ĐHQG-HCM thảo luận về định mức nghiên cứu khoa học của giảng viên
Ngày 15/8/2022, ĐHQG-HCM tổ chức Tọa đàm “Một số vấn đề về định mức nghiên cứu khoa học của giảng viên tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM)” tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM (Q5). Mục đích chính của toạ đàm nhằm trao đổi, thảo luận, và chia sẽ kinh nghiệm về một số vấn đề liên quan định mức nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên (theo nội dung Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT), nghiên cứu viên trong hệ thống ĐHQG-HCM và một số nội dung bổ sung, sửa đổi trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022.
Theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học, giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng thời gian làm việc trong năm (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ NCKH. Theo đó, mỗi năm, giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ NCKH được giao tương ứng với chức danh hoặc vị trí công việc đang đảm nhiệm. Kết quả NCKH của giảng viên được đánh giá thông qua các sản phẩm KH&CN, các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Báo cáo tham luận trình bày một số nội dung cốt lõi của Dự thảo quy định định mức NCKH của giảng viên, nhất là đối với các giảng viên có học hàm, học vị trong hệ thống ĐHQG-HCM. ĐHQG-HCM với quyết tâm mạnh mẽ hướng đến tương lai, tiếp tục khẳng định vị thế của ĐHQG-HCM trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam và trên trường quốc tế. Với mục tiêu ưu tiên phát triển KH&CN đẩy mạnh NCKH cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học liên ngành đạt trình độ tiên tiến của thế giới: đẩy mạnh nghiên cứu đỉnh cao trong các lĩnh vực KHTN và KHXH, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong các nghiên cứu KH&CN nhằm tăng nhanh số lượng công bố khoa học quốc tế có uy tín. Triển khai chiến lược KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025 của ĐHQG-HCM dự kiến gia tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, ĐHQG-HCM kỳ vọng đạt 2.500 công bố vào năm 2022 và khoảng 15 ngàn công bố khoa học đến năm 2025 trong cơ sở dữ liệu Scopus và/hoặc Web of Science.
Tọa đàm còn lắng nghe các tham luận chia sẽ kinh nghiệm về quy định chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên từ các trường ĐH Bách Khoa, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Nhiều ý kiến tâm huyết, nghiêm túc đã trao đổi tại Tọa đàm nhằm làm rỏ hơn một số vấn đề quan trọng như: (1) cần có sự phân loại giảng viên: giảng viên đảm nhiệm giảng dạy là chính, giảng viên vừa tham gia giảng dạy vừa tham gia nghiên cứu và giảng viên có tỷ trọng nghiên cứu cao; (2) cần có sự cân bằng giữa định mức giảng dạy và định mức nghiên cứu khoa học một cách hợp lý để giảng viên, nghiên cứu viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ đồng thời; (3) cần có lộ trình áp dụng và có cách quy đổi giờ giảng dạy và giờ NCKH hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ của từng giảng viên; (4) cần có cơ chế khen thưởng, khuyến khích các giảng viên có công bố vượt trội và “dự trữ” cho các năm tiếp theo; (5) tọa đàm còn có một báo cáo liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 ngày 16/6/2022 và một số quy định quản trị tài sản trí tuệ tại ĐHQG-HCM.
Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu tham dự tọa đàm đều nhất trí cần xây dựng quy định về định mức NCKH của giảng viên, nghiên cứu viên. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, ĐHQG-HCM chỉ cần ban hành khung quy định chung, các trường thành viên sẽ xây dựng quy định cụ thể, nhiệm vụ NCKH cho giảng viên phải phù hợp với điều kiện, tiềm lực khoa học, chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học và phù hợp với năng lực chuyên môn của giảng viên, nghiên cứu viên.
BAN KH&CN