Cứ say mê đi, cứ sáng tạo đi, rồi mọi điều sẽ tự nhiên đến!
Đó là lời nhắn nhủ của PGS.TS Trần Doãn Sơn (sinh năm 1954, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM). Ở tuổi lục tuần, thầy vẫn tràn đầy năng lượng trong việc sáng chế những thiết bị “nhà quê” chế biến lương thực, thực phẩm và truyền lửa sáng tạo cho các thế hệ học trò.
Sau hơn 40 năm cống hiến, không chỉ gặt hái được nhiều thành quả trong việc chế tạo các máy móc, ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò thành đạt.
40 năm một niềm say mê
Đều đặn mỗi sáng, sau khi khởi động ngày mới bằng một ly cà phê nóng, thầy Sơn bắt đầu miệt mài với công việc. Hết làm việc trên máy tính, thầy lại ghé vào xưởng chế tạo của mình phía sau nhà, quan sát từng chiếc máy, trao đổi với các học trò, kỹ sư về các vấn đề kỹ thuật.
“Cứ đi ra đi vô là tôi lại phải ghé ngang sờ mấy chiếc máy một tí cho ‘đã’, giống như nghiện vậy” – thầy Sơn vừa cười vừa chia sẻ. Xưởng chế tạo tại nhà được thành lập vào năm 2015 với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, chế tạo của thầy. Tại đây, thầy Sơn có điều kiện thuận lợi hơn để cho ra đời nhiều chiếc máy chế biến thực phẩm. Đó cũng là một hướng đi mới lạ và làm nên “thương hiệu” của thầy.
Theo thầy Sơn, Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp, trong đó các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Trước đây cũng như hiện nay, công nghệ và thiết bị chế biến các sản phẩm này còn thua kém nhiều nước.
“Từ suy nghĩ này, tôi và các đồng nghiệp đã tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ để chế biến các sản phẩm ‘nhà quê’, nâng cao dần giá trị của chúng bằng những kỹ thuật hiện đại” – thầy Sơn kể.
Cách đây 5 năm, thầy Sơn cùng các cộng sự của mình đã có chuyến đi đến vùng Cổ Cò (Cái Bè, Tiền Giang). Thấy đời sống người dân còn nhiều cơ cực, trong đầu thầy lóe lên ý nghĩ sẽ làm ra một chiếc máy vừa để họ làm phương tiện sinh nhai, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên của vùng. Thầy tâm sự: “Tôi cũng sinh ra ở làng quê nên thấu hiểu phần nào tâm tư của họ. Đi rồi mới thấy có nhiều người còn khổ lắm”.
Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng thầy Sơn đã cho ra đời chiếc máy làm bánh tráng rế, chuyển giao về Cổ Cò. Thầy chia sẻ: “Cảm xúc của tôi khi nhìn thấy chiếc máy tạo ra thành phẩm đầu tiên là niềm vui tột cùng. Vui vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ đồng bào khó khăn”. Từ đây, với phương kế sinh nhai trong tay, nhiều người dân đã cải thiện phần nào đời sống vất vả của mình.
“Đến giờ tôi và bà con vẫn giữ liên lạc với nhau. Có người lên Sài Gòn khám bệnh còn gọi điện hỏi thăm mình nữa chứ!” – thầy Sơn thích thú.
Cứ thế, hơn 40 năm qua, thầy Trần Doãn Sơn vẫn tận tụy với công việc nghiên cứu, sáng chế. Chính điều này tạo nên động lực cho bao thế hệ sinh viên. Như chia sẻ của Lê Quốc Việt, sinh viên năm cuối Khoa Cơ khí: “Nhiều khi thanh niên như tôi cảm thấy mình còn không đủ say mê, năng động như thầy nữa”.
Với tính cách ưa hoạt động, học hỏi, thầy Sơn quan niệm tuổi tác chưa bao giờ là trở ngại đối với sự nghiệp sáng chế. “Ở tuổi này, sức khỏe không còn cường tráng, hoạt động không được nhanh nhẹn như thời còn trẻ, đó là quy luật. Tuy nhiên, niềm đam mê sáng tạo trong tôi gần như không hề suy giảm. Cứ say mê đi, cứ sáng tạo đi, rồi mọi điều sẽ tự nhiên đến” – Thầy Sơn bộc bạch.
“Ở tuổi này, sức khỏe không còn cường tráng, hoạt động không được nhanh nhẹn như thời còn trẻ, đó là quy luật. Tuy nhiên, niềm đam mê sáng tạo trong tôi gần như không hề suy giảm. Cứ say mê đi, cứ sáng tạo đi, rồi mọi điều sẽ tự nhiên đến”.
PGS.TS Trần Doãn Sơn
Người thầy bầu bạn với sinh viên
Thầy Trần Doãn Sơn cho biết: “Ngoài niềm đam mê sáng tạo, tôi còn một niềm vui rất lớn là dành thời gian để truyền lửa cho các học trò mình. Hằng ngày, tôi nhận được rất nhiều thư của sinh viên bày tỏ mong muốn hướng nghiệp cho các em, tôi rất hạnh phúc về điều đó”.
Thầy Sơn bắt đầu công việc trồng người từ năm 1972. Với một quá trình giảng dạy lâu như thế, nên đã có trường hợp cả gia đình ba thế hệ đều là học trò của thầy Sơn. “Ba mình nói nếu con muốn theo đuổi ngành này, hãy tìm thầy Sơn để học hỏi” – Trần Tiến Huy, sinh viên năm cuối Khoa Cơ khí, được ba mình – đồng thời là học trò cũ của thầy Sơn dặn dò khi trở thành sinh viên ngành cơ khí.
Thầy Sơn quan niệm đi dạy không đơn thuần là truyền kiến thức mà quan trọng hơn là truyền lửa đam mê cho học trò. Thế nên lớp học của thầy lúc nào cũng đông đủ, nhiều khi có các bạn lớp khác xin vào học “ké”. Phương châm giảng dạy của thầy là khơi gợi tư duy sáng tạo của học trò thay vì chỉ ghi chép kiến thức. Những vấn đề thực tế ở xưởng nghiên cứu được thầy đưa ra luôn hút các bạn sinh viên tranh luận, phản biện để tìm ra biện pháp tốt nhất. Điều đó tạo nên môi trường học tập lành mạnh, không bị áp đặt, khuôn mẫu.
Thầy Sơn cho rằng đi dạy còn là để gần gũi, truyền niềm say mê học tập cho học trò, đồng thời cũng là để bầu bạn, học hỏi từ họ. Thầy nhận xét bây giờ sinh viên có “nhiều cái hay lắm”: họ giỏi đồ họa trên máy tính, giỏi thao tác các phần mềm xử lý bài toán nhanh chóng, tối ưu…
Khi nói về những thành công của mình, thầy Trần Doãn Sơn đúc kết: “Tất cả thành quả đều có sự đóng góp của học trò, công sức của tôi và công sức của học trò hòa quyện với nhau”. Trong lúc làm việc, giữa thầy Sơn và các sinh viên đôi lúc xảy ra những cuộc tranh luận, dù chênh lệch tuổi tác nhưng hai bên đều trao đổi trên tinh thần lắng nghe, tôn trọng nhau.
Bạn Lê Quốc Việt, sinh viên năm cuối Khoa Cơ khí, nói về người thầy của mình: “Thầy chịu khó lắng nghe tụi mình, thầy hướng dẫn cụ thể từng cái. Dù tuổi cao, thầy vẫn làm các việc nặng nhọc như đục, khoan máy… để thị phạm, mình ngưỡng mộ lắm”.
Tiếp xúc với giới trẻ nhiều như vậy nên phong cách của thầy luôn trẻ trung, hiện đại và dễ gần. Mỗi cuối tuần, học trò lái xe đến đưa thầy đi uống cà phê và nghe nhạc. Thầy hào sảng nói: “Sống với thanh niên nên suy nghĩ cũng phải sáng tạo, năng động như thanh niên”. Lối sống cởi mở, thân thiện của thầy được đền đáp bằng tấm lòng yêu mến, kính trọng của nhiều thế hệ học trò. Trong ngày sinh nhật của mình, điện thoại thầy Sơn dường như “nổ tung” vì nhận được trên dưới 1.000 tin nhắn chúc mừng từ học trò.
Dự định của thầy Sơn là sau này khi nghỉ hưu sẽ chuyển giao hết công việc ở xưởng cho hậu bối, rồi làm một ao cá nhỏ, cuối tuần nhâm nhi cà phê, vui thú thanh nhàn. Nhưng hỏi khi nào thì thầy vẫn chưa biết vì “còn yêu nghề lắm”. Vài cuốn sách chờ thầy hoàn thành, vài dự án chờ thầy nghiên cứu, vài cậu học trò chờ được thầy hướng dẫn…
Bằng sáng chế đạt chuẩn châu Âu Với những cống hiến của mình, PGS.TS Trần Doãn Sơn đã nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, 2 bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Sáng chế nổi bật nhất của ông là máy làm bánh phở tươi tự động, được Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế và đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE). Vừa qua, ông còn được trao 3 giải hưởng sáng chế TP.HCM. |
HOÀI THƯƠNG – PHƯƠNG MAI (Bản tin ĐHQG-HCM số 200)