoạt động của công ty đều phải giữ được uy tín của trường, giữ được giá trị và hình ảnh của Văn Khoa”.
Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Công ty Văn Khoa nhằm phục vụ cộng đồng, xã hội, hỗ trợ người dân tiếp cận công bằng, bình đẳng các giá trị. Sinh viên cũng có thể chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của mình qua công ty này. Trong thời gian tới, trường sẽ thành lập Trung tâm Giáo dục bền vững, là một trong những giải pháp hướng tới việc đào tạo sinh viên chất lượng và hiệu quả.
Sắp tới, Công ty Văn Khoa tập trung hỗ trợ các hoạt động tư vấn đào tạo, thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, khảo sát về phát triển kinh tế xã hội. Về du lịch, ngoài việc hỗ trợ việc thực tập thực tế cho sinh viên và hoạt động nghỉ dưỡng cho giảng viên, công ty cũng tổ chức các hoạt động du lịch gắn với chuyên môn, làm dịch vụ cho các hội thảo, hội nghị khoa học.
“Tuy còn nhiều khó khăn về tài chính cũng như áp lực cạnh tranh từ các công ty lớn hơn nhưng Công ty Văn Khoa sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài, hỗ trợ hết mình cho nhu cầu của giảng viên, sinh viên về khoa học, đào tạo và du lịch” – Giám đốc Công ty Văn Khoa nhấn mạnh.
Doanh nghiệp thuộc đại học là xu thế
Công ty Khoa học Công nghệ Bách Khoa (Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa) thành lập ngày 11/1. Khác với Công ty Văn Khoa có chủ sở hữu hoàn toàn là Trường ĐH KHXH&NV, công ty này là mô hình công ty cổ phần KHCN được chuyển đổi từ tổ chức KHCN đầu tiên của cả nước, gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, Trường ĐH Bách Khoa sở hữu 28% cổ phần, vốn điều lệ hơn 4 tỷ đồng.
PSG.TS Đậu Văn Ngọ – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Khoa học Công nghệ Bách Khoa, chia sẻ: “Tôn chỉ hoạt động của công ty là phát triển lĩnh vực KHCN, chuyển từ lý thuyết giảng dạy sang thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ; các đề tài công nghệ của sinh viên cũng được áp dụng vào thực tiễn”.
Công ty hoạt động trên lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật, bao gồm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sửa chữa máy móc và thiết bị, sản xuất ô tô và xe có động cơ, xây dựng nhà ở và công trình kỹ thuật dân dụng…
Về quá trình thành lập công ty, PSG.TS Đậu Văn Ngọ cho biết: “Khi đề án chuyển đổi trung tâm nghiên cứu thành công ty cổ phần, chúng tôi gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Liệu quá trình cổ phần hóa có gây bất lợi gì cho phía nhà trường hay không? Bởi vì cổ phần hóa thuộc về doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, nhằm mở ra một cơ chế thoáng hơn trong quá trình chuyển giao KHCN, không bị ràng buộc cơ chế quản lý của nhà nước, ĐHQG-HCM và Ban Giám hiệu Trường ĐH Bách Khoa đã quyết tâm giải quyết vướng mắc trên. Tuy là công ty cổ phần, chúng tôi vẫn xây dựng định hướng phát triển KHCN cũng như quy chế của công ty dưới sự chỉ đạo và định hướng phát triển của nhà trường”.
PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, cho biết: “Việc chuyển đổi mô hình hoạt động này là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học. Chúng tôi hy vọng công ty sẽ thu hút sự đầu tư của khối tư nhân, tăng thêm nguồn lực cho hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học”.
Sắp tới, công ty sẽ hoàn thiện hai trung tâm trực thuộc là Trung tâm Kiểm định môi trường và Trung tâm Kiểm định thiết bị cơ khí.
Tại hội thảo “Thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong trường đại học” do Bộ GD&ĐT, Hội đồng Anh và Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM đồng tổ chức, PGS.TS Neil Stott (ĐH Cambridge – Anh) khẳng định: “Thành lập doanh nghiệp trong trường đại học đang là xu thế hiện nay, đặc biệt là các công ty xã hội. So với doanh nghiệp thành lập trường đại học để nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp đó, các công ty xã hội thuộc các trường đại học công lập mang ý nghĩa giáo dục và hướng về cộng đồng, về xã hội nhiều hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thế hệ người trẻ ngày nay không muốn làm việc như ngày xưa, nhất là làm trong công ty không có tiếng tốt, không có đóng góp gì cho xã hội”.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG-HCM, việc các trường thành viên thành lập công ty là hoàn toàn đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phù hợp với chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM trong bối cảnh kinh tế thị trường và tự chủ đại học hiện nay.
NGUYẾN NHUNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 194)