KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Nữ giáo sư Hóa học từ “thích ăn mì tôm” đến đạt Giải thưởng Kovalevskaia danh giá

Ngày 16/5, tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu ĐHQG-HCM đã vinh dự được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dành cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực của cuộc sống.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai. ẢnhNVCC

Giải thưởng là động lực lớn

Vào năm 1992 khi chọn trường thi đại học, nữ sinh Thanh Mai hồi ấy vẫn chưa nghĩ rằng sau này mình sẽ trở thành một giảng viên, một nhà khoa học như bây giờ. Bà chỉ nhớ là mình rất “thích ăn mì tôm”, và có mong muốn giản dị rằng sau này mình sẽ làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nên đã thi vào ngành Hóa học của Trường ĐH Tổng Hợp, nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.
 

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (áo dài đỏ) được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia. ẢnhPTNK

Để rồi càng học, GS Thanh Mai càng yêu thích lĩnh vực hóa học, nhất là chuyên ngành Hóa phân tích nên đã đi sâu nghiên cứu. Đến nay bà đã phát hiện hàng trăm hợp chất có cấu trúc mới với các tác dụng sinh học khác nhau từ dược liệu; đã chủ trì và hoàn thành 14 đề tài NCKH các cấp: 10 đề tài cấp Bộ (7 đề tài cấp ĐHQG-HCM và 3 đề tài Nafosted), 4 đề tài cấp Tỉnh; công bố 135 bài báo khoa học, trong đó có 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế và 66 bài báo quốc gia. Đồng thời, bà cũng đã xuất bản các sách chuyên khảo, giáo trình, có 2 sáng chế được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký và là trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh thuộc Chương trình nghiên cứu Hóa Dược của ĐHQG-HCM năm 2020.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ: “Thật sự khi nhận tin được xét tặng giải thưởng Kovalevskaia, tôi rất xúc động vì những gì mình cố gắng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời gian qua đã được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam năm 2021 công nhận. Ban đầu tôi cũng không tự tin nộp hồ sơ lắm vì đây là giải thưởng cao quý dành cho các nhà khoa học nữ, nhưng nhờ sự động viên của các đồng nghiệp nên đến giờ cuối tôi mới quyết định làm hồ sơ. Đây là động lực rất lớn để tôi tiếp tục cho sự nghiệp giáo dục và làm khoa học của mình”.

Nghiên cứu hợp chất chống ung thư và trị bệnh viêm khớp
 

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đang làm việc cùng cộng sự. ẢnhNVCC

Là người say mê tìm kiếm, nghiên cứu các dược liệu, Giáo sư Thanh Mai đã phối hợp với ĐH Toyama, Nhật Bản nghiên cứu tìm kiếm các dược liệu và hoạt chất có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy trong môi trường thiếu dưỡng chất. Từ chương trình, nhóm nghiên cứu của bà đã phát hiện nhiều hoạt chất có cấu trúc mới, trên thế giới chưa từng có. Đặc biệt hoạt chất từ củ Ngải bún, trồng ở An Giang có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy rất mạnh. “Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã phát hiện 21 hợp chất mới và 36 hoạt chất có tác dụng chống ung thư tụy mạnh. Từ đó, chúng tôi đã nghiên cứu chiết xuất và điều chế thành công sản phẩm nano có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa” – GS Thanh Mai say sưa nói.

Ngoài ra, nữ khoa học gia quê Quảng Ngãi này còn nghiên cứu về các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp. Nhóm nghiên cứu của bà đã điều chế ra sản phẩm nano từ cây Cà gai leo có tác dụng chống viêm khớp, giảm đau; nghiên cứu về công nghệ chiết xuất nọc ong mật và đánh giá tác dụng chống viêm khớp trên động vật thực nghiệm.

Kết quả nghiên cứu của GS Thanh Mai và nhóm đã cung cấp những minh chứng khoa học trong việc sử dụng dược liệu điều trị bệnh. Bà cho biết: “Các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe đang trong quá trình nghiên cứu để thương mại hóa cũng như tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để phát triển ra thuốc điều trị bệnh”. Đây cũng là điều GS Mai mong muốn nhất sau những công trình nghiên cứu cơ bản của mình.

“Thấy cô Mai là thấy yên tâm…”

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai làm việc tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. ẢnhNVCC


Ngoài nghiên cứu khoa học, GS Thanh Mai còn đảm nhận công tác quản lý, từ tháng 1/2022, nữ Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu. Đồng thời, cũng như những bậc làm cha mẹ khác, hằng ngày, nhà lãnh đạo nữ 48 tuổi này vẫn có nhiệm vụ đón con và làm các công việc nội trợ. Bà cho biết, nhiệm vụ mới khiến bà rất bận rộn vì phải làm quen với nhiều công tác mới, nhưng nhờ trong suốt 15 năm qua, bà đã xây dựng được nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp nên dù bận rộn, GS Mai vẫn dành thời gian theo dõi các hoạt động nghiên cứu, đồng thời tận dụng tối đa các kênh liên hệ trực tuyến để thảo luận các vấn đề phát sinh trong nghiên cứu của nhóm. Do vậy, nhóm nghiên cứu của bà vẫn luôn hoàn thành các kế hoạch nghiên cứu đã đề ra.

Để có thể cân bằng được nhiều nhiệm vụ cùng lúc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu chia sẻ: “Thật sự làm lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự chuyên tâm, sâu sát và làm hết trách nhiệm của mình. Với sự thay đổi và phát triển nhanh chóng hiện nay của xã hội, đòi hỏi cả 2 công việc: nghiên cứu và quản lý cũng phải thay đổi và phát triển. Tuy nhiên, đối với tôi, công tác NCKH là chuyên môn được đào tạo bài bản trong nhiều năm, trong khi công tác quản lý lại khá rộng, phải vừa làm vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm và mất nhiều thời gian hơn. Tôi may mắn là có những đồng nghiệp luôn đồng lòng, chung tay để có thể cân bằng cả 2 công việc và đạt hiệu quả cao”.

TS Phan Thị Anh Đào – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật nói: “Cô Mai là người đã hướng dẫn luận án Tiến sĩ cho tôi. Cô rất nhiệt tình, quan tâm tới học trò. Trong công việc, cô quyết đoán và giải quyết công việc rõ ràng, hiệu quả và rất nhanh. Tôi nhớ, trong quá trình làm luận án, tôi gặp một số khó khăn, nhiều lúc thấy bi quan và không biết sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, khi tôi trao đổi với cô, cách giải quyết và hướng dẫn của cô không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn giúp tôi lạc quan hơn. Điều đặc biệt, tôi đã lĩnh hội được điều này để sau khi tốt nghiệp, tôi trở về với sinh viên của mình và truyền được tinh thần đó”.

Cùng cảm nhận với TS Anh Đào, ThS Lê Hữu Thọ – Giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐH KHTN hào hứng khi nói về người cô của mình: “Thật ra với một sinh viên bất kỳ nào đã từng theo học và được cô Mai hướng dẫn sẽ thật sự rất tự hào vì cô quá tuyệt vời. Với tôi cũng vậy, cô như là một “guru” (bậc Thầy) vĩ đại vì đã cho tôi khám phá kiến thức rộng lớn về Hóa dược, cho tôi thỏa sức sáng tạo, chỉ tôi cách nuôi dưỡng đam mê, tự bứt phá, phát triển và hoàn thiện bản thân”.

 “Cô Mai là một người rất công bằng. Đúng là đúng, mà sai là sai. Nhưng nếu sai thì Cô sẽ chỉ ra, định hướng và tìm cách khắc phục cùng chứ không bao giờ bỏ rơi bạn. Nếu bạn thiếu niềm tin: gặp cô Mai. Nếu bạn thiếu động lực: gặp cô Mai. Nếu bạn bí về tính mới: gặp cô Mai. Nếu bạn cần sự giúp đỡ, mặc dù không phải chuyên môn của cô, cũng hãy gặp cô Mai. Cô sẽ cho bạn một điểm tựa, bạn sẽ đi xa hơn bạn tưởng. Nói chung, thấy cô Mai ở Khoa là chúng tôi yên tâm về mọi mặt” – ThS Lê Hữu Thọ khẳng định.

Là nữ khoa học thứ 2 của Khoa Hóa học đạt giải thưởng Kovalevskaia
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (48 tuổi, quê Quảng Ngãi), tốt nghiệp ngành hóa học Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM).
Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ Dược học tại Trường ĐH Y Dược Toyama (Nhật Bản). Bà được công nhận phó giáo sư năm 2014 và sau đó là giáo sư vào năm 2020.
GS Thanh Mai là nữ khoa học thứ 2 của Khoa Hóa học, Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM đạt giải thưởng Kovalevskaia. Trước đó, năm 2016, GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng cũng đã vinh dự được trao giải thưởng này.

Giải thưởng Kovalevskaia được mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19 – Sophia Kovalevskaia (1850 – 1891).
Ở Việt Nam, từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia đã được các nhà khoa học nữ Việt Nam hưởng ứng, coi đó là nguồn động viên, cổ vũ nữ giới trên con đường nghiên cứu khoa học.
Tính đến năm 2020, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã xét chọn và trao giải thưởng cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà nữ khoa học có thành tích nghiên cứu khoa học tự nhiên xuất sắc và có ứng dụng nổi bật trong các lĩnh vực toán học, hóa học, sinh học, y tế, giáo dục, nông nghiệp…


ĐOÀN CHÂU

Scroll to Top